Cô giáo bỏ nghề MC thời tiết VTV về làm giáo viên trường làng
Từ một biên tập viên chương trình dự báo thời tiết trên Đài truyền hình Việt Nam, cô giáo Nguyễn Lan Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại “rẽ ngang” sang nghề giáo chỉ vì niềm đam mê dạy học.
Làm nghề giáo vì… yêu học trò
Chia sẻ về nghề giáo, cô giáo Nguyễn Lan Phương cho biết, bản thân từng thi tuyển vào làm Biên tập viên thời tiết cho VTV1- Đài truyền hình Việt Nam và trúng tuyển. Sau 5 năm gắn bó với công việc MC truyền hình, chắt lọc nhiều kinh nghiệm trong truyền đạt và bản lĩnh đứng trước đám đông, cô giáo Lan Phương rẽ ngang sang nghề giáo – một ước mơ được nuôi dưỡng từ nhỏ.
“Vừa đi dạy vừa làm MC truyền hình rất vất vả. Nhưng, vì tình yêu với học sinh nên khi phải lựa chọn, tôi vẫn theo nghề giáo. Vì đó là ước mơ, đam mê và mục tiêu mà tôi hướng tới” – cô giáo Nguyễn Lan Phương bày tỏ.
Cô giáo Nguyễn Lan Phương tốt nghiệp sư phạm và vào biên chế vào năm 2008. Năm học 2010-2011, cô Phương là thí sinh trẻ nhất và đạt số điểm cao nhất trong Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.
Liên tiếp sau đó, cô đạt nhiều danh hiệu như điển hình tiêu biểu Sáng kiến sáng tạo thủ đô các năm 2010, 2012; nhà giáo mẫu mực tiêu biểu 10 năm ngành Giáo dục và đào tạo thủ đô giai đoạn 2005-2015…
Trong quá trình công tác, cô Nguyễn Lan Phương giành nhiều giải nhất chung cuộc và nhất lĩnh vực toàn quốc cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp các năm học 2013-2014, 2015-2016; Giải Nhất hội thi Công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2011-2012…
Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Phương còn có năng khiếu múa và biên đạo múa. Nhiều tác phẩm do cô biên đạo đã giành giải Nhất văn nghệ cấp thành phố.
Càng trong dịch bệnh, càng nỗ lực gấp mười
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không chỉ đến đời sống kinh tế xã hội mà cả ngành giáo dục của nhiều địa phương. Nhiều trường học chuyển sang học online. Theo cô giáo Nguyễn Lan Phương, dạy học trực tuyến khó và vất vả hơn dạy trực tiếp. Những câu hỏi hàng ngày khiến cô trăn trở: Làm thế nào để thu hút học sinh? Làm thế nào để các em tương tác hiệu quả? Cập nhật các phần mềm ra sao để tăng độ hấp dẫn, hiệu quả cho bài giảng?...
Nhiều hôm, vào buổi tối hay đêm muộn, điện thoại của cô Phương đổ chuông liên tục vì những cuộc gọi từ cán bộ, giáo viên, thậm chí là học sinh và phụ huynh của mình. Chủ đề xoay quanh việc có học sinh bỏ tiết, một học trò không chịu học, phụ huynh thiếu sự hợp tác, chương trình dạy học thay đổi, đường truyền internet bị lỗi, có học sinh là F0, F1 hay làm sao để các con hứng thú việc học…
Với vai trò Hiệu phó của trường, cô giáo Phương đã áp dụng công nghệ kỹ thuật và chương trình dạy học tiên tiến của nước ngoài vào việc tập huấn, hướng dẫn giáo viên áp dụng phương pháp dạy học hiện đại vào nhà trường. Ngoài ra, cô thành lập câu lạc bộ “Dạy học không khoảng cách” - nơi giáo viên chia sẻ các phần mềm dạy học trực tuyến, các công cụ soạn giảng, phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả…
“Dịch Covid-19 buộc chúng tôi phải chủ động cập nhật, thay đổi thật nhanh… để đáp ứng tình hình mới. Để làm được điều đó thì không thực sự dễ dàng. Các thầy cô phải đánh đổi bằng hàng trăm, hàng nghìn giờ làm việc với máy tính” – cô Phương nói.
Nhiều ý tưởng dạy học hay
Trong thời gian giãn cách xã hội, sợ học sinh dễ lâm vào trầm cảm, cô phát động các thử thách: “Mỗi tuần một cuốn sách”, “thử thách làm việc nhà”… Từ đó, các em học sinh vừa nâng cao khả năng tự học, sáng tạo vừa ổn định tâm lý khi không thể tới trường, giao lưu với bạn bè.
Khi học sinh đi học trở lại, thương học trò không được tham gia các hoạt động ngoại khoá do dịch Covid, cô nghĩ ra loạt ý tưởng cùng giáo viên thực hiện và được các em học sinh nhiệt tình ủng hộ: “Tập làm ông đồ”- Học viết thư pháp online, thăm bảo tàng Lịch sử 3D, tham gia câu lạc bộ Discovery…
Hiện, câu lạc bộ Discovery - nơi học sinh chia sẻ các sản phẩm STEM đơn giản áp dụng những kiến thức đã học trên lớp hoặc các sản phẩm nghệ thuật, sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường… đang hoạt động rất sôi nổi.
Sau bốn năm thực hiện nhiệm vụ phó Hiệu trưởng, cô Lan Phương luôn được các cấp lãnh đạo đánh giá cao về năng lực quản lý, sức sáng tạo vượt trội, nhất là được đồng nghiệp tin yêu, phụ huynh tin tưởng. Đó là động lực để cô tiếp tục cố gắng.
HỒNG NHUNG