Hà Nội: Hiệu quả từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm“

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 6/5, tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025.

Thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.914 đơn vị trường học, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, gần 2,3 triệu học sinh, hơn 128.000 giáo viên.

Hà Nội: Hiệu quả từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm“ - ảnh 1
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 được triển khai sâu rộng, được sự hưởng ứng, tham gia của tất cả 30 quận, huyện, thị xã, các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố. 

Đã có 30/30 quận huyện kết nối xây dựng kế hoạch cùng chung tay phát triển. Từ kế hoạch của các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã đã có 1.176 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tổ chức gặp gỡ, xây dựng và triển khai Kế hoạch giao ước thực hiện chương trình phối hợp giữa các đơn vị.

Các hoạt động tập trung vào các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông; phát huy vai trò của cá nhân và tập thể giữa các đơn vị trong việc giải quyết những vấn đề khó, những vấn đề lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình môn học.

Kế hoạch hợp tác, chung tay hành động của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã giúp cho các đơn vị có được cơ hội học tập lẫn nhau, đội ngũ giáo viên có dịp gặp gỡ trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, khoảng cách chất lượng giữa các nhà trường, các địa phương trên toàn Thành phố được thu hẹp dần, chất lượng dạy và học chung trong toàn Ngành được nâng lên.

Hà Nội: Hiệu quả từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm“ - ảnh 2
Lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội khen thưởng các tập thể xuất sắc trong thực hiện phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" giai đoạn 2022 - 2025.

Ở mức độ cấp trường, đã có 1.420 chuyên đề chia sẻ, liên kết được thực hiện, tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn; ôn thi học sinh giỏi; giáo dục STEM, STEAM; ôn thi vào lớp 10 THPT... Đã xuất hiện những tấm gương điển hình, nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.

Về phía các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, đã có 147 đơn vị ký cam kết giao ước; tập trung vào những nội dung thiết thực, giúp nhau tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc các trường có chất lượng tốt cắt cử giáo viên cốt cán hỗ trợ cho những trường gặp khó khăn về đội ngũ; tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm giữa các trường; tham quan học tập các mô hình giảng dạy của nhau là những chia sẻ hết sức thiết thực, không chỉ giúp giáo viên học hỏi lẫn nhau mà còn tạo động lực phần đấu, vươn lên cho các trường, nhất là những trường chất lượng dạy và học chưa cao.

Giáo viên cốt cán tham gia giảng dạy ở những nơi khó khăn học hỏi được tinh thần vượt khó ở đơn vị bạn. Giáo viên ở những nơi khó khăn học hỏi được những kinh nghiệm hay trong công tác chuyên môn, tự tin hơn trong những nỗ lực của mình.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã ghi nhận, biểu dương nỗ lực của mỗi nhà giáo, từng nhà trường trong việc góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục toàn ngành, nhất là ở địa bàn khó khăn trong suốt thời gian qua. Đây không chỉ là một sáng kiến hành chính, mà còn là một nét đẹp văn hóa, là tinh thần trách nhiệm, là bản sắc của đội ngũ nhà giáo Thủ đô trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Hà Nội: Hiệu quả từ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm“ - ảnh 3
Lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội khen thưởng các cá nhân xuất sắc trong thực hiện phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" giai đoạn 2022 - 2025.

Phong trào đã mang lại những kết quả thiết thực trong việc hỗ trợ học sinh khó khăn, hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn, tạo điều kiện học tập bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng cao rõ rệt. Giáo dục mầm non được chú trọng đổi mới phương pháp và môi trường học tập. Giáo dục phổ thông triển khai đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đạt 99,81%...

Để tiếp tục duy trì, lan tỏa phong trào, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã cùng các nhà trường đưa phong trào trở thành nội dung trong đánh giá thi đua - khen thưởng hằng năm, xác lập phong trào như một tiêu chí chính thức phản ánh hiệu quả hoạt động giáo dục của từng đơn vị; bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối chuyên môn, đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn liên trường, liên quận, huyện, theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh đó, cần tăng cường lồng ghép phong trào vào các trong các chương trình, hoạt động lớn của Ngành như: Trường học xanh - an toàn - hạnh phúc, phát triển giáo dục thể chất, thẩm mỹ và giáo dục kỹ năng sống. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô…

Tại Hội nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân tiên phong, xuất sắc trong thực hiện phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" giai đoạn 2022 – 2025.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học

Đề nghị bổ sung quyền của nhà giáo được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp công nghệ của cơ sở giáo dục đại học

(PNTĐ) -  Sáng 6/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định rõ: Quyền và nghĩa vụ áp dụng chung cho nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục công lập; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục ngoài công lập.