Để đồng phục không còn là… tiếng thở dài

Chia sẻ

PNTĐ-Báo PNTĐ số 37 ra ngày 10/9 đăng bài “Hỡi ôi đồng phục” đã nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng, cung cấp thêm thông tin của độc giả gần xa...

 
Với mong muốn mặc đồng phục từ một quy định có ý nghĩa không còn bị biến tướng, trở thành nỗi phiền hà, thậm chí gây ức chế với HS và PHHS, chúng tôi trở lại vấn đề này.
 
Để đồng phục không còn là… tiếng thở dài - ảnh 1
Đồng phục do các sinh viên “tự đề xuất và thiết kế”
nên SV cũng hào hứng và tự giác mặc
 
Mặc đồng phục: Mỗi nơi mỗi phách
 
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường không bắt buộc học sinh, sinh viên (HS, SV) mặc đồng phục hằng ngày khi đến trường. Tuy nhiên, quy định này đang được các trường thực hiện mỗi nơi mỗi phách.
 
Một PHHS trường THCS L, quận Hai Bà Trưng phản ánh: “Trong khi nhiều trường học trong quận và ở các tỉnh thành khác rút ngắn thời gian mặc đồng phục của HS xuống còn 1-2 buổi/tuần thì trường con tôi lại bắt buộc HS phải mặc đủ 6/6 ngày”. Hệ quả là, dù chất lượng các bộ đồng phục rất kém mà giá lại đắt, nhưng các gia đình HS bắt buộc phải mua tới ba bốn bộ đồng phục cho con (bộ dài tay, cộc tay, bộ mùa Đông, bộ thể dục), rất phiền hà và quá tốn kém.
 
Chị L, PHHS có con đang học trường THCS N.D quận Hoàn Kiếm cũng cho biết: Trường bắt HS phải mặc đồng phục suốt tuần. Trong tủ của con chị đa phần chỉ treo mỗi… đồng phục. Dần dà, cháu cũng quên luôn các loại quần áo khác, đi học thêm bên ngoài cũng… lôi đồng phục trường ra mặc. “Tôi có cảm giác cháu ngày một trở nên xuề xòa, đại khái, không chú ý ăn mặc nữa” - chị than.
 
Không chỉ với cấp học phổ thông, quy định SV mặc đồng phục cũng đang được nhiều trường áp dụng. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM quy định vào thứ 2, SV nữ mặc áo dài, nam mặc sơ mi trắng dài tay, quần sẫm màu. Thứ 6, SV mặc áo sơ mi vàng tay lửng, nữ mặc váy màu đen và nam mặc quần sẫm màu. Trường ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu SV mặc áo dài hồng, quần màu trắng vào thứ 2 và 5. Một SV trường này cho biết, mặc áo dài rất vướng víu vì ngoài học ra SV còn phải tham gia nhiều hoạt động khác nữa. Nhưng, nếu các em không chấp hành sẽ bị trường lập biên bản.
 
Trong khi đó, SV ĐH Ngân hàng cho hay, quy định SV không được mặc đồng phục thể dục lên giảng đường rất phiền hà. Ngày nào có tiết thể dục SV phải mang thêm 1 bộ quần áo khác để thay, nếu quên coi như nghỉ học. Trường ĐH Tôn Đức Thắng lại quy định SV vi phạm nội quy, trong đó có việc không mặc đồng phục sẽ phải tham gia “lao động công ích”. Cho rằng quy định này quá áp đặt, làm mất tự do cá nhân, nhiều SV bức xúc đã gửi đơn “kêu cứu” tới báo chí.
 
Mặc đồng phục: Nên hay không?
 
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, quy định HS, SV mặc đồng phục có cả ưu và nhược điểm. Trước tiên, đồng phục tạo sự bình đẳng giữa các HS; giúp các em tăng cường đoàn kết, tạo cảm giác tự hào về mái trường; đưa ra một khuôn mẫu về trang phục của HS, tránh cách ăn mặc bất lịch sự… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cũng cho rằng, đồng phục vi phạm tự do của người học; tạo gánh nặng kinh tế cho các gia đình nghèo. So sánh giữa “lợi và hại”, ông Khuyến vẫn ủng hộ chủ trương mặc đồng phục. Ông cho rằng, vấn đề ở đây, không phải phủ nhận mà quy định sao cho hợp lý để mặc đồng phục không trở thành “tiếng thở dài” của HS và cha mẹ HS đầu mỗi năm học.
 
Cách đây ít năm, thầy giáo và một số SV trường ĐH Công nghiệp TP HCM từng có nghiên cứu nhỏ về thái độ của SV đối với đồng phục trường. Kết quả cho thấy, mặc dù có trên 72% SV ủng hộ chủ trương mặc đồng phục nhưng gần 90% lại mặc chỉ vì sợ… nội quy nhà trường. Có nhiều lý do nhưng hơn 70% SV cảm thấy bộ đồng phục rất bình thường, thậm chí chưa đẹp; hơn 73,7% cho rằng đồng phục tạo cảm giác bất tiện. Như vậy, có thể thấy, SV không ngại mặc, vấn đề là đồng phục có tốt, đẹp, hợp lý và xuất phát từ mong muốn của chính các “chủ thể” không.
 
Minh Khuê, hiện là SV năm thứ nhất trường ĐH danh tiếng thế giới Harvard cho biết: Màu truyền thống của ĐH Harvard là đỏ sậm. Màu đỏ xuất hiện không chỉ trên trang phục mà còn ở các đồ dùng từ khăn, cốc, bút… Mặc dù trường không có quy định cứng nhắc về đồng phục nhưng nhiều SV vẫn tự nguyện tìm tới các trang phục và đồ dùng màu đỏ sậm để bày tỏ tự hào về màu cờ sắc áo của trường. “Nếu nhà trường tạo dựng được lòng tự hào, tình yêu trường trong HS, SV, tự khắc mỗi người sẽ trân trọng bộ đồng phục mình đang mặc mà không cần chế tài nào ép buộc”.

“Đơn giản hóa” để nhẹ gánh cho người học
 
Tại trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhiều SV vẫn thường nhắc tới phong trào “áo trắng đến trường”. Đinh Đỗ Tuyết Minh, Phó Bí thư khoa Ngân hàng cho biết, trường không có đồng phục riêng vì biết rằng SV nghèo sẽ gặp khó khi phải trang trải thêm một khoản tiền ngoài học phí. Cách đây 5 năm, Hội SV trường đã phát động SV vào thứ 2 đầu tuần đến trường trong trang phục áo sơ mi màu trắng. Bằng cách “rẻ tiền, hiệu quả” đó, trường vừa có thể tạo nên nét riêng của ĐH Kinh tế, vừa giúp SV xây dựng ý thức ăn mặc gọn gàng.
 
Với khoa Ngân hàng nơi Minh đang theo học, qua khảo sát cho thấy, 90% SV còn có thêm nguyện vọng có một tấm áo đồng phục riêng. Khoa đã tổ chức một cuộc thi để SV tự thiết kế đồng phục. Sau khi chọn được mẫu ưng ý, thầy và trò lại tự đặt may với mức 160.000 đồng/áo, rẻ hơn giá thị trường. “Do đồng phục của khoa xuất phát từ mong muốn của SV, lại do chính SV thiết kế và giá cả hợp lý nên các bạn rất ủng hộ. Hiện, cứ vào thứ 5 hàng tuần SV ngân hàng lại tự hào mặc đồng phục của khoa mình” - Minh cho biết.
 
Tương tự như vậy, tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 TP HCM-ngôi trường từ lâu đã nổi tiếng trong ngành GD vì những quy định “hướng về học trò”, trao đổi với báo PNTĐ, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng cho biết, mẫu đồng phục của trường rất đơn giản và đã duy trì hàng chục năm qua. PHHS có thể mua ở đâu cũng được, anh chị ra trường có thể cho lại em đồng phục để mặc. “Bí quyết của trường là cứ cái gì đơn giản, thuận tiện cho PHHS là làm”.
 
Bằng những cách đó, tấm áo đồng phục đã trở thành cầu nối, gắn kết giữa trường và HS.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam

Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam

(PNTĐ) -  Hòa bình đẹp không? Hòa bình đẹp lắm, đẹp như ánh ban mai sau đêm dài giông bão. Hãy đến với Việt Nam, quê hương tôi, để lặng im ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, những phố phường yên bình, để hiểu rằng mỗi phút giây yên ả hôm nay đều được đánh đổi bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm.
30 suất học bổng dành tặng các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn

30 suất học bổng dành tặng các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn

(PNTĐ) - Sáng ngày 27/4, Hội đồng Đội Trung ương chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam tổ chức ngày hội “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm” với sự tham gia của 1.700 em thiếu nhi và các thầy cô giáo viên là Tổng phụ trách Đội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.