Giữ ổn định theo lộ trình dài

Chia sẻ

Sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo định hướng công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 về cơ bản giữ ổn định như năm 2020, nhiều ý kiến mong muốn phương án thi cần tiếp tục ổn định theo lộ trình dài.

Các trường mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ giữ ổn định phương án thi để giáo viên, học sinh yên tâm dạy - họcCác trường mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ giữ ổn định phương án thi để giáo viên, học sinh yên tâm dạy - học

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, trong năm 2021 và một số năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT nhìn chung sẽ giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học về cơ bản cũng sẽ giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học như năm 2020. Cụ thể, các trường sẽ dành chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh một số phương thức tuyển sinh khác như dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực riêng, xét học bạ, các chứng chỉ quốc tế... Để tăng tính chính xác, khách quan, năm 2021, Bộ sẽ tiếp tục áp dụng một số cải tiến về mặt kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào một số khâu.

Đánh giá của nhiều trường đại học cho thấy, việc giữ ổn định phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như vậy là cần thiết. Theo Phó Hiệu trưởng đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, năm 2021, trường vẫn sẽ tuyển sinh dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi khách quan, đánh giá tương đối chính xác năng lực học tập của thí sinh. Vì vậy, tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm tốn kém cho các trường và thí sinh.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương Lê Thị Thu Thủy cũng ủng hộ cần tiếp tục ổn định công tác tuyển sinh và cho biết, phương án tuyển sinh của trường trong năm 2021 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2020.

Tương tự, theo kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2021 của đại học Bách khoa Hà Nội, trong 3 hình thức tuyển sinh dự kiến, vẫn có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Đại học Nha Trang, cũng là 1 trong các trường đại học đầu tiên trên cả nước công bố xét tuyển đầu vào năm 2021 dựa theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, trong số 3.500 chỉ tiêu, trường dành khoảng 40% chỉ tiêu xét từ điểm tốt nghiệp THPT.

Năm học 2020-2021 đã đi qua một học kỳ đầu. Tại Hà Nội, các trường THPT cũng đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, việc Bộ GD-ĐT giữ ổn định phương án thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021 sẽ giúp giáo viên, học sinh yên tâm dạy - học. Hiện nay, nhà trường đang vừa dạy bài mới, vừa song song việc ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh theo các môn thi tốt nghiệp THPT; hỗ trợ học sinh làm quen với dạng đề, cách làm bài thi tốt nghiệp THPT…

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, biện pháp chung mà các nhà trường tiến hành để giúp học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới chính là vừa dạy học, vừa ôn tập cũng như phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng để có biện pháp bổ trợ kiến thức cho học sinh còn yếu, nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối kết hợp với gia đình học sinh trong việc tạo điều kiện và xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh học tốt nhất.

Theo thầy Bình, hiện nay, các kỳ thi đã thay đổi theo hướng tăng cường kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của học sinh. Vì vậy, các nhà trường trong quá trình dạy và ôn tập cho học sinh cũng phải thay đổi theo hướng khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết vấn đề. Nếu vẫn duy trì cách ôn tập xưa cũ, thầy đọc trò chép và học thuộc thì học sinh sẽ khó đạt điểm cao trong các kỳ thi.

Về phương thức thi tốt nghiệp THPT, theo thầy Bình, Bộ GD-ĐT cần giữ ổn định về số môn thi, hình thức thi ít nhất từ 3-5 năm. Năm học 2019-2020, việc Bộ GD-ĐT quyết định thay đổi từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT diễn ra quá nhanh, đột ngột đã làm ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, hoạt động dạy học của các nhà trường. Vì vậy, thầy Bình đề xuất Bộ GD-ĐT sẽ hạn chế những thay đổi như vậy.

Đối với việc xét tuyển vào ĐH, theo thầy Bình, việc trao quyền tự chủ quyết định phương án tuyển sinh cho các trường sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội và lựa chọn. Tuy nhiên, các trường đại học cũng cần công khai và thông báo sớm phương án để học sinh có thời gian cân nhắc, lựa chọn.

Bài và ảnh: TRUNG THU

 

Tin cùng chuyên mục

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.