Bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ:

Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Bài và ảnh: Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, một số trường đại học Top đầu đã lên phương án bỏ xét tuyển bằng kết quả học bạ ở bậc THPT như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Y Hà Nội…Theo các chuyên gia, việc các trường bỏ xét tuyển bằng học bạ sẽ đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh, tránh tình trạng “mạ” học bạ.

Đảm bảo công bằng cho thí sinh - ảnh 1
Việc bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ sẽ tránh tình trạng gian lận điểm trong quá trình học.
Ảnh minh họa

Tín hiệu đáng mừng

Nhiều năm nay, việc xét tuyển đại học bằng học bạ đã gây những ý kiến trái chiều. Các chuyên gia cho rằng, đây là phương thức xét tuyển khó đảm bảo sự công bằng, bởi cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, chất lượng giáo viên… ở các trường khác nhau. Chưa kể tới việc có thể gian lận, xin điểm, nâng điểm, làm đẹp học bạ…

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Trên thế giới, nhiều trường cũng tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường giáo dục ở quốc gia đó đã hình thành văn hóa chất lượng. Có nghĩa họ không thể làm những chuyện sai, gian lận. Còn ở Việt Nam, chúng ta chưa có được văn hóa đó và vẫn còn tình trạng chạy điểm, xin điểm… Điển hình như những vụ việc gian lận thi cử gây nhức nhối thời gian qua. “Vậy thì làm sao có văn hóa chất lượng để có thể áp dụng xét tuyển bằng học bạ?”- ông Khuyến đặt câu hỏi.

Một lý do rất quan trọng nữa, theo ông Khuyến, đó là ở các nước có một hệ thống kiểm định rất nghiêm túc, chặt chẽ đối với các trường phổ thông. Điều đó khiến các trường có chất lượng đồng đều, không có tình trạng chỗ này cho điểm lỏng, chỗ kia cho điểm chặt. 

Trong bối cảnh vẫn còn bất cập như vậy mà lại thực hiện việc xét tuyển bằng học bạ, theo ông Khuyến là khó có sự tin tưởng, và dẫn tới hậu quả không công bằng cho các thí sinh.

Một kỳ thi chung cả nước như tốt nghiệp THPT, chỉ chênh nhau nửa điểm đã có sự khác nhau giữa đỗ và trượt. Với xét điểm học bạ, có thể chênh nhau từ 5-7 điểm, chưa cần nói tới sự gian lận thì sẽ rất khó đảm bảo sự công bằng.

Chính vì thế, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, chỉ nên xem học bạ là tiêu chí phụ cũng giống như xét các thành tích, giải thưởng ở các kỳ thi học sinh giỏi... Còn tiêu chí chính vẫn phải dựa vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, hay đánh giá năng lực… 

“Hiện nay, tôi rất mừng là một số trường Top đầu đã bỏ việc xét tuyển bằng học bạ, đó là những tín hiệu vui” - ông Khuyến bày tỏ.

Làm đẹp học bạ để lại hệ lụy khôn lường
Trao đổi với PV, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, hiện đang dạy học ở Hà Nội cho hay, với việc được ưu tiên xét tuyển trong những năm gần đây, có thể thấy việc “mạ” học bạ cho đẹp, thậm chí gần như tiến tới điểm tuyệt đối ở tất cả các môn học đã để lại những hệ lụy khôn lường. Đó là sự phân hóa học sinh trong lớp không được thể hiện tương ứng giữa năng lực thực tế và điểm số. Học sinh học kém nhất lớp cũng có điểm số rất cao và không có khoảng cách lớn (thậm chí rất nhỏ) với những bạn học sinh Top đầu.

Từ đó dẫn đến, học sinh thay vì thực sự cố gắng trong học tập thì sẽ cố gắng tìm cách để có một học bạ đẹp nhất. Khi có điểm số cao, học bạ đẹp thì học sinh sẽ lầm tưởng và đánh giá không đúng về năng lực của mình. Đối với những học sinh giỏi thì cảm thấy thiếu ý chí và động lực hơn khi thấy những bạn học rất kém trong lớp cũng được cho dễ dàng những điểm số 9, 10 và điểm tổng kết không khác mình là mấy.

Học sinh khóa sau thấy học sinh khóa trước không cần học nhiều mà vẫn có điểm học bạ gần như hoàn hảo thì cũng sẽ không tập trung, nghiêm túc trong việc học nữa. Giữa các lớp, giữa các trường và giữa các cha mẹ học sinh, một cuộc chạy đua về điểm số âm thầm diễn ra. Thầy cô, nhà trường muốn kiểm tra, đánh giá bằng một đề thi ở mức độ cao hơn, phân hóa hơn sẽ khiến cho học sinh của mình điểm thấp, khi đó khác nào “tự tay trói mình”. 

Phụ huynh chỉ mong học sinh có điểm số là cao nhất, bảng điểm là đẹp nhất. Những thầy cô giảng dạy nghiêm túc, kiểm tra, đánh giá công tâm để phân loại đúng năng lực của học sinh đôi khi lại không nhận được sự hài lòng của các bên. Khi đó những nỗ lực trong đổi mới giảng dạy, sáng tạo trong công việc hay có những sáng kiến mới cho kiểm tra, đánh giá lại không được đón nhận vì phản ánh đúng thực trạng của học trò là lại gây khó cho tất cả. Như vậy, mọi sự cải cách, đổi mới cũng chẳng thể nào đi xa được. 

Khi điểm tổng kết các năm của học sinh nào cũng “lung linh”, các trường đại học, cao đẳng (nhất là các trường Top đầu) có lẽ đã thấy khó khăn và nhận ra rằng sẽ không còn nhiều giá trị trong việc phân loại học sinh bằng học bạ. Và việc bỏ xét tuyển bằng học bạ là điều tất yếu.

Để thực hiện đúng chủ trương "học thật, thi thật, nhân tài thật”, đã đến lúc chúng ta nên quan tâm thực sự đến giá trị thật, đến năng lực cốt lõi. Hãy cùng nhau đưa môi trường giáo dục phải quay trở về đúng giá trị nguyên bản của nó. Học sinh phải luôn được đứng trên mặt đất và tự đi trên đôi chân của chính mình, tự khám phá, trải nghiệm dưới sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội để phát triển bản thân và chọn đúng con đường mình đi. 

“Một trong những việc đầu tiên, cấp thiết và không khó để thực hiện là chấn chỉnh lại việc kiểm tra, đánh giá và tổng kết điểm đẹp như mơ trong học bạ hiện nay”- thầy Khánh nói.

PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc bỏ xét tuyển bằng học bạ có thể xem là một phương án phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đây cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc học đều các môn, tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực tế thay vì chỉ học để được điểm cao.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục