Trúng tuyển theo phương thức xét học bạ:

Dưới 5 điểm/môn cũng có thể đỗ đại học

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời điểm này đã có gần 200 trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ. Theo đó, mức điểm chuẩn của nhiều trường năm nay ở mức thấp, thí sinh nếu có điểm ưu tiên thì điểm học bạ dưới 5 điểm/môn cũng có thể trúng tuyển đại học.

Dưới 5 điểm/môn cũng có thể đỗ đại học - ảnh 1
Thích sinh đăng ký xét tuyển sớm đại học. Ảnh minh họa

 Trúng tuyển đại học dễ hơn thi lớp 10
Chị Lê Thúy Liễu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con năm nay đều thi đầu cấp và cuối cấp. Con gái đầu thi tốt nghiệp THPT còn con trai thi vào lớp 10. Thời gian này, cả hai đang gấp rút ôn thi tốt nghiệp để đạt được mục đích trúng tuyển vào lớp 10 và đỗ đại học. Khi các trường đại học lần lượt công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ, chị ngạc nhiên vì trúng tuyển đại học bây giờ dễ hơn rất nhiều so với trúng tuyển lớp vào 10. 

Trước đó, để an toàn trong cuộc đua vào đại học, con gái chị đã đăng ký phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ ở một số trường. Sau khi các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển, con gái chị trúng tuyển vào hai trường đại học. 

“Con gái tôi học tốt nên điểm học bạ các năm học lớp 10,11, 12 đều cao. Tuy nhiên một số bạn học sinh học lực trung bình trong lớp cũng dễ dàng trúng tuyển đại học”- chị Liễu nói. 

Giống chị Liễu, nhiều phụ huynh thừa nhận đỗ đại học bây giờ giống như “phổ cập” và dễ hơn thi vào lớp 10 rất nhiều. Cửa vào đại học rộng mở với nhiều học sinh có học lực trung bình. Thậm chí nhiều học sinh lớp 12 chưa thi tốt nghiệp THPT đã có “giấy mời” nhập học ở một số trường đại học theo diện trúng tuyển xét học bạ. 

Nằm trong nhóm trường đại học có mức điểm xét tuyển học bạ thấp năm nay có: Trường Đại học Gia Định, Trường Đại học Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai), Trường Đại học Kinh Bắc (Bắc Ninh)… 

Trường Đại học học Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương công bố phương thức xét học bạ có 3 hình thức là xét điểm trung bình tổ hợp môn cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12; xét điểm trung bình hợp kỳ 1 lớp 12 tổ hợp môn; xét điểm trung bình các môn lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển. Theo đó, điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm năm 2024 của Trường năm nay dao động từ 15-22 điểm đối với 18 ngành trình độ đại học. Riêng thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Dược học, kết quả học tập ở bậc THPT phải đạt loại Giỏi hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên. Như vậy, với mức điểm trúng tuyển thấp nhất là 15 điểm, nếu thí sinh có điểm ưu tiên thì điểm học bạ dưới 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học này. 

Trường Đại học Gia Định công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức học bạ với mức điểm chuẩn các ngành là 16,5 điểm. Tính trung bình, thí sinh có điểm bình quân 5,5 điểm là trúng tuyển. Năm nay, Trường Đại học Kiên Giang công bố 900 thí sinh đạt điều kiện xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ. Trừ hai ngành sư phạm, còn lại toàn bộ các ngành học của trường này có điểm xét tuyển trúng tuyển ở ngưỡng 15-16 điểm (7 ngành xét tuyển 15 điểm, 15 ngành xét tuyển 16 điểm).    

Điểm chuẩn các ngành xét tuyển theo phương thức học bạ của Trường Đại học Công nghệ Miền Đông (Đồng Nai) năm nay là 16,5 điểm. Trường Đại học Kinh Bắc (Bắc Ninh) cũng thông báo điểm xét tuyển học bạ trung bình cộng lớp 12 đạt từ 5 điểm trở lên, hoặc tổng điểm các môn theo tổ hợp xét tuyển từ 15 điểm trở lên (chưa bao gồm điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên theo đối tượng).
Xét tuyển bằng phương thức học bạ đang bất cập?
Bên cạnh các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ tương đối thấp thì ở chiều ngược lại cũng có những trường đại học công bố mức điểm trúng tuyển của phương thức này tương đối cao như: Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải mức điểm xét tuyển cao nhất theo phương thức học bạ là 26 điểm; Học viện Phụ nữ Việt Nam điểm chuẩn xét tuyển học bạ cao nhất (ngành truyền thông đa phương tiện) 25,5 điểm. Với phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố điểm trúng tuyển từ 22-25 điểm; Trường Đại học Văn Lang điểm chuẩn trúng tuyển học bạ cao nhất là 24 điểm…

Nhiều năm nay, việc xét tuyển bằng học bạ gây những ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là phương thức xét tuyển khó đảm bảo sự công bằng, bởi cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, chất lượng giáo viên… ở các trường khác nhau. Chưa kể tới việc có thể gian lận, xin điểm, nâng điểm, làm đẹp học bạ

Anh Nguyễn Trung Kiên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con năm nay thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học băn khoăn: “Tìm hiểu việc xét tuyển sớm đại học theo phương thức học bạ, tôi thấy có sự bất cập đang diễn ra. Trước đây, mọi người lo ngại tình trạng “mạ học bạ” để có điểm cao, thuận lợi cho việc xét tuyển đại học nên có tình trạng xin điểm, nâng điểm ở các trường học phổ thông. Tuy nhiên hiện nay, với mức điểm trúng điểm học bạ tương đối thấp thì liệu chất lượng đầu vào của các trường đại học có đạt chất lượng? Đó là chưa kể phương thức xét tuyển học bạ cũng có trường đưa ra mức điểm trúng tuyển thấp, trường đưa ra mức điểm cao. Ví dụ, có trường chỉ cần 15 điểm là đỗ, nhưng cũng có trường phải 22 -24 điểm, cộng thêm tiêu chí phụ như có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS…”. 

Trước tình trạng bất cập của phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ, đã có ý kiến cho rằng nên bỏ phương thức xét tuyển này để đảm bảo công bằng trong thi cử và chất lượng đầu vào đại học. Năm nay, một số trường đại học Top đầu như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc bỏ xét tuyển bằng học bạ có thể xem là một phương án phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh mới. Đây cũng là cách để học sinh không phải chịu áp lực từ việc học đều các môn, tập trung vào học tập chuyên sâu và phát triển nhiều hơn kỹ năng thực thế thay vì chỉ học để được điểm cao.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chủ động ứng phó với bão số 4: Cho học sinh nghỉ học khi cần thiết

Chủ động ứng phó với bão số 4: Cho học sinh nghỉ học khi cần thiết

(PNTĐ) - Ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn gửi công điện cho Giám đốc Sở GD&ĐT nhiều tỉnh, thành phố về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, có khả năng mạnh lên thành bão. Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD&ĐT cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão.
Cần đánh giá tác động của học phí đến học sinh

Cần đánh giá tác động của học phí đến học sinh

(PNTĐ) - Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội năm học 2024-2025 dự kiến sẽ tăng từ 3-10%. Nhiều chuyên gia cho rằng cần đánh giá tác động thực tiễn khi tăng mức thu học phí.
Phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

(PNTĐ) - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành Giáo dục, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng.