Có nên bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên?

Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việc nên bỏ hay giữ lại lớp không chuyên trong trường chuyên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, một số hiệu trưởng trường chuyên ủng hộ phương án giữ lại lớp không chuyên. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại phản đối việc này.

Có nên bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên? - ảnh 1
Trong 10 năm nay, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm vẫn tuyển sinh lớp không chuyên (lớp chất lượng cao) Ảnh: Int

Mục tiêu của trường chuyên là bồi dưỡng nhân tài
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang công bố và lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông (THPT) chuyên. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo này là quy định “không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên”. 

Hệ thống trường chuyên THPT hiện nay gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong trường chuyên không chỉ có lớp chuyên, mà một số trường chuyên mở các lớp chuyên, lớp chất lượng cao hoặc lớp cận chuyên, dành cho học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên.

Chẳng hạn, một số trường chuyên thuộc các trường đại học của Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội có lớp không chuyên như trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ), năm học 2022-2023, tuyển sinh 500 chỉ tiêu vào lớp 10 ở 3 hệ gồm: Hệ chuyên có học bổng, hệ chuyên và hệ không chuyên. Trong đó, hệ không chuyên là 120 em, chiếm gần 1/4 số học sinh trúng tuyển.

Theo dự thảo, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, bao gồm: Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ 1. Bộ GD-ĐT lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư này đến hết ngày 14/12/2022.

Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) cũng tuyển sinh 1 lớp chất lượng cao với 35 học sinh trong tổng số 180 chỉ tiêu vào trường. Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) mỗi khóa tuyển sinh 450 chỉ tiêu vào lớp chuyên, và 90 chỉ tiêu cho lớp chất lượng cao.

Trong 4 trường chuyên và trường có lớp chuyên tại Hà Nội, 2 trường là THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chuyên Nguyễn Huệ không có lớp cận chuyên/chất lượng cao. Trường THPT Chu Văn An tuyển 17 lớp 10, trong đó hệ chuyên là 350 chỉ tiêu cho 10 lớp với 10 môn chuyên và hệ không chuyên là 7 lớp (315 chỉ tiêu). Trường THPT Sơn Tây tuyển 15 lớp 10, trong đó hệ chuyên tuyển 9 lớp và hệ không chuyên tuyển 6 lớp.

Chính vì vậy, nội dung bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên trong Dự thảo đã thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều tranh cãi trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần bỏ lớp không chuyên ra khỏi trường chuyên.

Lý do là vì, mục tiêu của trường chuyên là để đào tạo học sinh có năng khiếu đặc biệt, bồi dưỡng nhân tài. Nếu mở các lớp không chuyên trong trường chuyên, đào tạo theo kiểu “đại trà”, thì sẽ làm mất đi mục tiêu đó của trường chuyên.
Ngoài ra, ngân sách các địa phương cấp cho trường chuyên nhiều hơn các trường THPT khác. Giáo viên của trường chuyên được hưởng chế độ ưu đãi, phụ cấp cao hơn những giáo viên đang dạy ở những trường không chuyên. Nếu giáo viên dạy lớp không chuyên trong trường chuyên vẫn được hưởng mức lương, ưu đãi như đối với giáo viên dạy lớp chuyên, đó là điều vô lý. Tương tự, nếu lớp không chuyên được hưởng kinh phí đầu tư như lớp chuyên cũng không hợp lý. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giữ lại lớp không chuyên trong trường chuyên với nhiều lý do. 
Nhiều học sinh lớp không chuyên chia sẻ, các em có khát khao được vào học ở trường chuyên - một môi trường học tập rất tốt, với bạn bè giỏi, thầy cô giáo giỏi. Rất tiếc, điểm thi của em không đủ để vào lớp chuyên. Tuy nhiên, nhờ có lớp cận chuyên mà em đã thực hiện được ước mơ của mình. Trong quá trình học tập, em đã phấn đấu và có được kết quả tốt, không thua kém các bạn lớp chuyên, thậm chí còn vượt trội, vào được đội tuyển và đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia.
Nhiều giáo viên, trong đó có lãnh đạo các trường chuyên cũng ủng hộ việc giữ lại lớp không chuyên trong trường chuyên. 

Chất lượng lớp không chuyên “ngang ngửa” lớp chuyên
Tiến sĩ Lê Công Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, ông ủng hộ quan điểm giữ lại lớp không chuyên trong trường chuyên.

Theo ông Lợi, nhiệm vụ của trường chuyên đúng là để phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ đó, ông còn muốn trường chuyên là một hình mẫu để lan tỏa những mô hình giáo dục của trường chuyên cho các trường THPT khác. Nếu trường chuyên chỉ có học sinh chuyên với năng lực vượt trội thì mô hình hơi “đóng”, hệ sinh thái đơn điệu.

Thay vào đó, nếu tổ chức được các lớp không chuyên trong trường chuyên (dù có khó khăn trong chương trình đào tạo và chế độ chính sách cho giáo viên giữa không chuyên và chuyên) sẽ cho thấy, cũng với đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đó, có thể thực hiện mục tiêu giáo dục là tạo ra chất lượng giáo dục đào tạo ở mức cao hơn. Các giáo viên trường chuyên có thể dùng các phương pháp giáo dục của mình cho cả đối tượng ngoài học sinh chuyên, như vậy sẽ toàn diện hơn.

Ngoài ra, một kỳ thi tuyển vào trường chuyên có thể không phản ánh đúng năng lực của các em. Khi vào được môi trường học tập tốt, được bồi dưỡng, các em đã thể hiện rõ được năng lực của mình.

“Trong quá trình đào tạo tôi nhận thấy, những học sinh của lớp không chuyên học không thua kém gì các bạn ở lớp chuyên. Nhiều bạn ở lớp không chuyên vẫn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia”- ông Lợi cho biết.

Đồng quan điểm với ông Lợi, Tiến sĩ Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm cũng cho rằng, một kỳ thi không thể đánh giá chính xác tuyệt đối năng lực của học sinh. 

Có nhiều em có năng lực, nhưng do lúc làm bài có những sơ sót, không trúng tuyển. Việc mở lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ trao cơ hội cho những học sinh này, để các em được học tập như một học sinh chuyên.

Trong 10 năm nay, Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm vẫn tuyển sinh lớp không chuyên (lớp chất lượng cao). Và mỗi năm, sẽ thực hiện việc xét thành tích, theo đó, nếu học sinh tại lớp không chuyên đạt điều kiện có thể được chuyển lên lớp chuyên và ngược lại,  những học sinh lớp chuyên có thể lại về lớp không chuyên. 

Theo ông Tiến, Bộ GD-ĐT nên để các cơ sở đào tạo tự quyết dựa vào nhu cầu, tiềm lực của mình chứ không nên xóa sổ các lớp chuyên.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.