Đánh giá định kỳ cuối năm học: Nơi lúng túng, nơi thở phào

Chia sẻ

Những ngày này, trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện giãn cách thì hình thức kiểm tra trực tuyến đã giúp nhiều trường học ở nội thành Hà Nội hoàn tất việc đánh giá cuối năm học cho các học sinh. Trong khi đó, tại ngoại thành, nhiều trường lại gặp khó vì không thể tìm ra phương thức đánh giá khả thi.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, để hoàn thành kế hoạch năm học và đánh giá, xếp loại, khen thưởng học sinh năm học 2020-2021, Sở đã cho phép các trường có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 09/2021/BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ GD-ĐT về việc quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, xây dựng phương án tổ chức kiểm tra định kỳ, báo cáo về Phòng, Sở GD-ĐT. Đối với các trường không có điều kiện kiểm tra trực tuyến, khi học sinh được phép trở lại trường sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định.

Hiện nay, nhiều trường ở ngoại thành Hà Nội chưa có đủ điều kiện để kiểm tra định kỳ cuối năm theo hình thức trực tuyến (ảnh minh họa: học sinh trường THCS Nam Trung Yên)Hiện nay, nhiều trường ở ngoại thành Hà Nội chưa có đủ điều kiện để kiểm tra định kỳ cuối năm theo hình thức trực tuyến (Ảnh minh họa: Học sinh trường THCS Nam Trung Yên)

Trường nội thành: Đẩy nhanh đánh giá cuối năm học

Tại quận Long Biên, tính đến ngày 24/7, 100% học sinh trường THCS Bồ Đề đã hoàn tất việc kiểm tra đánh giá cuối năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến tất cả các môn.  Trong đó, các môn Công nghệ, Tin-Nghề, Sinh học, Hóa học, tiếng Anh, học sinh thi trắc nghiệm trên Google form. Với môn Ngữ văn, Toán học sinh làm bài tự luận ra giấy, ký tên vào bài làm rồi chụp ảnh nộp cho giáo viên trước khi tắt camera.

Tại quận Long Biên, từ ngày 16-22/7, toàn bộ học sinh từ khối 1 đến khối 5 trường tiểu học Bồ Đề đã được ôn tập trực tuyến qua zoom. Từ ngày 23-25/7, học sinh kiểm tra định kỳ trực tuyến với các môn tiếng Việt, Toán, tiếng Anh, Khoa-Sử Địa tùy khối lớp. Để đảm bảo tính chính xác, nhà trường yêu cầu học sinh bật camera, mic trong suốt quá trình làm bài. Đối với học sinh không sử dụng máy tính có camera hoặc chỉ có điện thoại thông minh được yêu cầu sử dụng 2 điện thoại thông minh để đăng nhập cùng một lúc, trong đó 1 điện thoại để làm bài, 1 điện thoại để giám sát không gian của học sinh.

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, theo cô giáo Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên, bắt đầu từ ngày 26/7, học sinh các khối 6, 7, 8 sẽ bước vào tuần ôn tập trước khi kiểm tra đánh giá cuối năm vào tuần sau đó. Các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, môn Toán chuyển từ hình thức 8 điểm tự luận, 2  điểm thi trắc nghiệm sang 100% thi trắc nghiệm. Môn Văn một nửa làm theo hình thức trắc nghiệm, một nửa làm tự luận. Theo cô Hiền, nhờ có hình thức kiểm tra trực tuyến nên trường có thể hoàn tất đánh giá năm học cho học sinh dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách.

Trường ngoại thành: Chưa tìm được phương án khả thi

Trong khi các trường ở nội thành đẩy nhanh tiến độ kiểm tra định kỳ, đảm bảo hoàn tất năm học trong tháng 7 thì nhiều trường ở ngoại thành lại chưa tìm được phương thức thi tối ưu.

Tại huyện Mỹ Đức, theo ông Lê Văn Thăng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Huyện, vừa qua, Huyện đã ban hành công văn gửi các trường tiểu học, THCS trên địa bàn để rà soát, đăng ký tổ chức kiểm tra định kỳ cuối năm theo hình thức trực tuyến nếu đảm bảo điều kiện. Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ các trường đăng ký sẽ rất ít.

Ông Vũ Văn Trung, Hiệu trưởng trường THCS An Phú, huyện Mỹ Đức cho biết, trường có 323 học sinh các khối 6, 7, 8 chưa kiểm tra định kỳ cuối năm. Thống kê ước chừng cho thấy, chỉ có khoảng 20% học sinh có máy tính, một số bố mẹ học sinh có điện thoại thông minh, nhưng ban ngày đi làm vắng. Bên cạnh đó, để tổ chức thi trực tuyến, các môn thi phải chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, đòi hỏi  phải có ngân hàng đề thi trắc nghiệm dồi dào. Quá trình thi diễn ra trực tuyến, thi xong có kết quả ngay chứ không phải ngồi trước máy tính như... làm bài trên giấy. Các quy trình này đều rất mới mẻ với nhà trường, không thể chỉ trong một vài tuần là cập nhật được. “Vì vậy, trường vẫn sẽ phải chờ học sinh đi học trở lại để kiểm tra trực tiếp”.

Tại huyện Phúc Thọ, theo ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng GD-ĐT Huyện, hiện địa phương này chưa thể triển khai kế hoạch thi đánh giá cuối năm tới 23 trường tiểu học, 22 trường THCS trên địa bàn. Lý do là với phương thức kiểm tra định kỳ trực tuyến, huyện khó thực hiện vì tỷ lệ gia đình học sinh có đầy đủ thiết bị, đường truyền Internet rất thấp. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, đã có học sinh phải dùng chung điện thoại, máy tính với bạn. Bên cạnh đó, việc giám sát để đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan trong khi thi trực tuyến cũng rất khó.

Phương thức nào nếu không thể kiểm tra định kỳ cuối năm

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, hiện nay, Phúc Thọ vẫn sẽ tiếp tục chờ thời điểm thích hợp học sinh có thể trở lại trường để kiểm tra đánh giá trực tiếp. Trong trường hợp dịch vẫn phức tạp, ông Cường cho rằng, Sở GD-ĐT sẽ có chỉ đạo phù hợp.

Trong khi học sinh chưa hoàn thành kết quả tuyển sinh đầu năm học, nhưng việc tuyển sinh đầu cấp vẫn đang được tiến hành với học sinh mầm non, lớp 6. Riêng với học sinh lớp 5 lên lớp 6, trong khi các em chưa hoàn tất bài kiểm tra cuối năm, chưa chốt được học bạ tiểu học, các Phòng GD-ĐT đã có chỉ đạo các trường THCS có thể tiếp nhận hồ sơ học sinh khi học sinh tựu trường.

Như vậy, dù chưa thể hoàn tất đánh giá kiểm tra cuối năm, học sinh lớp 5 vẫn sẽ không bị ảnh hưởng tới quá trình tuyển sinh. Trong tình huống xấu nhất, theo ông Cường, nếu học sinh vẫn không thể kiểm tra định kỳ cuối năm thì có thể tính đến phương án lấy điểm trung bình cộng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ làm điểm kiểm tra cuối năm. Cách đánh giá này tương đối công bằng vì đánh giá được cả quá trình của học sinh.

Việc đưa ra một phương thức đánh giá khác thay thế làm bài kiểm tra định kỳ cũng là một gợi ý tốt trong bối cảnh dự báo còn lâu nữa học sinh Hà Nội mới có thể đến trường.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.