Nhiều “hạt sạn” trong xét tuyển đại học năm 2023

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời điểm này, tất cả các trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2023 theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Theo đó, năm nay gần 30 ngành học có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên. Các thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từ ngày 24/8 đến 8/9/2023.

Nhiều “hạt sạn” trong xét tuyển đại học năm 2023 - ảnh 1
Sau khi trúng tuyển, thí sinh làm thủ tục nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ GD-ĐT từ ngày 24/8- 8/9/2023. Ảnh: int
 

Nhóm ngành khoa học máy tính dẫn đầu điểm chuẩn cao nhất
Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra mức điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT cao nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, trường công bố mức điểm chuẩn 29,42 điểm cho ngành Khoa học máy tính; ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo: 28,8 điểm; ngành Kỹ thuật máy tính: 28,29 điểm; ngành Công nghệ thông tin Global ICT: 28,05 điểm. Theo kế hoạch tuyển sinh năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 7.985 sinh viên, trong đó trường dành 85-90% xét tuyển theo thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy do trường tổ chức, 15-20% chỉ tiêu dùng cho phương thức xét tuyển tài năng.

Sau khi ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các ngành, dư luận “dậy sóng” trước thông tin 2 thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1 vào trường, bởi đây là điều hi hữu từ trước đến nay. Hai thủ khoa là Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh trường THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh THPT Trưng Vương - Hưng Yên) đều là thủ khoa khối A00 cùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính với tổng điểm 3 môn Toán, Lý, Hóa: 29,35 điểm. 

Nguyên nhân của tình huống thủ khoa vẫn trượt nguyện vọng 1 đại học là do mức tính điểm ưu tiên theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, cùng với công thức tính điểm riêng của ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo quy định mới về điểm ưu tiên của Bộ GD-ĐT, đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) thì điểm ưu tiên là 0,75 và sẽ giảm dần bằng 0 khi thí sinh đạt tổng điểm 30 điểm/3 môn. Quy định mới này theo Bộ là nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn. 

Bên cạnh đó, ĐH Bách khoa Hà Nội tính điểm theo công thức: Điểm xét tuyển = (Điểm Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + điểm ưu tiên. Đây cũng là lý do khiến những thí sinh có số điểm không bằng điểm thủ khoa nhưng nhờ có thêm điểm ưu tiên nên đã thuận lợi hơn trong việc xét tuyển. Điều này khiến dư luận đặt khá nhiều nghi vấn về sự bất nhất, không rõ ràng trong việc công bố chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức của Đại học Bách khoa Hà Nội khiến thí sinh nhận về thua thiệt.  

Sau ĐH Bách khoa Hà Nội, các Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Ngoại thương có điểm chuẩn cao nằm trong Top dẫn đầu. Dù vậy, so với năm ngoái, điểm chuẩn của các ngành học này có xu hướng giảm. 

Các ngành học có điểm chuẩn cao ở trường này gồm: Ngành Quan hệ công chúng (ĐH học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội - ĐHQGHN): 28,78 điểm (năm 2022: 29,95 điểm); ngành Truyền thông đa phương tiện (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): 28,68 điểm (năm 2022: 29,25 điểm); ngành Ngôn ngữ Trung (ĐH Ngoại thương): 28,5 điểm; ngành Báo chí (trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN): 28,5 điểm (năm 2022: 29,9 điểm); ngành Truyền thông quốc tế (Học viện Ngoại giao): 28,46 điểm…

Năm nay, nhóm ngành Lịch sử cũng nằm trong top ngành có điểm cao khi các trường ĐH đào tạo ngành này đều đưa mức điểm chuẩn xét tuyển trong ngưỡng từ 28,13 đến 28,58 điểm.

Bên cạnh các trường có mức điểm chuẩn dẫn đầu, nhìn chung năm nay điểm chuẩn tại các trường đại học có xu hướng giảm nhẹ, thậm chí một số trường có mức giảm sâu. Ví dụ, Trường ĐH Đại Nam, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc điểm chuẩn năm 2023 là 15 điểm, giảm 8 điểm so với năm 2022 (23 điểm); điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc năm 2023 là 15 điểm, giảm 7 điểm so với năm 2022 (22 điểm); ngành Ngôn ngữ Anh (Học viện Hàng không) điểm chuẩn năm 2023 là 19 điểm, giảm 4 điểm so với năm 2022 (23 điểm)…

Nhu cầu học đại học vẫn rất cao
Đánh giá về công tác xét tuyển đại học năm 2023, tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối Giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 26/8, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết, năm 2023, lượng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng các ngành Giáo dục mầm non tăng 4,56%. Trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT có 660.258 đăng ký xét tuyển, chiếm 65,9%. Tổng số nguyện vọng được đăng ký là 3.396.325, cao hơn mức 3.098.730 của năm trước. Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, từ số liệu này cho thấy nhu cầu học đại học vẫn rất cao.

Số liệu cập nhật của Bộ GD-ĐT cho thấy, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9% so với 2022. Trong đó, thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng 1 là 49,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên chiếm 74,9% và trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên là 85,1%. Trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Trước đó, hơn 30% thí sinh trúng tuyển theo phương thức tuyển thẳng cũng đã xác nhận nhập học. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, năm 2023, quá trình lọc ảo đã phát huy hiệu quả cao giúp cho thí sinh tránh được những sai sót đăng ký nhầm phương thức, tổ hợp xét tuyển. Điều này giúp thí sinh đảm bảo được quyền lợi tối đa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế trong việc xét tuyển đại học năm nay. Đó là vẫn còn tình trạng một số trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý gây khó khăn cho thí sinh. Hay, nhiều trường xét tuyển sớm nên không dự báo được lượng thí sinh ảo. Vì số lượng thí sinh trúng tuyển sớm chỉ chiếm 30% nên vẫn còn 70% thí sinh có nguyện vọng ảo, chưa phải là nguyện vọng yêu thích nhất. 

Việc các nhóm ngành học hot có điểm chuẩn dẫn đầu ổn định trong nhiều năm cho thấy nhu cầu đào tạo đang bám sát các yêu cầu ngành nghề hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào công tác tuyển sinh, chúng ta vẫn đang tập trung nhiều ở khâu đầu vào, còn khâu đầu ra vẫn chưa thực sự bám sát. Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT đã đề cập tới vấn đề này. Theo TS Lê Trường Tùng, báo cáo đánh giá kết quả giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT cho thấy vẫn còn tập trung nhiều vào tuyển sinh - đầu vào, mà không có số liệu đầu ra. “Nói gì thì nói vẫn phải quan tâm tới đầu ra, bao nhiêu người rời bỏ hệ thống, không thể tốt nghiệp đại học?”- TS Lê Trường Tùng đặt câu hỏi.

Còn Giám đốc ĐH Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng thì đề nghị Bộ GD-ĐT cần tạo cơ chế khuyến khích người học vào học các ngành khó thu hút nhưng quan trọng với sự phát triển của đất nước. Ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT kiến nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về phát triển giáo dục đại học.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Thủ đô tiếp sức cùng trẻ em đến trường vào năm học mới

Phụ nữ Thủ đô tiếp sức cùng trẻ em đến trường vào năm học mới

(PNTĐ) - Năm học mới 2023 – 2024 bắt đầu, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô cùng với chính quyền địa phương và nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, qua đó đã hỗ trợ, động viên tiếp sức và tạo điều kiện để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường vượt khó học giỏi.
Trường Tiểu học Ngọc Hà góp yêu thương chia sẻ với những nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Trường Tiểu học Ngọc Hà góp yêu thương chia sẻ với những nạn nhân vụ cháy chung cư mini

(PNTĐ) -Sáng ngày 18/9/2023, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình) dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân đã tử vong trong vụ cháy. Cùng với đó, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thầy cô giáo và  học sinh đã tham gia ủng hộ, quyên góp để hỗ trợ gia đình các nạn nhân.