Nhiều phương thức tuyển sinh đại học gây mất công bằng cho thí sinh?

Nguyễn Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ việc điểm chuẩn “nhảy múa”, trồi sụt, nhiều ngành điểm chuẩn cao chót vót như năm nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh lại phương thức tuyển sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh ở các vùng, miền.

Nhiều phương thức tuyển sinh đại học gây mất công bằng cho thí sinh? - ảnh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 Ảnh: N.M

Cần thay đổi phương thức tuyển sinh để đảm bảo công bằng?
 Nhìn vào bức tranh tuyển sinh năm nay có thể thấy, điểm chuẩn ở nhiều khối ngành có sự biến động, trồi sụt, tăng giảm lên tới hơn 10 điểm. Chẳng hạn ngành Sư phạm lịch sử của trường ĐH Sư phạm 2 có điểm chuẩn tăng tới hơn 13 điểm so với năm ngoái (từ 25,5 năm 2021 lên 38,67 năm nay tính theo thang điểm 40). Trong khi đó, điểm chuẩn nhiều ngành của trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, giảm sâu tới hơn 10 điểm. Một số ngành của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) còn có điểm chuẩn cao “chót vót” như ngành Báo chí với điểm chuẩn cao nhất là 29,95 điểm.

Nhận định về xu hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn “nhảy múa” khó lường, cao vọt ở nhiều ngành là do các trường tuyển sinh nhiều phương thức, chia nhỏ chỉ tiêu. Phương thức này có thể gây mất công bằng cho thí sinh, đặc biệt đối với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ, đánh giá năng lực quốc tế. Bởi những học sinh nông thôn, miền núi, những nơi có điều kiện học tập khó khăn… khó có thể có điều kiện để học chứng chỉ Ngoại ngữ như IELTS, TOEFL.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ (TS) Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết: 2 năm trở lại đây, phong trào học, luyện thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, IELTS xét tuyển đại học nở rộ. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những người có điều kiện và người không có điều kiện. Trong khi đó, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ phản ánh mức độ nhất định về năng lực sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Khi nhập học, nhiều sinh viên mới nhận ra không phù hợp với ngành học, quá trình học bị đuối và có thể bỏ học, chuyển ngành, rất lãng phí cho gia đình, xã hội.

Điều này, theo ông Phương là không ổn. Các trường cần thực sự cân nhắc việc sử dụng chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển và nên tìm những phương thức xét tuyển khác phù hợp hơn.

Đối với phương thức xét học bạ hay tuyển thẳng, theo nhiều chuyên gia cũng có nhiều những bất cập bởi có thể không phản ánh đúng năng lực học sinh, có những gian lận.

Nên mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực, có trung tâm khảo thí độc lập
Để đảm bảo công bằng, TS Lê Đông Phương cho rằng, giải pháp hiện nay là nên mở rộng các kỳ thi đánh giá năng lực. Thực tế, kết quả các kỳ thi này đang dần chứng tỏ độ tin cậy. Để tất cả các học sinh ở các vùng miền đều có thể tham gia được kỳ thi này, Nhà nước, các trường nên có chính sách hỗ trợ thí sinh. Và, có thể tổ chức thi trực tuyến ngay ở địa phương của mình.

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, chỉ những trường ở tốp trên, hoặc có nhu cầu tuyển sinh đặc biệt thì mới phải tổ chức kỳ thi riêng. Và thực tế, nhiều trường ngại, không muốn tổ chức kỳ thi riêng.

Bởi vì để tổ chức một kỳ thi riêng rất tốn kém và không hề đơn giản. Nhiều trường cũng chỉ có thể tổ chức kỳ thi riêng như một tiêu chí phụ, ví dụ, thi năng khiếu… chứ không thể tổ chức thi các môn văn hóa được. Ngoài ra, những trường đại học như Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm mới có đủ năng lực tổ chức những kỳ thi riêng. Còn những trường chuyên ngành, không có đủ giáo viên văn hóa để tổ chức kỳ thi riêng. Trong khi đó, học sinh phổ thông chưa học các môn chuyên ngành, chỉ thi các môn văn hóa.

Thay vào đó, giải pháp bền vững trong tương lai sẽ là thành lập những trung tâm khảo thí độc lập. Có thể xem các trung tâm khảo thí này như một dịch vụ công ích, một năm tổ chức nhiều kỳ thi. Theo đó, bất cứ lúc nào học sinh kết thúc chương trình học hoặc cảm thấy kiến thức chắc chắn thì có thể thi. Nhưng để đảm bảo độ tin cậy, những trung tâm khảo thí này phải được cấp phép, chịu sự giám sát của quản lý Nhà nước, ví dụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Trong trường hợp không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị rút giấy phép.

Những trung tâm này có thể hoàn toàn thay thế cho chức năng của kỳ thi tốt nghiệp trong việc xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học. “Điều cần thiết vẫn phải là có được những trung tâm khảo thí chất lượng và không phải “nở rộ”, mà chỉ 1-2 trung tâm trong cả nước. Và các trường đều có thể dùng kết quả của kỳ thi từ các trung tâm khảo thí để xét tuyển, đặc biệt là các trường tốp dưới”- ông Khuyến nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, trong quy chế tuyển sinh năm 2022, Bộ đã yêu cầu giữa các phương thức, hình thức xét tuyển phải đảm bảo sự công bằng; việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức phải phù hợp và các cơ sở đào tạo phải giải trình được lý do phân bổ chỉ tiêu cũng như quyết định điều kiện trúng tuyển của các phương thức. Ở góc độ quản lý, mặc dù các trường có quyền tự chủ trong việc đưa ra các phương thức xét tuyển nhưng Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tình trạng thí sinh đăng ký nguyện vọng, kết quả trúng tuyển, xác nhận nhập học... Trên cơ sở dữ liệu đó, nếu như các trường có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh hoặc xét tuyển vượt số lượng chỉ tiêu theo quy định thì Bộ có căn cứ và công cụ để điều chỉnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…