Máy móc và hành chính hóa

Chia sẻ

Từ ngày 20/3, giáo viên ở các bậc học để giữ hoặc nâng hạng bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Quy định này đang gây bất cập, máy móc và hành chính hóa khi không căn cứ trên năng lực và thành tích giảng dạy của giáo viên mà chỉ cần một tờ chứng chỉ A4 (?!)

Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được cho là đang làm khó, khổ giáo viên (ảnh minh họa)Việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được cho là đang làm khó, khổ giáo viên (ảnh minh họa)

Đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Những ngày này, cứ vào 8 giờ tối, thầy N.Q.D, giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy lại vào học lớp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp dưới hình thức trực tuyến (online). Được biết, lớp học do một đơn vị tại Hà Nội mở trong thời gian 10 buổi tối, mỗi buổi học từ 1,5h - 2h với kinh phí 2,5 triệu đồng, bằng khoảng 1/2 tháng lương của một thầy cô giáo.

Từ tháng 2/2021, sau khi có thông tin về Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT về “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập”, thầy D và một số đồng nghiệp đã vội vã tìm các lớp cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như thế này để tham gia. Thầy D là giáo viên biên chế môn Hóa học, đã có 5 năm thâm niên nhưng có cả thầy cô đã hơn 10 năm đi dạy giờ cũng phải học để lấy chứng chỉ.

“Lớp học của chúng tôi có khoảng trên dưới 100 học viên. Chúng tôi học kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung; Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp; Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp có giá trị bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên. Để đăng ký khóa học, học viên phải nộp một bộ hồ sơ gồm: Bằng tốt nghiệp photo, 2 ảnh 3×4, 1 giấy chứng minh thư photo và 1 phiếu đăng ký học (theo mẫu)”- thầy D chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều thầy cô giáo băn khoăn là nội dung trong chương trình còn mang tính chung chung và đã có trong chương trình đào tạo giáo viên. Cô giáo Đ.T.T, giáo viên quận Tây Hồ cũng cho biết: “Nếu học để nâng cao kiến thức, phục vụ cho việc giảng dạy thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng học chỉ vì quy định phải hợp lý hóa hồ sơ thì lãng phí thời gian. Là giáo viên, chúng tôi mong có những quy định, chính sách thiết thực để động viên giáo viên cống hiến, chứ không phải là những quy định không cần thiết. Việc học không thực chất thì sẽ chỉ tạo cơ hội cho trung tâm đào tạo trục lợi, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, làm khổ giáo viên”.

Thông tư mới máy móc và hành chính hóa

Theo Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT về “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập” chính thức có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới có thể thăng lương, giữ hạng hay nâng ngạch.

“Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông quy định tại Thông tư này sẽ được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/ 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể: Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98; Giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38; Giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78”.

Đặc biệt, trong Thông tư còn quy định rõ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên từng hạng I, II, III gồm: Nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT việc yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một trong những bất cập của lộ trình trả lương theo vị trí việc làm, bởi cơ quan quản lý đã áp dụng chung công thức cho tất cả ngành nghề.

“Thông tư chưa phù hợp với thực tiễn bởi không thể bắt một giáo viên công tác 10, 20 năm, chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm tham gia các lớp Bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ để chuẩn hồ sơ, hợp quy định. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập. Một số nội dung được thiết kế để bồi dưỡng nhà quản lý chứ không phải dành cho giáo viên. Về học phí đào tạo, giáo viên cũng phải bỏ tiền túi để đi học trong khi lương của thầy cô không cao” - TS Vinh cho hay.

Đồng thời, với việc đạo đức nghề nghiệp của giáo viên cũng được xếp thành 3 hạng I, II, III, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, đạo đức nghề nghiệp nhấn mạnh đến công bằng, bình đẳng, bác ái, dân chủ, đoàn kết, tôn trọng mọi người (học sinh và đồng nghiệp), không thiên vị, thành kiến và trách nhiệm nghề nghiệp. Bất kỳ một nhà giáo nào khi đứng trên bục giảng thì đều phải làm gương cho học sinh, chẳng hạn như kiên trì, trung thực, tôn trọng, chấp hành các quy định luật pháp, kiên nhẫn, công bằng, trách nhiệm và đoàn kết. Vì thế, không dễ đánh giá, không phải giáo viên hạng 1, 2 gương mẫu hơn giáo viên hạng 3.

Còn GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, giáo viên vốn đã nghèo nay phải bỏ ra số tiền 2-3 triệu đồng để đi học một loại chứng chỉ nghề nghiệp mà không giúp nâng cao chuyên môn là điều bất cập. Thực tế, giáo viên muốn đứng lớp phải trải qua 4 năm học đại học. Hàng năm họ được tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT thì không có lý do gì không đủ điều kiện để đi dạy học. Tại sao lại bắt giáo viên phải đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong khi họ đang là giáo viên? Bỏ 3-4 triệu đồng và học vài ba buổi để lấy chứng chỉ nghề nghiệp liệu có thể cải thiện năng lực giáo viên, và liệu chất lượng hệ thống giáo dục có tăng theo?

Trong khi đó, theo Bộ GD&ĐT, việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục. Do đó, Bộ GD&ĐT cho rằng, muốn bỏ được quy định này thì cần phải sửa các quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý viên chức

Trước những vướng mắc, bất cập nêu trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến các loại chứng chỉ dùng để xếp hạng giáo viên cho phù hợp.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý viên chức, trên cơ sở đó xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu nêu rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.

VIỆT THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Nghịch lý điểm chuẩn vào lớp 10: Nên bỏ quy định cứng nhắc để phổ cập THPT

Nghịch lý điểm chuẩn vào lớp 10: Nên bỏ quy định cứng nhắc để phổ cập THPT

(PNTĐ) - Hà Nội vừa công bố điểm thi và điểm chuẩn vào các trường THPT công lập lớp 10 năm học 2025-2026. Điều đáng nói, từ phổ điểm chuẩn của các trường công bố, dư luận đặt câu hỏi: Bao giờ mới hết nghịch lý điểm cao bị trượt, còn điểm thấp lại đỗ, khi mà chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường vênh nhau đến 15,5 điểm.