Dạy môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Dục tốc bất đạt!

Mai Nguyễn
Chia sẻ

(PNTĐ) -Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục- Đào tạo đưa 2 môn học tích hợp là Lý- Hóa-Sinh và Sử- Địa vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở (THCS) đối với lớp 6. Và từ năm học 2022-2023, triển khai đối với lớp 7. Những năm học tiếp theo sẽ thực hiện "cuốn chiếu" với lớp 8, 9. Tuy nhiên, việc dạy môn tích hợp đang bộc lộ nhiều bất cập, buộc giáo viên phải tự “nâng cấp” trình độ.

Dục tốc bất đạt! - ảnh 1

Khó khăn tứ phía khi dạy tích hợp
Theo chương trình tích hợp, 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học được tích hợp vào cùng một môn, gọi đó là môn Khoa học tự nhiên (KHTN), còn môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp thành môn Lịch sử-Địa lý. Tuy nhiên, việc này đã gây khó khăn cho cả người dạy, người học lẫn các nhà trường trong việc bố trí thời khóa biểu.

Về phía giáo viên, hầu hết họ chỉ được đào tạo để dạy đơn môn. Để dạy môn tích hợp, họ được đào tạo gấp rút 20-36 tín chỉ trong thời gian 3-4 tháng. Tuy nhiên, với thời gian ngắn ngủi, lại chủ yếu học trực tuyến, nhiều giáo viên phản ánh, việc học này giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. 

Cô giáo Nguyễn Minh Th, giáo viên một trường cấp 2 ở Hà Nội cho hay, chuyên ngành của cô được đào tạo trong trường sư phạm là môn Vật lý. Tuy nhiên, theo chương trình mới, cô phải dạy thêm môn Sinh, Hóa học, vì vậy cảm thấy khó khăn khi không được đào tạo giảng dạy môn này. Ngay cả khi đã được tham dự tập huấn về môn KHTN để dạy tích hợp, cô vẫn có cảm giác không tự tin với kiến thức của mình để giảng dạy những môn ngoài chuyên môn Vật lý mà mình được đào tạo, đặc biệt là với những bài tập nâng cao.

Về phía nhà trường, cũng rất khó khăn trong việc bố trí thời khóa biểu. Bởi chương trình môn KHTN được thiết kế theo chủ đề. Trong khi đó, mỗi chủ đề lại phù hợp với từng bộ môn. Một số trường ở Hà Nội lúc đầu xếp thời khóa biểu dạy đơn môn như trước: Mỗi tuần có 2 tiết Lý, 1 tiết Hóa, 1 tiết Sinh (như Trường THCS Ngô Gia Tự, Đống Đa). Nhưng điều đó lại dẫn đến việc, giáo viên đang dạy chủ đề Vật lý, thì lại phải chuyển sang chủ đề khác khi tới giờ Hóa, khiến học sinh không được học “liền mạch” nội dung, thậm chí làm hỏng chương trình. Vì thế, nhà trường phải áp dụng theo cách phân công giáo viên dạy hết từng chủ đề để bảo đảm việc dạy đủ 140 tiết/năm và khắc phục được hạn chế trên.

Tuy nhiên, việc phân thời khóa biểu này cũng dẫn tới cảnh, có lúc giáo viên “nhàn” chờ tới tiết của mình, có lúc lại vất vả vì phải tăng tiết. Chẳng hạn, vào các tuần dạy chủ đề do giáo viên môn Hóa học đảm nhiệm thì giáo viên này sẽ phải dạy tới 20-21 tiết/tuần thay vì 19 tiết theo quy định. Vào những tuần không có chủ đề của môn Hóa, giáo viên này lại chỉ dạy từ khối 7 trở lên, với số tiết chỉ khoảng 14 tiết/tuần.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ, thầy nhận được rất nhiều phản ánh của giáo viên về sự khó khăn khi dạy môn tích hợp. Thầy Hiếu cho rằng, việc tích hợp các môn KHTN và Sử - Địa ở bậc THCS theo Chương trình GDPT 2018 hiện nay là như một “mớ bòng bong”.

“Học chuyên ngành Vật Lý ở ĐHSP nhưng giáo viên phải dạy luôn cả Hóa và Sinh, còn giáo viên Toán thì dạy luôn cả môn Sinh, giáo viên Lịch sử lại dạy cả môn Địa lý, giáo viên Địa lý dạy luôn Lịch sử. Dạy thì riêng, kiểm tra thì chung. Hai người dạy, một người đánh giá. Thời khóa biểu thay đổi liên tục. Một tuần đổi thời khóa biểu 1 lần rất phức tạp và rối rắm, chồng chéo và lộn xộn”- thầy Hiếu cho biết.

Theo thầy Hiếu, với thực tế này, ông lo ngại, nhiều giáo viên sẽ bỏ việc không phải vì đồng lương mà vì áp lực đã triệt tiêu mọi động lực để dạy, để cống hiến.

Giáo viên phải tự “nâng cấp”, hỗ trợ lẫn nhau
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, bà đã nhận được phản ánh của nhiều cử tri là giáo viên về việc dạy tích hợp. Theo bà, đang có nhiều bất cập, bởi một giáo viên phải dạy cả môn không được đào tạo ở trường sư phạm.

“Chẳng hạn, một giáo viên được đào tạo về môn Vật lý. Nhưng khi dạy tích hợp thì lại phải dạy cả môn Hóa hoặc Sinh. Dù để dạy được, giáo viên phải đi học bồi dưỡng, tuy nhiên, sẽ vẫn không thể chuyên sâu được như các giáo viên được đào tạo bài bản. Và một vấn đề đặt ra là liệu có đảm bảo được chất lượng khi giảng dạy môn đó hay không”- đại biểu Dương Minh Ánh nêu vấn đề.

Tuy nhiên, hiện giờ, chương trình và sách giáo khoa đã triển khai, theo đại biểu Dương Minh Ánh, không còn cách nào khác. Mà trước mắt, giáo viên phải tự “nâng cấp” mình để đáp ứng được về chương trình sách giáo khoa.

Theo đó, mỗi giáo viên cần có những hướng nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau trong việc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Chẳng hạn, giáo viên dạy môn Lý sẽ phải trao đổi với giáo viên bộ môn Hóa. Các giáo viên cần hỗ trợ lẫn nhau trong công tác giảng dạy.

Và Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) hàng năm cần phải có các chương trình tập huấn để các giáo viên dần dần có thể làm tốt hơn được công việc giảng dạy của mình.

Còn đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn TP Hà Nội) thì cho rằng, các nhà trường nên chủ động trong công tác bồi dưỡng đối với giáo viên dạy tích hợp. Cuối năm, các phòng Giáo dục - Đào tạo có thể tổ chức các bài kiểm tra đối với giáo viên nhằm tiếp tục định hướng những nội dung bồi dưỡng những năm tiếp theo, cũng là để biết chất lượng đến đâu và nâng cao trách nhiệm của giáo viên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

(PNTĐ) - Thời điểm này, nhiều trường đại học đã bắt đầu triển khai thực hiện xét tuyển sớm đại học. Theo đó, nhiều học sinh dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã có đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ... Tuy nhiên, nếu không cẩn thận những học sinh này cũng có thể rơi vào cảnh đỗ thành trượt.
Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

(PNTĐ) - Trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024), tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024. Kết quả tại cuộc thi này, học sinh thành phố Hà Nội đã xuất sắc giành 2 giải Nhất, 1 giải Ba.