Bộn bề nỗi lo gửi con của công nhân khu công nghiệp
(PNTĐ) -Không có nhiều tiền, không kiếm được chỗ gửi con thật sự yên tâm…, có tới 40,3% công nhân tại 10 nhà máy thuộc khu công nghiệp ở thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam lo lắng về chuyện không tốt có thể xảy ra với con ở lớp.
Tỷ lệ cha mẹ cho rằng con cảm thấy an toàn và yên tâm tại cơ sở gửi trẻ còn thấp
Nhằm tìm hiểu kĩ hơn thực trạng dịch vụ trông trẻ cho người lao động ở các khu công nghiệp (KCN), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thực hiện khảo sát về thực trạng an toàn nơi gửi trẻ của con em công nhân. Nghiên cứu, sử dụng mẫu phiếu khảo sát định lượng online, được thực hiện với 690 công nhân tại 10 nhà máy thuộc KCN ở thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam trong giai đoạn 11/2022 - 01/2023. Đối tượng tham gia là công nhân có con từ 6-60 tháng tuổi hiện đang gửi con cơ sở gửi trẻ có trả phí (trường mầm non/mẫu giáo công lập, trường mầm non/mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ tư thục độc lập/tại nhà).
Kết quả đã chỉ ra: Khi cân nhắc cơ sở trông trẻ cho con, công nhân thường chỉ chú ý đến địa điểm gần nhà, tiện đường đưa đón (60% số công nhân trả lời khảo sát). Chất lượng của cơ sở trông trẻ chưa được công nhân để ý tới hoặc chưa có kiến thức để đánh giá cơ sở an toàn hay mất an toàn cho trẻ. Về yếu tố an toàn và tinh thần của trẻ, cứ 4 công nhân thì có 1 người (25,5%) báo cáo con họ hay cáu kỉnh từ khi đi nhà trẻ. Ngoài ra, có đến hơn 12% công nhân gửi con đi trẻ ở độ tuổi rất sớm: 5-12 tháng tuổi.

Vấn đề lớn nhất cha mẹ gặp phải khi chọn nơi gửi gắm trẻ là chi phí quá cao so với khả năng tài chính của gia đình. Gần 38% công nhân cho biết họ gặp khó khăn nhất với phí gửi trẻ; sau đó là địa điểm thiếu thuận tiện với dưới 24% và một số khó khăn khác như giờ đón và trả trẻ (14%), cơ sở vật chất chật hẹp, ít đồ chơi, ít không gian ngoài trời (9%), trường không có giáo dục bài bản (8%), trường không có chương trình giáo dục đặc biệt (5%). Chỉ có 3 công nhân (0,4%) trên tổng số người trả lời khảo sát không gặp khó khăn gì khi tìm kiếm nơi gửi trẻ.
Người trông trẻ mất kiên nhẫn với trẻ là một trong những nguy cơ tiềm ẩn của việc bạo hành trẻ, tuy hành vi chưa xác thực, có tới 17,3% công nhân báo cáo đã từng thấy người trông trẻ mất kiên nhẫn với con mình, trong đó tỷ lệ ở các trường mầm non và mẫu giáo công lập là 18,7%; ở trường tư thục quy mô lớn là 9,6% và ở điểm trông trẻ quy mô nhỏ là 20%.
Trẻ được gửi ở các cơ sở trông trẻ quy mô nhỏ và trường công lập có nguy cơ gặp cô giáo thiếu kiên nhân cao hơn gấp 2 lần so với trẻ được gửi ở cơ sở tư thục quy mô lớn. Và trong số công nhân khảo sát, có tới 40,3% công nhân lo lắng về chuyện không tốt có thể xảy ra với con ở lớp.
Khuyến nghị nâng cao số lượng và chất lượng cơ sở trông trẻ trên địa bàn
Nhìn chung, công nhân là nhóm có nhu cầu lớn lớn với dịch vụ trông trẻ. Công nhân làm việc trung bình 55 giờ/tuần, cao hơn mức 47,44 giờ/tuần của người làm công ở Việt Nam theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2019. Ngoài ra, với phần lớn công nhân (66,2%) sử dụng dịch vụ gửi trẻ trước khi bé tròn 2 tuổi, trong đó 10,9% cho trẻ đi lớp trước khi tròn 1 tuổi, sự sẵn có của cơ sở trông trẻ trên địa bàn ở vị trí thuận tiện và giá cả phải chăng là vô cùng cần thiết.

Đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, nên thành lập cơ chế cho phép doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gần nhà máy để cung cấp cơ sở gửi trẻ an toàn, chất lượng cho con em công nhân. Đặc biệt, cần các địa điểm có điều kiện nhận con em dưới 36 tháng tuổi, đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động. Ngoài ra, cần phổ cập rộng rãi về chính sách cho công nhân và các đối tượng khác thuộc diện được hưởng trợ cấp.
Theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ, trẻ mầm non là con người lao động ở KCN được trợ cấp tối thiểu 160.000 đồng/tháng. Trên thực tế, kết quả khảo sát cho thấy rất ít trẻ (1,3%) được hưởng trợ cấp này. Nguyên nhân là do chính sách này chỉ áp dụng với trẻ đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục có cấp phép. Hơn nữa, quy trình đăng ký cho công nhân để hưởng trợ cấp chỉ nhận hồ sơ vào tháng 8 hàng năm với thời hạn chỉ có 15 ngày để cha mẹ chuẩn bị và nộp giấy tờ. Trước tình trạng thiếu thốn trường mầm non ở KCN, cùng với nhu cầu cao của công nhân trong việc gửi trẻ sớm (trước 36 tháng tuổi), công nhân phải chấp nhận gửi trẻ với chi phí cao ở các cơ sở ngoài.
Để giúp bố mẹ là công nhân có thêm kiến thức giúp con an toàn tại nơi gửi trẻ, theo bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cho biết, Trung tâm đã phối hợp cùng Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng khóa học trực tuyến miễn phí Hành Trình Đầu Đời. Công nhân và cha mẹ tại cộng đồng đều có thể truy cập, để học cách nhận biết sớm các nguy cơ, cách đánh giá tính an toàn của cơ sở trông trẻ, cách dự phòng để con được an toàn. Trong quý 3/2023, chương trình sẽ cung cấp thêm 2 khóa học mới: kiểm soát cảm xúc và giao tiếp tích cực với con trẻ. Mọi khóa học đều miễn phí tới công nhân và cộng đồng. Đây là một chương trình rất nhân văn và hữu ích, giúp công nhân cải thiện kỹ năng làm cha mẹ và giúp con em công nhân có được sự chăm sóc đáp ứng, giáo dục sớm và chăm sóc đúng cách về sức khỏe và dinh dưỡng.