Các trường giảm lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp

Chia sẻ

Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận sự đổi mới trong phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học (ĐH). Các trường không còn phụ thuộc nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT mà mở rộng chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác như xét học bạ, xét tuyển thẳng, chứng chỉ ngoại ngữ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi đánh giá quốc tế…

Đa dạng phương thức tuyển sinh để có đầu vào chất lượng

Theo TS. Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, việc thi THPT là cần thiết. Tuy nhiên, coi đây là cơ sở để cho tất cả các trường ĐH tuyển sinh là không ổn. Đó là chưa kể việc áp dụng hình thức trắc nghiệm trong bài thi cũng không phù hợp vì nó không đánh giá được sự sáng tạo, khả năng phản biện của người học.

TS Hiển phân tích, sản phẩm tốt nghiệp của ĐH đòi hỏi về kiến thức, thái độ, kỹ năng. Việc thi tốt nghiệp như hiện nay quá chú trọng vào kiến thức. Chẳng hạn như nghề sư phạm, chưa hẳn một người có kết quả thi cao nhất đã dạy hay nhất. Nếu chỉ dùng phương án tuyển sinh cũ là lấy kiến thức làm trọng tâm thì không thể nào xét được hết năng lực của thí sinh.

Theo lãnh đạo trường ĐH Lạc Hồng, mỗi ngành có đặc thù riêng, không thể có công thức chung. Chính vì vậy, cần đa dạng hơn nữa phương án tuyển sinh như xét học bạ kết hợp phỏng vấn hay bài viết về niềm mong ước của học sinh, sử dụng điểm thi đánh giá năng lực… Bộ GD-ĐT cũng đã cho các trường áp dụng nhiều phương thức. Đó là một giải pháp khá hay để các trường chủ động lựa chọn được những “hạt giống” tốt.

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, mặt bằng chung giáo dục đã chênh lệch giữa các vùng miền nên tổ chức thi chung để xét tuyển thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn bất cập. Thứ hai, tổ chức trên diện rộng thì tính đồng bộ, tính nhất quán càng khó. Mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để công nhận tốt nghiệp, vậy nên các trường chỉ xem xét xem sử dụng điểm số đó như thế nào. Những trường ĐH top trên, những ngành hot chỉ lấy kỳ thi tốt nghiệp làm công cụ sàng lọc.

Năm nay có  thêm  nhiều trường giảm lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPTẢnh: H.CNăm nay có thêm nhiều trường giảm lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT  Ảnh: H.C

Chuẩn hóa, bất cập sẽ giảm

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, các trường được giao tự chủ tuyển sinh nhưng nhiều trường chưa thể tự chủ được mà vẫn phải dựa vào kết quả nào đó. Như hiện nay là kết quả thi THPT. Tuy nhiên, vì kỳ thi này trước hết là để xét tốt nghiệp THPT nên kết quả hơi khác so với mong muốn của các trường. Chính vì vậy, các trường cũng gặp những khó khăn nhất định. “Tự tuyển được là tốt nhất, nhưng điều kiện hiện nay không phải trường nào cũng có đủ kinh tế, nhân lực tự tổ chức. Nếu có thể thì những trường có nhóm ngành có tính chất tương tự liên kết với nhau tuyển thì sẽ thuận lợi hơn”.

Liên quan đến các phương án tuyển sinh hiện nay, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng hiện tại, các trường nên coi việc xét học bạ, xét điểm thi THPT là cơ sở sơ tuyển.

Sau đó nhà trường có thể tiếp tục dùng các bài kiểm tra năng lực cần thiết để đảm bảo chất lượng sinh viên mới.


Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Nhiều nước có mô hình ĐH mở, khi tuyển họ không quá chú trọng đầu vào, thậm chí người học chỉ cần đăng ký là được học. Có những trường ĐH không bắt người học thi mà chỉ yêu cầu họ trình bày xem 3 năm THPT đã làm được những gì, có hoạt động gì sáng tạo, có ứng dụng được kiến thức mình học vào việc gì không, hoạt động xã hội là gì… qua đó họ đánh giá được năng lực của học sinh.

Xã hội hiện nay đang đòi hỏi con người cực kỳ năng động. Do đó việc đổi mới tuyển sinh để khắc phục những hạn chế hiện nay là vô cùng cần thiết. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng phương án tuyển sinh của các trường. Có trường tuyển chặt chẽ, có trường tuyển dễ dàng, có trường chỉ tuyển năng khiếu... miễn sao các cơ sở này đảm bảo được yêu cầu của Nhà nước và đào tạo được nguồn nhân lực tốt thì sẽ được xã hội đón nhận và đánh giá cao.

HỒNG HẠNH

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.