Dấu hiệu nhận diện con đang... nghiện màn hình
(PNTĐ) - Là cha mẹ, chúng ta đều đang hướng tới mục tiêu giảm thiểu tình trạng nghiện màn hình ở trẻ và khuyến khích các em khám phá, tham gia vào những hoạt động ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày. Một bước quan trọng để đạt được mục tiêu này là nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Mặc dù nhiều cha mẹ đã quen thuộc với một số dấu hiệu về sự phụ thuộc vào màn hình của con mình tuy nhiên chúng ta vẫn rất nên dành chút thời gian để xem xét những dấu hiệu phổ biến sau đây:
Các dấu hiệu
Đối với trẻ mới biết đi:
- Giận dữ: Gia tăng cơn giận khi cha mẹ không cho sử dụng điện thoại/máy tính.
- Chơi một mình: Thích ngồi một mình với màn hình hơn là tham gia hoạt động cùng người khác.
- Tập trung quá mức: Chú tâm quá mức vào màn hình mà bỏ qua các hoạt động phát triển khác.
Đối với thanh thiếu niên:
- Giảm sự tham gia xã hội: Dành nhiều thời gian trên màn hình hơn là tham gia vào các hoạt động xã hội.
- Học tập sa sút: Kết quả học tập suy giảm đáng kể
- Khó chịu: Hay trở nên cáu kỉnh hoặc buồn bã khi không sử dụng màn hình.
Dấu hiệu phụ thuộc có thể có:
Liên quan đến thể chất:
- Căng mắt hoặc đau đầu: Than phiền về đau đầu hoặc khó chịu ở mắt sau khi sử dụng màn hình kéo dài.
- Vấn đề về giấc ngủ: Khó ngủ do sử dụng màn hình vào ban đêm.
Thay đổi hành vi:
- Ngắt kết nối xã hội: Thích thời gian sử dụng thiết bị hơn là giao lưu với bạn bè hoặc gia đình.
- Bỏ sở thích: Mất hứng thú với các sở thích hoặc các hoạt động vẫn thường làm trước đây.
Ảnh hưởng cảm xúc:
- Tâm trạng thất thường: Thường xuyên thay đổi tâm trạng đặc biệt liên quan đến thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
- Né tránh: Sử dụng màn hình như một cơ chế để trốn tránh những thử thách hoặc cảm xúc trong đời thực.
Nếu cha mẹ quan sát thấy một hoặc nhiều dấu hiệu như trên ở con mình, đừng quá lo lắng. Nhận biết các dấu hiệu phụ thuộc vào màn hình là bước đầu tiên. Hãy coi những dấu hiệu này là cảnh báo về sự mất cân bằng giữa việc sử dụng màn hình và tương tác trong cuộc sống của con. Không giải quyết những mối lo ngại này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ và sự phát triển tổng thể của trẻ. Điều quan trọng là phải hiểu khi nào cần can thiệp.
Khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ?
- Thay đổi hành vi đột ngột: Những thay đổi đáng chú ý và đột ngột trong hành vi hoặc tâm trạng.
- Can thiệp vào cuộc sống hàng ngày: Khi thời gian sử dụng thiết bị làm gián đoạn đáng kể thói quen hàng ngày, kết quả học tập hoặc tương tác xã hội.
- Nỗ lực cắt giảm không thành công: Trẻ thể hiện mong muốn giảm thời gian sử dụng màn hình nhưng không thể nào giảm được trong một thời gian dài.
- Ảnh hưởng sức khỏe: Những tác động tiêu cực về thể chất như đau đầu mãn tính hoặc rối loạn giấc ngủ.
Mối quan hệ căng thẳng: Khi việc sử dụng màn hình bắt đầu làm căng thẳng mối quan hệ với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè.
Với các dấu hiệu trên, khi có nghi ngờ, hãy tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa hoặc nhân viên tâm lý học/huấn luyện viên cha mẹ để hiểu rõ hơn tình trạng của con mình và tìm biện pháp phù hợp.
Nhận biết các dấu hiệu trẻ đang bị phụ thuộc vào màn hình cũng giống như nhận được cảnh báo sớm. Nó sẽ mang đến cơ hội thực hiện các bước chủ động nhằm tạo ra thói quen sử dụng kỹ thuật số lành mạnh hơn cho các con chúng ta.