Chấm thi tốt nghiệp THPT nghiêm ngặt thế nào?

Bài và ảnh HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Gần 1 triệu thí sinh trong cả nước vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), kết quả kỳ thi sẽ được công bố vào ngày 24/7/2022. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, Bộ đang tiếp tục siết chặt khâu chấm thi và công bố kết quả thi.

Chấm thi tốt nghiệp THPT nghiêm ngặt thế nào? - ảnh 1

Camera giám sát chấm thi 24/24h
Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, sau khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022.

Hiện các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và 63 đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở 63 Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra công tác chấm thi để tăng cường tính nghiêm minh trong quá trình chấm thi.

Chậm nhất ngày 22/7/2022, các đơn vị tổng kết công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT; ngày 24/7/2022, các Hội đồng thi công bố kết quả; ngày 26/7/2022, các trường công bố công nhận tốt nghiệp THPT; ngày 28/7/2022, các đơn vị cập nhật vào Hệ thống quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD-ĐT; ngày 30/7/2022, các đơn vị cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh.

Việc chấm thi được thực hiện chặt chẽ, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24h. Những người làm việc trong khu vực làm phách chỉ được hoạt động trong phạm vi không gian cho phép, theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Trong đó, vòng trong là khu vực khép kín, cách ly tuyệt đối với bên ngoài, chỉ gồm thành viên trực tiếp tham gia làm phách bài thi tự luận và thanh tra; cửa sổ các phòng phải đóng kín và được công an niêm phong; các khoảng trống thông ra bên ngoài phải bịt kín bằng vật liệu bền, chắc. Hằng ngày, những người ở vòng trong tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào qua vòng ngoài.

Vòng ngoài là khu vực tiếp giáp với vòng trong, đầu mối giao tiếp giữa vòng trong với bên ngoài; gồm bảo vệ, công an, y tế, phục vụ; được trang bị 1 điện thoại cố định có chức năng ghi âm và có loa ngoài do công an kiểm soát liên tục 24h/ngày để liên lạc với Hội đồng thi/Ban Chỉ đạo thi các cấp.

Đặc biệt, mọi liên lạc qua điện thoại đều phải ghi âm, bật loa ngoài, ghi biên bản có chữ ký của các thành phần liên quan. Những người làm việc ở vòng ngoài có nhiệm vụ tiếp nhận vật liệu và đồ ăn, uống từ bên ngoài chuyển vào vòng trong; kiểm tra vật liệu và các đồ vật từ vòng trong chuyển ra. 

Cũng theo ông Lê Mỹ Phong, trong suốt quá trình chấm thi tốt nghiệp sẽ có camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận; hệ thống camera không được kết nối internet và chỉ được kết nối bằng hình thức hữu tuyến (có dây) tới màn hình hiển thị (nếu có); phải có bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày.

Mỗi khu vực chấm thi được trang bị 1 điện thoại cố định đặt tại phòng trực của Ban Chấm thi, do cán bộ công an quản lý để liên lạc với Hội đồng thi/Ban Chỉ đạo thi các cấp; mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài và nghe công khai có sự chứng kiến của thanh tra tại Ban Chấm thi.

Đối với việc chấm thi tự luận, theo quy định, mỗi bài thi sẽ được 2 cán bộ chấm thi độc lập. Khi chấm xong túi bài thi được bàn giao cho Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được ủy quyền.

Việc chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện hoàn toàn trên Phần mềm với chu trình khép kín. Phần mềm tự động ghi lại toàn bộ các thao tác của người dùng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Cải tiến cách ra đề thi khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục xuất hiện một hiện tượng lạ khi một trang mạng xã hội năm thứ 3 liên tiếp đã dự đoán trúng tác phẩm được ra trong đề thi tốt nghiệp, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng, đây không phải là lộ đề. Theo ông Thành, số lượng các tác phẩm trong chương trình giáo dục phổ thông là có hạn, nên có khả năng sẽ có việc dự đoán trúng tác phẩm. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cách đề thi hỏi câu hỏi như thế nào, theo nội dung nào… Năm nay, đề thi vẫn ra theo cấu trúc là có phần đọc hiểu và câu hỏi vận dụng để phát huy khả năng văn học của học sinh chứ không phải để kiểm tra việc thí sinh “học thuộc lòng”.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, trong tương lai, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với nhiều bộ SGK và không cố định chỉ có một vài tác phẩm văn học cụ thể thì sẽ không còn tình trạng “đoán trúng” một tác phẩm. Ngoài ra, cách ra đề thi tới đây cũng sẽ được cải tiến để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD-ĐT sẽ sớm thông báo về lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, thực hiện Luật Giáo dục 2019, sau khi học sinh học xong lớp 12 nếu có đủ điều kiện thì phải tham dự kỳ thi để được xét và cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, về cơ bản, công tác thi tốt nghiệp sẽ giữ ổn định từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên, hàng năm Bộ sẽ có sự rà soát để kịp thời điều chỉnh, cải tiến công tác tổ chức, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.

Sau năm 2025, khi học sinh bắt đầu học và thi theo chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018 sẽ có cách thi mới. Bộ GD-ĐT sẽ lên phương án, xin ý kiến Chính phủ với mục tiêu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, chất lượng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.