Hà Nội hỗ trợ học phí năm học 2022-2023:

Cần bình đẳng và công bằng với người học

THU GIANG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việc xây dựng Nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2022-2023 là chính sách ưu việt và đặc thù riêng của TP Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chính sách hỗ trợ nhân văn này được bình đẳng và công bằng với mọi người học.

Cần bình đẳng và công bằng với người học - ảnh 1
Học sinh Hà Nội hân hoan ngày khai giảng năm học mới Ảnh: P.V

Chính sách nhân văn kịp thời
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GD-ĐT) đang phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo UBND Thành phố trình HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông của TP Hà Nội năm học 2022-2023 tại kỳ họp thứ 9 HĐND khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra vào ngày 12/9 tới để xem xét, quyết định một số nội dung, trong đó có Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2022-2023; Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội năm học 2022-2023. 

Trong thời gian chờ HĐND Thành phố ban hành nghị quyết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc theo phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) tạm thời chưa thực hiện thu học phí cho đến khi có hướng dẫn mới.

Báo cáo tác động về việc ban hành Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2022-2023, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nay theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (NĐ 81), trẻ em mầm non và học sinh phổ thông ngoài các đối tượng chính sách được hưởng chế độ miễn học phí còn có các đối tượng được giảm học phí (học sinh hộ cận nghèo, học sinh có cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng trợ cấp thường xuyên; học sinh là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo), những đối tượng này vẫn phải đóng một phần học phí theo quy định. Với mức học phí dự kiến đề xuất của năm học 2022-2023 thì mức học phí của các đối tượng này phải đóng thấp nhất 25.000 đồng/học sinh/tháng và cao nhất 150.000 đồng/học sinh/ tháng. 

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng áp dụng gồm: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP Hà Nội trên địa bàn các xã miền núi (đối tượng 1); trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được giảm 50% và 70% học phí theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 16 NĐ 81 (không bao gồm các đối tượng 1) đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của TP Hà Nội; học viên thuộc đối tượng được giảm học phí theo quy định tại Điều 16 NĐ 81 đang theo học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của TP Hà Nội (đối tượng 2); các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của TP Hà Nội.

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của TP Hà Nội, năm học 2022-2023 do Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức ngày 31/8, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Theo dự thảo, mức hỗ trợ cho đối tượng 1 bằng 100% mức thu học phí năm học 2022-2023 do HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học sau khi đã thực hiện chính sách giảm học phí theo quy định tại NĐ 81 và các văn bản quy định khác liên quan. Với đối tượng 2, mức hỗ trợ bằng 100% phần học phí còn lại phải đóng theo mức thu học phí năm học 2022-2023 do HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng, tương ứng với từng vùng, từng cấp học. 

Cần tạo sự bình đẳng, tránh thiệt thòi cho các đối tượng không được hưởng
Khi dự thảo Nghị quyết được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, đa số ý kiến cho rằng đây là chính sách nhân văn kịp thời của TP thể hiện sự chăm lo của xã hội đối với trẻ em, học sinh -thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về mức độ bao phủ đối tượng được hỗ trợ của Nghị quyết. Vì nó sẽ vô tình gây nên sự bất bình đẳng cho người học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Nghị quyết cần bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ, mở rộng phạm vi hỗ trợ. Vì nếu chỉ hỗ trợ trẻ em, học sinh của TP Hà Nội, thì những học sinh là con của những người nhập cư, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp không thuộc hộ khẩu Hà Nội đang theo học trong các cơ sở giáo dục tại Hà Nội sẽ không được hỗ trợ. Điều này vô hình chung tạo nên sự bất bình đẳng, không công bằng đối với người học. Cùng là trẻ mầm non, cùng là học sinh đi học giống nhau, vậy tại sao người được hỗ trợ, người lại không. 

Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Liên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc hỗ trợ học phí trong thời điểm này là chính đáng, cấp thiết. Tuy nhiên, không nên khoanh vùng một số nhóm đối tượng như dự thảo Nghị quyết đã nêu. Bà Liên kiến nghị cần bổ sung thêm nhóm đối tượng con, em của những người có hoàn cảnh khó khăn như bố mẹ không còn sức lao động do hậu Covid-19, học sinh có bố hoặc mẹ bị bệnh hiểm nghèo (cần kinh phí điều trị lớn, lâu dài), học sinh là con của bộ đội, công an đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo xa, con của lao động tại các khu công nghiệp… 

Bà Liên cũng cho rằng việc hỗ trợ cũng không nên phân biệt đối tượng công lập và ngoài công lập. Vì thực tế hiện nay, tình trạng quá tải trường học trên địa bàn Hà Nội đang diễn ra, nhiều gia đình bắt buộc phải cho con vào học tại cơ sở ngoài công lập vì không đủ chỗ học ở công lập. Điển hình như việc 700 phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, HN) vì số đăng ký gấp đôi chỉ tiêu vừa qua là ví dụ điển hình. Như vậy, một nửa phụ huynh không bốc thăm trúng suất học sẽ phải tìm trường ngoài công lập cho con. Trong khi, học phí ngoài công lập lại cao gấp nhiều lần so với học phí công lập, nếu không được hỗ trợ thì học sinh ngoài công lập sẽ thiệt thòi lớn.

Bà Bùi Thị An, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cũng băn khoăn về quy định chưa rõ ràng đối với nhóm học viên tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên của TP Hà Nội. Người học dưới 18 tuổi được hỗ trợ, vậy với những người học trên 18 tuổi có được hỗ trợ không? 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, với mục tiêu chia sẻ bớt khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh, người dân ở khu vực miền núi và các đối tượng chính sách, để đảm bảo an sinh xã hội, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho mọi đối tượng được thụ hưởng chính sách nhân văn này, HĐND TP và Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cần nghiên cứu trước khi thông qua và triển khai thực hiện trong năm học này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.