Nhà giáo Gen Z : Hứa hẹn mang đến “làn gió mới” trong giáo dục

Gia Thịnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thế hệ Z (Gen Z), với sức trẻ của mình, đã và đang cống hiến, làm thay đổi các lĩnh vực trong đời sống xã hội theo hướng tích cực. Trong ngành giáo dục, những giáo sinh Gen Z hứa hẹn mang đến nhiều “làn gió mới”.

Năng động, sáng tạo và thông minh là những tính từ có thể được sử dụng để nói về Gen Z (Thế hệ Z - những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Hiện nay, Gen Z đã trưởng thành, dần xác định cho mình một hướng đi phù hợp, trong đó không ít các bạn trẻ lựa chọn theo đuổi con đường sư phạm.

Trong khoảng thời gian học tập, trau dồi để trở thành một giáo viên, những đợt kiến - thực tập tại các trường học là vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để sinh viên phát triển năng lực sư phạm, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn… Trong quá trình đó, các giáo sinh Gen Z đang tạo ra nhiều điều mới mẻ, dần hình thành dấu ấn của một thế hệ nhà giáo nhạy bén, hợp thời.

Vừa làm thầy, vừa làm bạn

Với lợi thế của thế hệ trẻ, các giáo sinh có nhiều cơ hội để gần gũi với học trò, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Khi ấy, các giáo sinh không chỉ phát huy vai trò của người thầy, người dẫn đường, mà còn trở thành người bạn, người đồng hành cùng các học sinh.

Được học tập và phát triển trong nền giáo dục từng bước đổi mới, các sinh viên sư phạm dường như nhận thức được tầm quan trọng của việc giảng dạy bằng những phương pháp mới mẻ, sáng tạo. 

Lê Thu Anh (22 tuổi, khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội) vừa trải qua đợt thực tập tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cô nàng chia sẻ: “Trong giờ dạy, mình có sử dụng phương pháp đóng kịch, thuyết trình, tổ chức hoạt động nhóm hay các trò chơi… cho học sinh. Ban đầu các em chưa quen và mình cũng chưa thích nghi được nên còn mất nhiều thời gian. Dần dần, học sinh đã chủ động, hào hứng hơn, buổi học diễn ra khá hiệu quả”.

Nhà giáo Gen Z : Hứa hẹn mang đến  “làn gió mới” trong giáo dục - ảnh 1
Thu Anh luôn cố gắng vận dụng những phương pháp giáo dục sáng tạo cho các giờ dạy - Ảnh: NVCC

Với Thu Anh cũng như nhiều giáo sinh khác, các phương pháp giáo dục hiện đại là phương tiện quan trọng và hữu ích trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh. Các em sẽ cảm thấy thích thú, tiếp thu kiến thức nhanh hơn và cũng tích lũy nhiều kỹ năng cho bản thân mình.

Bên cạnh đó, các giáo sinh Gen Z cũng đảm nhận vai trò là người bạn, nơi học sinh tìm đến để gửi gắm suy nghĩ, tâm tư. Điều này giúp kết nối mối quan hệ thầy - trò, gia tăng sự thấu hiểu lẫn nhau, làm cho quá trình giảng dạy, học tập trở nên suôn sẻ.

Vừa có đợt kiến tập vào tháng 12/2022, Phương Thảo (20 tuổi, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) tuy chưa chính thức đứng lớp, nhưng cũng đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các học sinh. Phương Thảo chia sẻ: “Không chỉ riêng mình mà còn rất nhiều bạn sinh viên khác, khi đi kiến - thực tập đều có thể dễ dàng nói chuyện, trao đổi với học sinh trong lớp bởi chúng mình còn rất trẻ nên phần nào hiểu được tâm lý của các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, ngoài những lúc trò chuyện vui vẻ, mình vẫn phải giữ thái độ nghiêm túc theo đúng vai vế”.

Nhà giáo Gen Z : Hứa hẹn mang đến  “làn gió mới” trong giáo dục - ảnh 2
Phương Thảo sẵn sàng trò chuyện, tâm sự với học sinh trong lớp-  Ảnh: NVCC

Khi lắng nghe và chia sẻ nhiều điều với học trò, các giáo sinh sẽ nhận được sự tôn trọng, ủng hộ và hỗ trợ từ học sinh. Mối quan hệ giữa thầy và trò sẽ càng trở nên thân thiết, gắn bó thông qua các hoạt động trong trường lớp hay những buổi tâm sự, trò chuyện… Đây là những trải nghiệm đáng nhớ trong chặng đường thực tập của các giáo sinh trẻ tuổi.

Truyền cảm hứng “ngược chiều”

Khi quyết định lựa chọn con đường sư phạm, nhiều sinh viên được truyền cảm hứng từ những thầy cô giáo mình từng theo học. Bên cạnh đó, trong quá trình thực tập, các giáo sinh tiếp tục nhận được những “ngọn lửa nghề” từ các các thầy cô. “Có một điều may mắn là mình được gặp và làm việc với một cô hướng dẫn rất giỏi, tâm huyết và rất ‘teen’. Cô chỉ dạy cho mình nhiều phương pháp, kinh nghiệm làm nghề, cũng như luôn tạo điều kiện để mình được phát triển bản thân” - Thu Anh bộc bạch.

Tuy nhiên, quá trình truyền cảm hứng trong nghề giáo không chỉ diễn ra một chiều. Chính các giáo sinh trẻ tuổi cũng là nguồn động lực cho thầy cô đã có kinh nghiệm trong nghề. Quan sát phương pháp giảng dạy đặc biệt của các thực tập sinh, nhiều giáo viên cũng được học hỏi, tích lũy cho mình những kỹ năng sư phạm phù hợp với nền giáo dục hiện nay.

Cô Trần Thị Vân Anh (Tổ phó Tổ Chuyên môn Tự nhiên 2, giáo viên Hóa học Trường THCS Ngô Sỹ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có cơ hội được đồng hành cùng các giáo sinh và thấy được cách dạy hiện đại của các bạn trong đợt thực tập vừa qua tại trường. Phương pháp dạy học mới đã và đang mang tới một không khí học tập nhiều năng lượng cho thầy và trò. Tôi nhận thấy rằng, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên như chúng tôi luôn cần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới cách tiếp cận vấn đề và dạy học thông qua tổ chức các hoạt động”. 

Không chỉ tự trau dồi kỹ năng của bản thân, các thầy cô giáo còn được thế hệ trẻ “tiếp sức” về cảm hứng, tình yêu và sự tin tưởng với nghề. “Tôi nhận thấy thế hệ giáo viên tương lai sẽ là những thầy cô tràn đầy nhiệt huyết và tài năng. Tôi tin rằng các bạn có thể mang tới những phong cách giảng dạy sáng tạo, mang bản sắc cá nhân, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều người mong đợi” - cô Vân Anh giãi bày.

 
Nhà giáo Gen Z : Hứa hẹn mang đến  “làn gió mới” trong giáo dục - ảnh 3
Cô Vân Anh tin tưởng vào thế hệ các nhà giáo tương lai - ảnh:  NVCC)

Phát huy vai trò của chiếc “cầu nối” thế hệ

Đổi mới là tốt, nhưng nếu chỉ chú trọng đổi mới mà quên mất những giá trị đã gắn liền với hình ảnh người giáo viên, điều này có phù hợp? Từ góc nhìn của một học sinh, Nguyễn Trâm Anh (17 tuổi, THPT Yên Định 2, Thanh Hóa) bày tỏ: “Em nghĩ việc kết hợp cả hai phương pháp giáo dục truyền thống và sáng tạo là rất quan trọng. Học sinh có cơ hội trải nghiệm các phương pháp khác nhau, giúp quá trình học tập trở nên sinh động, phong phú. Ngoài ra, giáo viên cũng gần gũi, quan tâm học sinh hơn, nhưng không vì thế mà chúng em buông lỏng nội quy trường lớp và ý thức kỷ luật của bản thân”. 

Nhà giáo Gen Z : Hứa hẹn mang đến  “làn gió mới” trong giáo dục - ảnh 4
Các giáo sinh môn Hóa học truyền cảm hứng đến thầy cô về cách giáo dục mới mẻ, hiện đại - ảnh: NVCC

Nền giáo dục luôn cần có sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Với khả năng và bản lĩnh của mình, các giáo sinh Gen Z chính là chiếc “cầu nối” giữa cái mới và những điều đã quen thuộc, là sự chuyển tiếp giữa nền giáo dục hiện tại và tương lai. Các bạn đang từng bước xây dựng hình ảnh một nhà giáo của thời đại mới, hòa nhập với nền giáo dục ngày càng mới mẻ, hiện đại.

Tuy nhiên, dù theo đuổi sự mới mẻ hay ở lại với truyền thống, các giáo sinh cũng cần nhận thức rõ ràng vai trò và trách nhiệm của mình. “Các giáo sinh như mình phải luôn trau dồi kinh nghiệm, tìm hiểu, xây dựng những kỹ năng mới để có thể truyền tải kiến thức, tạo động lực để các em học sinh, và đặc biệt phải luôn giữ lửa nhiệt huyết, tận tâm với nghề” - Phương Thảo chia sẻ.

Chính những phương pháp mới, kết nối mới và cảm hứng mới là những “làn gió mới” do những giáo sinh mang lại. Phải khẳng định rằng, Gen Z là một thế hệ vô cùng giỏi giang và tài năng. Với năng lực và phong cách của những thầy cô giáo tương lai, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một thế hệ nhà giáo đóng góp nhiều vào việc xây dựng nền giáo dục theo hướng ngày càng đổi mới, tiến bộ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…