“Cuộc đua” đánh giá năng lực:

Làm sao để giảm áp lực?

Bài và ảnh: Mai Nguyễn
Chia sẻ

(PNTĐ) -GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên các thí sinh không nên tham gia các “lò luyện” thi, cũng không nên tham gia quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, sẽ gây lãng phí.

Làm sao để giảm áp lực? - ảnh 1
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đang tư vấn cho các thí sinh

Áp lực, mệt mỏi vì kỳ thi riêng
Thời điểm này, đã có các cơ sở giáo dục công bố kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Trong đó, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội được các thí sinh quan tâm, do có trên 60 cơ sở đào tạo đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực này để xét tuyển. 

Theo thông tin từ phía ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2023 có 8 đợt thi đánh giá năng lực được tổ chức, từ ngày 10/3 đến hết ngày 4/6. Các đợt thi đã mở cổng đăng ký thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3 và tháng 4, và đăng ký từ ngày 18/3 cho các đợt thi tháng 5 và tháng 6. Mỗi đợt thi, dự kiến có từ 8.000 tới 20.000 thí sinh, hướng tới phục vụ khoảng gần 100.000 thí sinh. Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm 2 địa điểm thi mới, nâng số địa điểm thi trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Việc có thêm các kỳ thi riêng đã tăng cơ hội vào đại học cho các thí sinh, tuy nhiên, kéo theo những áp lực, mệt mỏi cho thí sinh tham gia. Em Nguyễn Tiến Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, em đã phải học “tăng tốc”, hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi. Tuần 4 buổi em đi học thêm đến 9h tối. Sau khi về nhà, cơm nước, tắm rửa, 11h em mới ngồi vào bàn tự học. Nhiều đêm em phải học tới 1-2 giờ sáng. Hôm sau lại tiếp tục một guồng quay như vậy.

“Có những khi quá mệt, em cũng quẳng hết tất cả đi ngủ. Nhưng rất lo, vì biết bao bạn cũng đang chạy nước rút như mình, bỏ “cuộc đua” này, em sẽ sợ bị tụt lại, mất cơ hội”- Tiến Anh chia sẻ. Tâm sự của Tiến Anh cũng là “nỗi niềm” chung của rất nhiều thí sinh giai đoạn này. Nhiều giáo viên chia sẻ, đã xuất hiện học sinh “lơ là” với các môn thi tốt nghiệp THPT do tập trung vào kỳ thi riêng. 

Theo thầy giáo Đinh Đức Hiền, Hệ thống giáo dục hocmai, tâm lý của thí sinh là lo lắng, muốn tăng cơ hội trúng tuyển, cho nên, dù có quyền chọn có hoặc không thi riêng, nhưng các em sẽ vẫn tham gia. Trong khi, đề thi của các kỳ thi riêng có cấu trúc và phạm vi kiến thức khác với đề thi tốt nghiệp THPT, nên thí sinh vẫn phải ôn tập riêng cho kỳ thi đánh giá năng lực này. Điều đó sẽ tăng thêm mệt mỏi, áp lực cho các em.

“Cũng vẫn nhắc nhở các em không nên tập trung quá nhiều tâm sức vào kỳ thi đánh giá năng lực mà bỏ qua các môn thi tốt nghiệp THPT, nhưng cũng khó, bởi quỹ thời gian có hạn, trong khi đề thi của các kỳ thi riêng có cấu trúc và phạm vi kiến thức khác với đề thi tốt nghiệp THPT, muốn thi phải ôn tập. Nhiều em lựa chọn vào những trường đại học tốp đầu, cứ có thêm cơ hội là các em đăng ký”- cô giáo Lê Hương Giang (trường THPT Đại Mỗ, Hà Nội) chia sẻ.

Còn TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, bản chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là nhằm giảm tải gánh nặng thi cử. Và kết quả của kỳ thi có thể sử dụng với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT cho học sinh; căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, việc các trường tổ chức thêm các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, trong khi vẫn tồn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phải đặt câu hỏi, liệu có làm mất đi tinh thần giảm tải hay không? Theo ông Khuyến, các trường nên liên kết trong việc tổ chức kỳ thi riêng này và Bộ GD-ĐT cần có sự xem xét, quản lý.

Thí sinh nên làm thử trước các đề thi tham khảo 
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, năm nay, bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn gồm 3 phần là Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút) và Khoa học (60 phút). Về cấu trúc, ma trận, độ khó, dễ của đề thi không thay đổi. 

Cùng với việc giới hạn số lần dự thi, năm nay sẽ tăng chế tài phạt, nếu bị đình chỉ, thí sinh không chỉ bị hủy kết quả của lượt thi đó mà còn bị hủy cả lượt chưa thi. Về việc ôn tập của thí sinh, ông Thảo khuyến cáo, các em không nên nghe theo lời chào mời của bất kỳ một trung tâm luyện thi nào, vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, sức khỏe. 

Bài thi đánh giá năng lực hướng tới những nhóm năng lực chủ đạo mà thí sinh đạt được trong chương trình THPT, không phải bài kiểm tra kiến thức. Các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, từ vận dụng thấp đến vận dụng cao hay hiểu biết vận dụng là có thể làm tốt. Về “chiến thuật” làm bài thi, ông Thảo cho biết, bài thi đánh giá năng lực sẽ bao gồm 150 câu hỏi với tổng thời gian làm bài là 195 phút. Trong đó, có phần đánh giá tư duy định lượng và phần tư duy định tính, khoa học tự nhiên, xã hội.

Đối với phần tư duy định lượng, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về Toán học, thống kê và xử lý số liệu trong chương trình 3 năm THPT. Phần tư duy định tính, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về Văn học - ngôn ngữ trong chương trình THPT. Phần Khoa học tự nhiên - xã hội, thí sinh sẽ được hỏi các nội dung về Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa… Khi làm bài thi, các em không nên chia đều thời gian cho mỗi câu hỏi, bởi sẽ có những câu dễ, nhưng cũng có câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy nghĩ, biện luận hay áp dụng ở mức cao. Trong quá trình làm bài, nếu thí sinh gặp câu hỏi khó thì nên bỏ qua, làm câu dễ trước. Sau đó, quay lại câu khó.

Để không bị bỡ ngỡ trong bài thi chính thức, các em nên làm thử đề thi tham khảo. Việc làm thử đề thi sẽ giúp thí sinh quen cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực chưa nắm rõ. Mẫu đề thi tham khảo cũng được công bố trên trang khaothi.vnu.edu.vn.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…