Nhiều thí sinh "điểm cao vẫn trượt"

Chia sẻ

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay ở mức cao đã dẫn tới điểm trúng tuyển vào nhiều trường đại học cao hơn các năm trước. Không ít thí sinh có điểm thi 3 môn tổ hợp ở mức khá, giỏi tưởng đã chắc chắn trúng tuyển thì nay đường vào đại học vẫn chông chênh.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học Ngoại thương(ảnh minh họa)Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học Ngoại thương (ảnh minh họa)

Hơn 8 điểm/môn vẫn “ngã ngựa”

Thí sinh N.T ở Hà Nội, đăng ký xét tuyển vào ngành Kinh tế quốc tế trường đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân theo hình thức xét tuyển kết hợp. T có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS đạt 6.5, điểm thi hai môn trong tổ hợp cao nhất được trên 16 điểm, tổng điểm xét tuyển kết hợp của T sau quy đổi đạt trên 38 điểm. Tuy nhiên, theo điểm chuẩn xét tuyển kết hợp vào ngành Kinh tế quốc tế mà trường vừa công bố, T vẫn còn thiếu hơn 4 điểm.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm nay, điểm trúng tuyển vào trường ở các ngành nhìn chung đều tăng so với năm trước từ 1-3 điểm. Trong đó, các ngành top dưới có điểm chuẩn tăng nhiều hơn, ngành đầu bảng tăng ít hơn do điểm trúng tuyển các ngành này đã luôn ở ngưỡng đỉnh. Năm nay, một số ngành của trường có mức điểm trúng tuyển theo phương thức kết hợp cao trên 40 như: Kinh doanh quốc tế (42,50 điểm); Thương mại điện tử (41,25 điểm); Quan hệ công chúng (41,45 điểm). Theo thầy Triệu, không có công thức chung nào về mức điểm trúng tuyển đại học mà phụ thuộc vào mặt bằng điểm thi của các thí sinh hàng năm. Nếu đề thi khó, điểm thi thấp thì điểm chuẩn giảm. Đề thi năm nay ở mức vừa phải, nhiều thí sinh làm được bài dẫn tới điểm chuẩn vào trường cũng cao theo.

Ngày 5/9, trường ĐH Ngoại thương cũng vừa công bố điểm trúng tuyển đối với thí sinh xét tuyển theo phương thức kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, ngành Kinh tế đối ngoại chương trình tiên tiến và chất lượng cao đều có điểm trúng tuyển từ 27 trở lên. Một số ngành như: Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế… có điểm chuẩn từ 26 đến xấp xỉ 27 điểm. Đối với phương thức xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, vào các năm 2018, 2019, điểm trúng tuyển vào một số ngành hot của trường cũng đã ở mức từ 25-trên 26 điểm. Năm nay, do điểm thi tốt nghiệp THPT cao nên dự báo điểm trúng tuyển vào trường theo phương thức này còn cao hơn. Ở một số ngành hot, nhiều khả năng, thí sinh phải đạt điểm khoảng 9 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển.

Năm 2020, ĐH Ngoại Thương tuyển 3.990 chỉ tiêu cho 30 chương trình. Đến nay, trường đã hoàn thành xong việc xét tuyển 50% chỉ tiêu theo các phương thức dành cho thí sinh tham gia kỳ thi HS giỏi quốc gia, thí sinh đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, trường chuyên và phương thức sử dụng chứng chỉ quốc tế. Vì vậy, cuộc chạy đua vào trường theo các phương thức xét tuyển khác sẽ càng khốc liệt hơn.

Theo PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mức điểm 24-25 của năm nay tương đương với mức 21-22 điểm của năm ngoái. Vì vậy, thí sinh cần xét tương quan điểm của mình với mặt bằng chung điểm thi tốt nghiệp THPT thay vì chỉ căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái của các trường đại học để xem xét cơ hội trúng tuyển.

Làm gì nếu chưa trúng tuyển nguyện vọng yêu thích?

Trường ĐH Bách Khoa năm nay tuyển sinh 6.800 chỉ tiêu cho 57 mã ngành đào tạo. Ngoài các phương thức tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD-ĐT và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, trường còn áp dụng xét tuyển thẳng dựa trên các chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ và xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn. ĐH Ngoại thương cũng đưa ra tới 5 phương thức xét tuyển khác nhau. Trong đó, có 2 phương thức xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập và phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, qua đợt xét tuyển đầu tiên, nhiều thí sinh không trúng tuyển theo nguyện vọng 1 mà trúng tuyển theo nguyện vọng 2, 3. Về lý thuyết, các em có thể từ chối nhập học để tiếp tục đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành chưa trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, các em sẽ phải chấp nhận rủi ro có thể vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1, thậm chí trượt tất cả các nguyện vọng. Lời khuyên cho các thí sinh là nếu có điểm thi tổ hợp 3 môn ở mức khá cao thì có thể chờ đợi, ngược lại, hãy nhập học vào trường theo phương thức xét tuyển kết hợp, dù là nguyện vọng 2, 3. Sau khi đã nhập học, các em vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục theo học ngành học yêu thích như thi vào hệ đào tạo chất lượng cao của trường, hoặc sau học kỳ đầu tiên, đăng ký học thêm một bằng đại học khác nếu đủ điều kiện.

Theo TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển kết hợp theo các nguyện vọng 2, 3 vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục học ngành học yêu thích theo nguyện vọng 1. Trong đó, việc đăng ký học hai bằng đại học cũng là một gợi ý tốt.

Đối với các thí sinh đang chờ đợi cơ hội vào đại học theo phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng ban Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội tư vấn, các em nên đối chiếu kết quả thi với điểm chuẩn năm 2019 của ngành đào tạo mà mình đã đăng ký xét tuyển. Nếu mức điểm thi chỉ ngang bằng mức điểm trúng tuyển của năm trước thì khả năng trúng tuyển sẽ thấp, các em nên điều chỉnh lại nguyện vọng.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.