Hà Nội kiến nghị giải bài toán thiếu giáo viên

Chia sẻ

Thành phố Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ xem xét, giao bổ sung 7.134 biên chế viên chức giáo viên theo định mức để có thể bố trí kịp thời giáo viên đứng lớp. Trước mắt năm 2022 và các năm tiếp theo, kiến nghị không tinh giản biên chế lĩnh vực giáo dục theo chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Đây là một trong nhiều nội dung trong Báo cáo số 146-BC/TU ngày 19/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Nhiều cơ sở giáo dục hy vọng việc được bổ sung thêm biên chế giáo viên sẽ giúp các trường nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học (Ảnh chụp tại trường THCS Liệp Tuyết, Quốc Oai)Nhiều cơ sở giáo dục hy vọng việc được bổ sung thêm biên chế giáo viên sẽ giúp các trường nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học (Ảnh chụp tại trường THCS Liệp Tuyết, Quốc Oai)

Nhiều nơi thiếu giáo viên

Thiếu giáo viên là tình trạng đã xảy ra với Hà Nội trong nhiều năm qua. Theo quy định, trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ cần có đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên là 72 người nhưng trong nhiều năm nay, trường hoạt động chỉ với 56 giáo viên, nhân viên. Giáo viên thiếu ở một số môn đặc thù như Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Sinh học, Địa lý, Công nghệ… Trong khi đó, do dân số cơ học tăng nhanh, mỗi năm, số học sinh lớp 6 vào trường trung bình đều tăng từ 2-3 lớp. Học sinh tăng nhưng đội ngũ giáo viên không tăng nên một số giáo viên của trường phải dạy chéo môn. Trong khi số lượng giáo viên dạy chương trình cũ còn thiếu thì với chương trình mới lại có thêm một số môn học bắt buộc như môn Tin học và hoạt động trải nghiệm. Hiện nhà trường mới có 1 giáo viên dạy tin học (theo hình thức tự chọn) nhưng khi Tin học trở thành môn bắt buộc, trường sẽ cần thêm 1 giáo viên nữa.

Tại quận Cầu Giấy theo cô giáo Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên, nếu tính theo số lớp thì trường cần tới 65 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, trường chỉ được giao biên chế 58 người, thiếu 7 biên chế. Số giáo viên còn thiếu phải bù đắp bằng hợp đồng với quận được ký theo từng năm. Bất cập ở chỗ, nếu tính thời điểm cách đây 6 năm, khi cô Hiền về công tác tại trường, quy mô của trường mới chỉ có 29 lớp thì nay đã tăng lên 34 lớp. Tuy nhiên, số biên chế giáo viên vẫn giữ nguyên như trước.

Nằm ở vùng ngoại thành tại huyện Quốc Oai, trường THCS Liệp Tuyết tưởng chừng sẽ ít chịu áp lực về tăng số lượng học sinh, quy mô của trường cũng ở mức nhỏ so với nhiều trường nội thành với chỉ khoảng gần 300 học sinh. Tuy nhiên, theo thầy giáo Đỗ Danh Khanh, Hiệu trưởng thì trường THCS Liệp Tuyết cũng đang vướng phải khó khăn vì thiếu giáo viên, cụ thể là ở môn Vật lý, Hóa học. Ngoài ra, nếu căn cứ theo đề án vị trí việc làm, trường còn cần thêm giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật… Nhà trường mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí để trường trả lương hợp đồng với giáo viên một số môn đặc thù.
Tương tự, ghi nhận tại quận Hà Đông, trường THCS Văn Yên nhiều năm cũng rơi vào tình trạng thiếu khoảng hơn 10 giáo viên. Theo cô Trịnh Thị Liên, Hiệu trưởng, do thiếu giáo viên, trường đang bố trí giáo viên dạy chéo môn như giáo viên Ngữ văn dạy thêm môn Lịch sử, Giáo dục công dân… Với môn Tin học, trường bố trí giáo viên Toán kiêm nhiệm. Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Tin học trở thành môn chính thức thì việc dạy chéo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì giáo viên Toán sẽ khó đảm nhận dạy tốt được với những kiến thức khó như lập trình như giáo viên được đào tạo chuyên về tin học.

Năm 2020, Hà Nội cũng vừa hoàn thành kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục với khoảng 4.000 chỉ tiêu, qua đó sẽ cung cấp thêm nguồn giáo viên hỗ trợ các nhà trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số trường, số chỉ tiêu này vẫn không bù đắp theo số giáo viên biên chế còn thiếu cho các trường nên tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra.

Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp

Theo báo cáo, từ năm 2015 đến nay, Hà Nội không được tăng biên chế viên chức, ngoài ra còn phải giảm tỷ lệ cơ học bao gồm cả lĩnh vực giáo dục dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên theo tốc độ đô thị hóa, tăng trường, tăng lớp, tăng học sinh. Năm 2021, thành phố dự kiến tăng 4.597 biên chế viên chức giáo dục và đã có Văn bản số 2815/UBND-SNV ngày 3-7-2020 báo cáo Bộ Nội vụ theo đúng tinh thần Thông báo số 9028-CV/VPTƯ ngày 11-3-2019 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương về Kết luận của Bộ Chính trị bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế để đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có nhân viên y tế”. Tuy nhiên, hiện nay thành phố vẫn chưa được bố trí giao bổ sung.

Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp, các ngành sớm tham mưu triển khai có hiệu quả Thông báo số 9028-CV/VPTƯ nêu trên. Tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là rất rõ ràng. Chính phủ và các bộ, ngành đều đã có các chỉ đạo triển khai. Nhưng việc giao biên chế năm 2020, 2021 cho Hà Nội không những không được tăng theo định mức để bảo đảm giáo viên đứng lớp (Hà Nội còn thiếu 7.134 biên chế giáo viên theo định mức) mà còn giảm cơ học theo tỷ lệ 10%, dẫn đến chất lượng giáo dục Thủ đô bị ảnh hưởng không nhỏ.

Ban Thường vụ Thành ủy kiến nghị Chính phủ xem xét, giao bổ sung 7.134 biên chế viên chức giáo viên theo định mức cho Hà Nội để có thể bố trí kịp thời giáo viên đứng lớp. Khi các giải pháp chưa được triển khai, trước mắt năm 2022 và các năm tiếp theo không tinh giản biên chế lĩnh vực giáo dục theo chỉ tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Theo cô giáo Trương Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Nam Trung Yên, việc bù đắp giáo viên theo hình thức hợp đồng quận chỉ là giải pháp chữa cháy. Phía trường THCS Nam Trung Yên mong rằng, với kiến nghị trên, nếu Hà Nội được bổ sung biên chế giáo viên thì sẽ giúp các trường ổn định hoạt động. “Hiện nay, các nhà trường sẽ khó khăn hơn trong việc giữ chân giáo viên trong diện hợp đồng vì không có sự ràng buộc. Chỉ cần giáo viên đó xin thôi việc là sẽ dồn gánh nặng lên các giáo viên biên chế còn lại. Bên cạnh đó, muốn tuyển được những giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm cần phải có biên chế để họ yên tâm công tác. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Các trường ở Hà Nội đều mong muốn kiến nghị của Hà Nội sẽ sớm thành hiện thực để sớm được bù đắp giáo viên biên chế còn thiếu.

Bài và ảnh Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

(PNTĐ) - Thời điểm này, nhiều trường đại học đã bắt đầu triển khai thực hiện xét tuyển sớm đại học. Theo đó, nhiều học sinh dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã có đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ... Tuy nhiên, nếu không cẩn thận những học sinh này cũng có thể rơi vào cảnh đỗ thành trượt.
Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

(PNTĐ) - Trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024), tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024. Kết quả tại cuộc thi này, học sinh thành phố Hà Nội đã xuất sắc giành 2 giải Nhất, 1 giải Ba.