Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Thiện - “con tằm rút ruột nhả tơ”
(PNTĐ) - Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Thiện là một phụ nữ dung dị và thuần hậu như chính cái tên của chị. Một đời gắn bó với nghề giáo, lại say đắm với nghiệp văn, chị như “con tằm rút ruột nhả tơ”, trăn trở mỗi ngày đào tạo nên những thế hệ học trò thiện lương, trưởng thành có ích cho đời, đóng góp những trang thơ văn hay cho nền văn học nghệ thuật nước nhà…

Gieo tình yêu văn chương đến học sinh
Trước đây, những học sinh ngấp nghé vào đại học thường truyền nhau câu cửa miệng: "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm" ; và "Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm". Sở dĩ có những câu ấy nửa thế kỷ trước, sư phạm là nghề thanh cao nhưng cuộc sống nghèo quá! Chỉ những ai yêu nghề, yêu người lắm lắm mới chọn. Và cái duyên với nghề trong chị cứ thắm dần theo thời gian. Năm 1975, chúng tôi đỗ vào ĐHSP I nhưng nhà trường đã đưa 4 khoa: Văn, Địa, Toán, Lý chúng tôi lên trường ĐHSP II đào tạo tại Xuân Hòa - Vĩnh Phú, (khóa học ấy, Trường SP I khuyết 4 khoa này). Chị siêng năng, ham học hỏi và học tốt, khoa Văn chúng tôi gồm 323 người, chị là một trong những sinh viên giỏi tốp đầu. Tôi, người viết bài viết này, là bạn đồng môn với chị.
Sau khi tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường nhưng chị về Thạch Thất dạy học cấp 3 trường huyện. Hơn ba mươi năm trong nghề trồng người, qua lời giảng dung dị nhưng đong đầy cảm xúc, chị đã rung lên bao thanh âm trong trẻo, ngọt ngào sâu lắng, bao khao khát lung linh trong tâm trí những cô cậu học trò đang tuổi nụ, tuổi hoa. Say mê văn chương và tâm huyết với nghề, chị gặt hái không ít thành công. Từ một giáo viên dạy giỏi, chị được đề bạt làm cán bộ quản lý chuyên môn, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Thạch Thất – Hà Nội. Làm sao có thể đếm được biết bao mầm yêu thương, bao hạt giống thiện lương chị đã gieo trồng trong lớp lớp học trò hơn 30 năm ấy. Không ít học sinh ra trường, thành đạt trong cuộc sống vẫn luôn nhớ ơn cô. Có em làm thơ tặng cô dạt dào cảm xúc. Các em nhớ đến cô giáo của mình với tất cả lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc. Nếu chỉ thế thôi cũng đủ để bạn bè, đồng nghiệp vui và trân quý chị. Bởi làm nghề dạy học và để có được thành công trong nghề, cô giáo ấy đã phải nguyện làm thân con tằm rút ruột nhả tơ vàng...
Tuy không cùng dạy một trường với chị nhưng tôi hình dung trên những trang giáo án viết tay hay trên bục giảng bụi phấn bay bay là bao giọt mồ hôi đã rơi, là những giọt nước mắt mặn mòi nuốt vào trong ngực, là bao đêm hõm mắt thức thao trở trăn trước mỗi giờ lên lớp! Bởi, tôi biết nếu chỉ bằng lòng với quyển sách giáo khoa, cuốn sách giáo viên cùng tư liệu tham khảo đầy rẫy trên những kệ sách thì người giáo viên dạy Văn không bao giờ có được thành công đích thực!
Dạy Văn phải tự tìm tòi, khám phá, sáng tạo, phát hiện ra từng chút từng chút, tinh hoa trong mỗi áng văn thơ được tuyển chọn vào chương trình mà truyền trao cho học trò, giúp các em chiếm lĩnh tác phẩm để các em biết yêu văn chương, yêu cuộc sống, yêu con người. Mấy chục năm làm nghề chị đã hết lòng tìm tòi, sáng tạo để gieo những hạt giống tình yêu văn chương đến từng học trò của mình với khát vọng từ đó, các em biết sống tốt hơn, hành xử đúng với đạo lý làm người.

Say mê viết văn vun trồng cây đức
Sau khi về hưu, những trang giáo án khép lại, chị Thiện tự tìm cho mình một hướng đi mới và viết say mê. Chị lại viết tiếp những trang văn vun bồi đạo đức, làm đẹp cho đời. Chị làm việc không mệt mỏi và từng tâm sự: "Mình mong được tiếp tục lan tỏa cái hay, cái đẹp của văn thơ, hướng bạn đọc tới những điều tốt đẹp….” Thật giản dị mà cũng cao cả, ý nghĩa vô cùng. Đến nay chị đã có 11 đầu sách, chưa kể còn hàng trăm bài thơ và nhiều bài viết chưa in.
Đọc thơ chị chia sẻ, đọc truyện ngắn và những bài phê bình tiểu luận của chị, tôi thật sự xúc động bởi lại bắt gặp vẻ đẹp của tâm thiện lấp lánh trong mỗi con chữ. Tôi yêu những câu thơ chị đọc mỗi khi có dịp bạn bè tụ họp, yêu và nhớ những bài chị viết về con trai, con dâu, viết tặng các cháu nội, tôi thích nhất bài “Vũ trụ của con” chị viết tặng mẹ. Tôi đã được đọc tập truyện ngắn của chị nhan đề "Bài học đắt giá" gồm 26 truyện ngắn, 26 mảnh đời buồn. Buồn lắm! Những con người xuất hiện trong sách của chị còn buồn tủi hơn, đau khổ hơn... Họ đang đắm trong mê.
Chị đã đến với họ bằng tấm lòng chân thành. Chị đã coi mình là người thân của họ, gần gũi sẻ chia, lắng nghe họ giãi bày góc khuất cuộc đời mình. Chị đồng cảm với họ, đã yêu thương họ và tâm tình với họ. Lúc thì là lời của mẹ nói với con, lời của vợ nói với chồng, lời của chị nói với em, lời của bạn bè, đồng nghiệp nhỏ to tâm sự. Chân tình và sâu sắc. Ai chẳng dịu lòng khi đắng cay được chị sẻ san, những trống vắng được chị lấp đầy... Những mảnh đời héo hon đã dần tươi trở lại! Và tôi thấy ngời lên trong trang viết vẻ đẹp của thiện lương.

Với tình yêu say đắm với thơ ca và con người, chị viết phê bình và tiểu luận văn học khá nhiều và chất. Từ "Thơ dâng Mẹ" đến "Tình Cha con", những bài thơ được chọn và chị viết lời bình hướng con người về tình nghĩa mẹ cha, lòng hiếu nghĩa và tri ân. Người đọc có cơ hội đọc và hiểu thêm về cha mẹ, để yêu thương nhiều hơn, biết ơn nhiều hơn nữa công lao trời biển của đấng sinh thành. Qua tập "Quê hương Việt Nam" người đọc thấy được hồn cốt dân tộc trong tình yêu quê hương đất nước của ông cha, bao đời "đã vắt thịt da mình đổ xuống" để cây đời nảy lá xanh tươi.
Những bài thơ tuyển chọn trong chủ đề này như những mảnh ghép lịch sử xưa - nay, từ thời trung đại đến thời hiện đại. Những tác phẩm được chọn và bình ấy trở nên hay hơn, khiến người đọc xúc động, yêu nước và tự hào về dân tộc, càng thêm vẻ đẹp của những áng văn chương Việt Nam qua những phát hiện tính tế và thẩm thấu sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật qua những rung động sâu lắng của chị.
Hay như khi đọc hai cuốn “Nơi biên cương Tổ quốc” và "Tiếng lòng nơi đầu sóng" mà chị tuyển chọn và bình những bài thơ hay của nhiều tác giả xưa nay viết về biên giới và hải đảo. Nếu không có tình yêu những vùng đất phên dậu của đất nước, không có tình yêu sâu sắc và niềm biết ơn những người lính ngày đêm canh giữ cho nhân dân được sống bình yên, không thể có được những tác phẩm giàu giá trị nhân văn như vậy?
Tôi tự hỏi ở tuổi chạm ngưỡng bảy mươi, chị giúp các con chăm sóc 5 cháu nội tíu tít vây quanh vậy mà chị vẫn viết đều, cộng tác viên của nhiều tờ báo tên tuổi. Rồi còn các công tác xã hội, Hội Nhà văn, sinh hoạt đoàn thể... Chị lấy đâu ra năng lượng, thời gian để viết và thành công như vậy? Có lẽ vì chị đã chân thành, nhẫn nại và rất thiện. Thiện tâm đã thúc giục chị góp những trang viết để lan tỏa vẻ đẹp của thơ văn. Tin rằng cây đức văn chương mà từng dòng, từng trang chị hướng tới sẽ neo đậu trong lòng bạn đọc, hướng con người tới tử tế. Tuy nhiên đọc sách của chị tôi còn nghĩ: Chị viết hiền lành, lương thiện quá, nếu sắc sảo hơn một chút, gai góc hơn nữa, bứt phá mạnh hơn nữa thì dấu ấn tác phẩm sẽ càng sâu đậm hơn trong đông đảo bạn đọc.