Nhìn lại dấu ấn năm học lịch sử

Chia sẻ

Năm 2020, ngành GD-ĐT Thủ đô đã trải qua một năm với nhiều sự kiện biến động. Mặc dù phải nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch Covid-19, nhưng học sinh Hà Nội vẫn gặt hái được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Học sinh Hà Nội học online trong thời gian nghỉ học tập trung vì dịch Covid-19Học sinh Hà Nội học online trong thời gian nghỉ học tập trung vì dịch Covid-19

Tạo đà triển khai hình thức dạy học mới

Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, ngay sau Tết Nguyên đán, học sinh Hà Nội đã phải tạm dừng việc học tập trung tại trường. Nhưng, với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Sở GD-ĐT Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo triển khai việc dạy học trực tuyến, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến study.hanoi.edu.vn, dạy, học trên truyền hình. Nhờ đó, việc học của học sinh không bị gián đoạn.
Hình thức học “không tập trung” tại trường khi mới triển khai còn nhiều lạ lẫm. Tuy nhiên, sau đó đã được nhiều trường áp dụng hiệu quả, khơi gợi hình thức học mới trong tương lai.

Tại trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoạt động học tập được triển khai dựa trên 3 nền tảng online là group Zalo hoặc Facebook của từng lớp; các lớp học trực tuyến qua trang Facebook NBK Study theo thời gian biểu công bố trên page. Các giáo viên thực hiện bài giảng như một tiết dạy bình thường trên lớp và được phát trực tiếp (live stream) trên trang; hình thức Lớp học trực tuyến qua trang web Schoology.com. Thông qua nền tảng học tập trực tuyến này, học sinh sau khi đăng nhập theo code hệ thống cung cấp có thể tải tài liệu học tập mà giáo viên đăng tải.

Trường phổ thông liên cấp Ngôi sao Hà Nội cũng sử dụng các phần mềm VioEdu và một số ứng dụng như Zoom, Skype, Facetime, Flipgrid… để dạy học online cho khoảng 2.500 học sinh. Theo khung giờ học đã được thông báo, học sinh có thể truy cập vào lớp học để theo dõi bài giảng trực tuyến. Việc điểm danh học sinh vắng mặt được thực hiện như với lớp học truyền thống. Với khối tiểu học, giáo viên gửi phiếu bài tập online cho học sinh hàng ngày, sau đó chấm chữa và theo dõi tiến độ tự học, kết quả, chất lượng học tập tại nhà của các con.

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành là cơ sở giáo dục tiên phong trong áp dụng phương thức dạy học trực tuyến thông qua công cụ Microsoft Office 365. Học sinh vẫn được học đầy đủ các môn Toán, Ngữ văn, thậm chí cả Âm nhạc, Thể dục không khác gì học tập trung tại trường. Nhờ có hình thức trực tuyến, học sinh trường Nguyễn Tất Thành có điều kiện duy trì việc học đều đặn trong suốt thời kỳ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trường cũng hoàn thành chương trình giảng dạy theo tiến độ ngay vào đầu tháng 6 mà không cần phải lùi sang tháng 7.

Có thể thấy, năm 2020, ngành GD-ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp.

Nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

Năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn, Hà Nội vẫn thành lập mới 44 trường ở các cấp học, đồng thời tiếp tục nâng cấp, cải tạo, chống xuống cấp cho các trường trên địa bàn, đảm bảo các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong năm 2020, thành phố đã cấp tổng kinh phí mua sắm tại các đơn vị là 69,3 tỷ đồng, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học cho 79 trường công lập trực thuộc; ngoài ra, mua sắm thiết bị giáo dục thể chất cho trường mầm non công lập các huyện, thị xã, với kinh phí 8,7 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn Hà Nội là 59,1%. Thành phố đã công nhận được 20 trường và phê duyệt Đề án trường chất lượng cao đối với 4 trường phổ thông ở các cấp học. Ngành tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại Trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; Chương trình song bằng Cambridge tại 7 trường THCS trên địa bàn thành phố.

Đây cũng là năm học ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục khẳng định thành tích dạy-học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Hà Nội là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10; có 338 lượt học sinh đạt từ 28,0 điểm, 2.084 lượt học sinh đạt từ 27,0 điểm, 169.915 lượt học sinh có tổng điểm 3 môn theo khối thi đại học đạt từ 15,0 điểm trở lên. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải, với 15 giải Nhất, 44 giải Nhì, 44 giải Ba và 41 giải Khuyến khích. Tại các kỳ thi quốc tế, học sinh Hà Nội đã giành tổng cộng 338 giải và huy chương các loại. Những ngày cuối năm 2020, đội tuyển 8 học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đại diện cho học sinh thành phố Hà Nội tham dự kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn năm 2020 cũng đã đem về tin vui với thành tích giành 5 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng.

Nỗ lực từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới

Bước sang năm 2021, ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới.

Trong đó, sẽ có một số nội dung như tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho HS; Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học theo quy hoạch, nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia...

Bài và ảnh TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.