Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.

Không tạo áp lực cho con

Vào những ngày này, nhiều học sinh đang bước vào giai đoạn nước rút trước khi bước vào những kỳ thi quan trọng. Để giúp con giảm bớt áp lực mùa thi, nhiều phụ huynh đã có nhiều cách đồng hành cùng con hiệu quả.

Chị Bích Ngọc, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, năm nay, con chị sẽ thi tuyển vào lớp 10 THPT. Để giúp con có thể lực tốt, chị chuẩn bị thực đơn nhiều dinh dưỡng, đồ ăn sẵn, hoa quả làm nước trái cây hằng ngày cho con. Con gái chị năm nay học lớp 7 cũng giúp mẹ chuẩn bị cơm và mang lên tận phòng cho anh trai. Có nhiều hôm con say mê học đến đêm khuya vẫn chưa ngủ, chị nhắc con ngủ sớm để lấy sức ngày mai học tiếp.

Chị Ngọc cho biết, bản thân chị không ép con học quá nhiều, bởi nếu quá áp lực, không những sẽ tạo ra “phản ứng ngược” mà còn khiến con cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hơn.

Còn chị Trần Huyền Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sau mỗi buổi học căng thẳng, chị đều rủ con chạy bộ quanh khu chung cư để đảm bảo sức khoẻ tốt cho việc học và ôn thi. Ngoài giờ học, chị cho con tham gia các môn thể thao mà con yêu thích như cờ vua, bóng đá. Đối với các môn mà con học yếu hơn, chị thuê gia sư để dạy qua zoom, hoặc lên kế hoạch để tìm phương pháp phù hợp nhất.

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chị Hoàng Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) lại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con ôn thi hiệu quả như trang bị phương tiện, đồ dùng, thiết bị máy tính, điện thoại, chất lượng mạng… Chị sắp xếp cho con học ở một phòng riêng. Chị rèn cho con tính tự giác ngay từ đầu, để không phải đau đầu tìm cách quản thúc việc học của con. Chị xác định cho con mục tiêu học và định hướng việc cần làm rồi để con tự lên kế hoạch thực hiện. Khi nào thấy con có nguy cơ “chệch hướng” chị mới nhắc nhở nhưng không gây sức ép.

Có lần, nghe con nói các bạn ở lớp học thêm ngày đêm, uống cả cà phê và chất kích thích để tỉnh táo học bài, chị My, ở quận Bắc Từ Liêm lại nói với con rằng, đó là cách học hết sức rập khuôn và không cần thiết.

Chị My chưa bao giờ so sánh con với các bạn, cũng không can thiệp nhiều đến việc học của con mỗi ngày. Với chị, “con học không cần giỏi, chỉ cần tự giác”. Chính vì thế, con gái chị mỗi ngày đều tự học bài mà không bị mẹ thúc giục ngay từ khi còn nhỏ. “Con tôi học không quá xuất sắc các môn, nhưng đều được loại tốt.

Đến các kỳ thi, con tôi cũng cố gắng ôn luyện nhiều hơn một chút, nhưng không bị áp lực, mà luôn vui vẻ. Khi con nói các bạn học nhiều, mỗi ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng, tôi nói với con: Quan trọng là cách học, chứ không phải là học nhiều giờ trong ngày” - chị nói.

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cha mẹ đồng hành cùng con trong mùa thi

Chuyên gia tham vấn tâm lý học đường Trần Thị Mạnh Linh cho biết, mặc dù còn 2 tháng nữa mới đến mùa thi, song năm nay chị đã tham vấn, tư vấn và trị liệu cho một số học sinh và phụ huynh có biểu hiện căng thẳng, trầm cảm do áp lực học tập và thi cử.

Theo chuyên gia Mạnh Linh, vào mùa thi, các sĩ tử và gia đình sẽ có áp lực cao hơn bình thường, bởi đó là lúc các em cần thể hiện năng lực của bản thân, đưa ra quyết định lựa chọn một môi trường học tập theo đúng nguyện vọng và năng lực. Và để đạt được mục đích học tập ấy, cả học sinh và phụ huynh đều phải nỗ lực tối đa. Chính vì vậy, không chỉ nhiều cha mẹ tạo áp lực cho con, chính các em cũng tự tạo áp lực cho mình.

“Áp lực ở mức vừa phải sẽ tạo thành động lực phấn đấu, nhưng nếu vượt quá giới hạn, áp lực đó sẽ để lại hậu quả về mặt tinh thần cho con trẻ” - chị Mạnh Linh cho biết.

Do đó, chuyên gia tham vấn tâm lý học đường Trần Thị Mạnh Linh cho rằng, việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay hay tính thay cho con.

Theo đó, cha mẹ nên trao đổi, nói chuyện, chia sẻ để nắm được tâm tư, nguyện vọng của con, dù bận việc cũng không nên “giao phó” hoàn toàn mọi việc cho con vì bản thân con dù đã lớn hơn nhưng con vẫn cần quan tâm phù hợp từ bố mẹ. Cha mẹ nên lập kế hoạch làm việc trong tuần để con tham gia vào công việc chung trong gia đình, ví dụ như rửa bát, lau nhà, nấu cơm, phơi quần áo… Làm việc nhà cũng là một cách giúp con bớt đi áp lực học, có lúc vận động, thư giãn…

Cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu diễn biến thông tin thi cử và thảo luận cùng con về mục tiêu, kế hoạch thực hiện, các chiến lược học thi để phù hợp cho cách thi năm nay; theo sát con từng bước trong việc con thực hiện kế hoạch như thế nào. Có như vậy, khi con hơi “lệch hướng” thì cha mẹ đã có thể hỗ trợ con kịp thời. Đặc biệt cha mẹ có thể thông báo, nhắc lịch để con nắm được tiến độ thực hiện kế hoạch của mình, từ đó thúc đẩy việc con có ý thức tự học và có trách nhiệm với việc học thi của bản thân.

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ngoài ra, cha mẹ chăm sóc con về thể chất: Ăn, ngủ, thể dục để đảm bảo cho con có sức khoẻ tốt. Khi thấy con có vấn đề bất thường: Tâm lý xáo trộn, lo lắng, bất an, mệt mỏi, học quá sức… thì cần động viên, chia sẻ kịp thời, nếu bản thân bố mẹ làm rồi mà vẫn thấy không cải thiện thì cần liên hệ chuyên gia tâm lý hỗ trợ.

Đối với học sinh, việc tự học là kỹ năng các em cần trau dồi ngay từ nhỏ chứ không chờ đến cấp học nào mới tập luyện hoặc khi chờ có tình huống cần thiết mới thực hành. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có kỹ năng tự học.

Theo chuyên gia Mạnh Linh trước tiên, các em học sinh cần đề ra một mục tiêu và có lịch trình rõ ràng, kỷ luật với bản thân trong việc thực hiện các kế hoạch vạch ra là cách các em đi một cách chắc chắn, tự tin và dễ thành công nhất. Sau đó, hãy tin tưởng vào bản thân, vào mục tiêu, vào kế hoạch học tập của bản thân, đây là cách bớt đi lo lắng về kết quả thi cử.

Cuối cùng, các em cần giữ tinh thần bình ổn, lên kế hoạch từng bước thực hiện mục tiêu đó một cách chắc chắn. Đừng tự gây áp lực cho bản thân hay quá lo lắng vì điều đó ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, tiếp thu, khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ, nội lực…

“Tôi tin, với phương pháp đúng đắn, cùng với sự hậu thuẫn của cha mẹ, mùa thi năm nay, các sĩ tử sẽ “vượt vũ môn” thành công, để từng bước chinh phục những ước mơ của mình…” – chuyên gia Mạnh Linh nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

Kế hoạch hoạt động cùng con của “mẹ bỉm”

(PNTĐ) - Trước giờ, nghe đến cụm từ “kế hoạch” chúng ta hẳn sẽ nghĩ rằng dành cho người lớn. Nhưng theo “mẹ bỉm” Hồng Phấn (trú tại TP Hồ Chí Minh) xây dựng kế hoạch tuần để áp dụng cho con là việc làm khoa học, cần thiết.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tân Tổng giám đốc

(PNTĐ) - Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.