Dấu ấn nữ sinh Hà Nội trên đấu trường quốc tế.

Chia sẻ

Năm 2021, đoàn Việt Nam gồm 6 học sinh trường THPT Hà Nội-Amsterdam đã đem về 6 chiếc huy chương (4 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc) tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO) do Bộ Giáo dục UAE-Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất tổ chức. Đặc biệt hơn đây là đoàn có đông nữ sinh nhất với 4/6 em trong lịch sử 10 năm Việt Nam tham gia kỳ thi.

Các đồng chí lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đón các học sinh chiến thắng trở về từ kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO)Các đồng chí lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đón các học sinh chiến thắng trở về từ kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO)

Niềm vui vỡ hòa khi nghe xướng tên Việt Nam

IJSO được tổ chức từ ngày 12-20/12/2021 với sự tham gia của gần 400 thí sinh lứa tuổi 15 đến từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thí sinh sẽ làm 3 bài thi, mỗi bài kéo dài 3 tiếng liên quan đến kiến thức của 3 môn Vật lý, Hóa Lý, Sinh học.

Bài thi trắc nghiệm với những đáp án rất khó đoán đòi hỏi học sinh hiểu sâu sắc bản chất vấn đề mới trả lời được. Với bài thi tự luận, học sinh phải cân nhắc viết tự luận sao cho đúng, đủ theo dung lượng quy định của BTC. Cuối cùng là bài thực hành, học sinh được chia làm 2 đội. Phần thi này có tính quyết định việc các em có được nhận huy chương hay màu huy chương đó như thế  nào? Để làm tốt bài thực hành, ngoài kiến thức tốt, học sinh còn phải biết làm việc nhóm.

Cô giáo Lương Thị Thùy Dương,  giáo viên Vật lý trường THPT Hà Nội-Amsterdam, giáo viên dẫn đoàn IJSO cho biết, so với mặt bằng chung, đội tuyển Việt Nam luôn được đánh giá là đội mạnh, thường nằm ở top 5-6 của thế giới. Theo quy định của Ban tổ chức, trước khi công bố đề thi, giáo viên dẫn đội của các nước được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về đề thi. Đối với Việt Nam, những ý kiến đóng góp chủ yếu liên quan đến việc đảm bảo độ khó của đề thi vì độ khó càng cao, học sinh Việt Nam càng có đất thể hiện năng lực.

Các năm trước, khi không có dịch, kỳ thi được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại nước chủ nhà. Trong thời gian thi, thí sinh ở biệt lập với thầy cô giáo và phải nộp lại toàn bộ điện thoại. Năm nay, do dịch nên kỳ thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các thầy cô giáo tham gia thảo luận đề phải cam kết không được trao đổi với học sinh của mình. “Chúng tôi đã giữ rất nghiêm quy định đó. Đây không chỉ là lời cam kết mà còn là lòng tự tôn, sự trung thực, là danh dự của cả giáo viên và học sinh. Tất cả đều quyết tâm tranh tài bằng năng lực và tinh thần fair-play”, cô Dương chia sẻ.

Các thành viên đội tuyển đang hăng say ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thiCác thành viên đội tuyển đang hăng say ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi

Cũng do thi theo hình thức trực tuyến, Ban Tổ chức đã gửi cho các đội tuyển danh sách các hóa chất cần chuẩn bị cho bài thực hành, chi tiết tới từng hãng sản xuất, số hiệu của hóa chất, yêu cầu về độ tinh khiết... Như muối NaCL có giá bán lên tới vài trăm ngàn đồng/kg vì độ tinh khiết của muối rất cao. Dung dịch tráng rửa thiết bị thí nghiệm phải là nước tinh khiết, mỗi đội cần tới 10 lít cho phần thi thực hành.

Không chỉ đầu tư kinh phí để mua hóa chất, trước ngày thi một ngày, các giáo viên của trường THPT Hà Nội - Amsterdam còn phải chuẩn bị hóa chất do hóa chất không thể pha sớm hơn để tránh lẫn tạp chất hay độ ẩm của không khí làm ảnh hưởng tới kết quả thực hành. Tất cả đều đặt mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho đội tuyển thi IJSO.

Trong các ngày thi, các học sinh làm bài thi tập trung với sự giám sát chặt chẽ của giám thị và camera. Nói riêng về bài thi thực hành năm nay, theo cô Dương, có sự yêu cầu cao về tư duy tổng hợp, độ khó cũng được nâng lên so với các năm.

Chẳng hạn như với bài Vật lý, học sinh phải sử dụng phương pháp đo chiết suất của một chất dựa trên hiện tượng phản xạ toàn phần. Phương pháp này các em không được học trong chương trình ở bậc phổ thông.Vì thế, các em phải tự tính toán, suy luận, vận dụng linh hoạt phương pháp để thực hành. Hay các học sinh cũng phải biết cách làm thế nào để đo được đường kính của đường tròn nằm ở đáy của chất lỏng khi không thể áp thước đo vào đáy đường tròn. Với bài thực hành Hóa học, học sinh phải nắm được sự thay đổi màu của dung dịch khi nhỏ thêm hóa chất.

Sau khi học sinh hoàn tất các phần thi, qua việc đánh giá điểm số, các thầy cô giáo đã có thể dự đoán nhiều khả năng đoàn Việt Nam sẽ có huy chương Vàng. Tuy nhiên, các huy chương còn lại sẽ có màu gì thì tất cả đều hồi hộp. Đến khi Ban tổ chức công bố cả 6 học sinh Việt Nam đều giành giải, trong đó có tới 4 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, thầy trò đều vỡ òa trong hạnh phúc. Đây là thành tích cao thứ 2 trong 10 năm tham gia kỳ thi IJSO của đội tuyển Việt Nam.

“Sức mạnh” của các nữ sinh

Trong đoàn học sinh tham gia IJSO năm nay, 4 nữ sinh lớp 10 đều để lại dấu ấn rất riêngTrong đoàn học sinh tham gia IJSO năm nay, 4 nữ sinh lớp 10 đều để lại dấu ấn rất riêng

Năm 2016, lần đầu tiên, trong đội tuyển của Việt Nam tham gia thi IJSO có sự hiện diện của hai học sinh nữ. Thời điểm đó, từng có ý kiến e ngại học sinh nữ liệu có thể đạt được thành tích  cao như học sinh nam không. Nhưng, đến nay, e ngại trên đã không còn vì các học sinh nữ đều có thành tích nổi bật. Liên tục từ các năm 2017, 2018, 2019, 2021 (năm 2020 không tổ chức kỳ thi do dịch Covid-19), học sinh nữ luôn đạt điểm cao nhất của đoàn Việt Nam. Năm 2019, nữ sinh Nguyễn Lê Thảo Anh là đội trưởng kỳ thi IJSO, sau đó còn đạt huy chương Vàng tại kỳ thi Hóa quốc tế.

Trở lại với đoàn học sinh tham gia IJSO năm nay, 4 nữ sinh lớp 10 đều để lại dấu ấn rất riêng.

Đó là em Lã Châu Giang giành được huy chương Vàng với số điểm cao nhất toàn đoàn. Châu Giang đã có sự chuẩn bị cho kỳ thi này từ năm 2018 khi anh trai của Châu Giang  khi đó cũng được chọn tham gia kỳ thi.

Nữ sinh Nguyễn Phương Thùy khá trầm tính, kín đáo nhưng rất nghiêm túc trong học tập và có khả năng xử lý vấn đề nhanh cũng đã giành được huy chương Vàng.

Nữ sinh Nguyễn Trịnh Bảo Như, giành huy chương Bạc từ năm lớp 8 đã tham gia các đội tuyển thi học sinh giỏi Thành phố. Không chỉ học tốt ở  lớp chuyên Lý, Bảo Như còn đang học trung cấp piano tại Nhạc viện Hà Nội. Nhiều người tự hỏi không biết Bảo Như lấy đâu ra nhiều  năng lượng để có thể hoàn thành tốt nhiều công việc đến thế.

Đó còn là Trịnh Ninh Ngọc Mai, học sinh lớp chuyên Sinh, chưa từng được học nâng cao các môn Vật Lý, Hóa học trước đó, sức khỏe còn yếu nhưng đã nỗ lực hết mình, giống như leo lên đỉnh núi theo đường thẳng đứng để bứt phá giành được huy chương Bạc.

Các nữ sinh trong phòng thí nghiệmCác nữ sinh trong phòng thí nghiệm

Trước kỳ thi, các thành viên trong đội tuyển đã phải giành mỗi ngày từ 8-10 tiếng ở trường, thậm chí còn học tới tối. Do dịch bệnh nên lịch học của các em cũng bị đảo lộn nhiều, thời gian đầu học trực tuyến, khi vừa được chuyển sang học trực tiếp thì một thầy giáo huấn luyện đội tuyển là F1 nên các em phải chuyển sang học trực tuyến, rồi lại học trực tiếp sau khi được xét nghiệm âm tính. Theo sau các em còn là một đội ngũ khoảng 40 thầy cô giáo giỏi ở 3 bộ môn đã đem hết tâm huyết, trách nhiệm thay nhau trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em.

Một năm có quá nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng thầy trò trường THPT Hà Nội Amsterdam vẫn giành trái ngọt ở một đấu trường mang tầm quốc tế.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.