Cùng con bước vào năm học mới
(PNTĐ) - Sau kỳ nghỉ hè, không ít trẻ vẫn còn “dư âm” vui chơi, thiếu tập trung khi đi học. Những cách dưới đây sẽ giúp trẻ tập trung học, sẵn sàng đón năm học mới với những kết quả tốt.
Giúp trẻ cân bằng thời gian chơi và học
Theo chia sẻ của các chuyên gia, để gia tăng sự tập trung, con cần được cân bằng giữa thời gian học và chơi. Việc học tập cũng cần phải đi kèm với thời gian vui chơi, giải trí đúng với lứa tuổi. Cha mẹ đừng bắt ép trẻ phải học liên tục hoặc học để đạt được những thành tích mà ba mẹ mong muốn. Thay vào đó, sau những giờ học vất vả hoặc những lúc cuối tuần hãy cho trẻ được vui đùa, khám phá thế giới xung quanh theo cách mà trẻ thích. Khi có thể cân bằng tốt thời gian vừa học vừa chơi sẽ giúp trẻ có được một tinh thần thoải mái, tập trung và có tính tự chủ tốt hơn trong việc tham gia các giờ học nghiêm túc.
Đồng hành và hỗ trợ con trong quá trình học tập.
Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, trẻ có thể tập trung lâu hơn nếu ba mẹ cùng thực hiện công việc đó với trẻ, kể cả việc học tập. Vì vậy, vào những giờ học tại nhà, cha mẹ có thể hỗ trợ, tìm hiểu bài vở với con, nhất là khi con còn nhỏ tuổi. Khi có sự tương tác trong quá trình học tập sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hứng thú hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực từ phía gia đình, trẻ cũng dễ dàng giải quyết tốt các vấn đề khúc mắc trong quá trình học. Tuy nhiên, hãy trở thành người đồng hành, người bạn động viên và lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ con khi cần thiết để con có thêm nhiều động lực, cố gắng hơn trong quá trình học tập chứ đừng làm bài tập giúp con, cha mẹ nhé!
Tạo không gian học thoải mái
Không gian học tập cũng là một trong các yếu tố quan trọng góp phần giúp trẻ cải thiện sự tập trung, chú ý. Theo lời khuyên của các chuyên gia, cha mẹ nên bố trí cho trẻ góc học tập thoải mái, thoáng mát, tránh tiếng ồn và có ánh sáng tốt.
Góc học tập của con cũng cần được gọn gàng, ngăn nắp, sách vở được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Ngoài ra, các đồ dùng học tập cũng nên trang bị đầy đủ để tránh việc làm gián đoạn buổi học khi thiếu dụng cụ cần thiết nào đó.
Thêm vào đó, xung quanh bàn học cũng cần có những mẫu ghi chú nhỏ về các công việc, bài học cần phải thực hiện trong ngày, trong tuần. Cha mẹ hãy dạy cho trẻ thói quen ghi chú và đánh dấu lại các thông tin cần ghi nhớ để trẻ có thể dễ dàng tổng hợp kiến thức.
Đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc học tập
Mục tiêu học tập là điều rất cần thiết để trẻ gia tăng tập trung. Cha mẹ cần giúp trẻ xác định các nhiệm vụ, bài tập mà trẻ cần phải hoàn thành trong ngày và đưa ra lượng thời gian thích hợp để tránh việc trẻ mất tập trung, lơ đãng trong quá trình học. Ví dụ, cha mẹ hãy đặt ra mục tiêu cho trẻ phải hoàn thành 2 bài toán trong khoảng 15-20 phút. Khi trẻ biết rõ về nhiệm vụ mà bản thân phải làm thì trẻ sẽ có trách nhiệm và ý thức nhiều hơn, cố gắng tập trung để hoàn thành công việc đã được giao phó.
Đồng thời, việc chia nhỏ các nhiệm vụ học tập cũng sẽ giúp trẻ dễ dàng xử lý tốt các yêu cầu của môn học hơn, tránh học bài quá lâu khiến trẻ mất tập trung. Khi dạy trẻ học, cha mẹ cần giúp con phân tích và liệt kê cụ thể các nhiệm vụ cần phải thực hiện. Sau đó hãy chia nhỏ các công việc và từng môn học để con có thể biết rõ hơn về những yêu cầu của đề bài. Sau khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng nên cho trẻ thư giãn khoảng 5-10 phút để trẻ dễ dàng hơn trong việc lấy lại sự tập trung, chú ý của mình và tiếp tục học hiệu quả hơn.
Dạy con cách “đối phó” với sự phân tâm
Cha mẹ không thể luôn đồng hành và cùng con ngồi học tập mãi. Đặc biệt là khi trẻ lớn lên, trẻ cũng cần có không gian riêng để thoải mái sáng tạo và học tập theo cách của riêng mình. Trẻ cần học cách “đối phó” với sự phân tâm ngay từ nhỏ để rèn luyện tính tập trung, tự chủ động. Cụ thể, nếu trẻ cảm thấy không tập trung để giải một bài toán khó, thay vì cứ mất thời gian để suy nghĩ thì hãy khuyến khích trẻ đứng lên và đi dạo, nghỉ ngơi một chút để đầu óc được thư giãn hơn rồi quay lại việc học.