Cuộc đua vào các trường đại học, cao đẳng:

Nín thở chờ điểm chuẩn

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nếu như danh sách thí sinh trúng tuyển xét sớm đại học bằng các phương thức khác (chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, học bạ, học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế…) đã được công bố, thì từ nay tới ngày 17/9 lại là giai đoạn cao điểm với các thí sinh xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo đánh giá, cuộc chiến “giành suất” vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ cam go, căng thẳng hơn rất nhiều.

Nín thở chờ điểm chuẩn - ảnh 1
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Học viện Ngân hàng Ảnh: HVNH

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm tốt nghiệp, hàng loạt các trường đại học đã thông báo ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn cho 9 tổ hợp xét tuyển của trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 23 điểm. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 20 điểm. Đại học Ngoại thương có mức điểm sàn cao nhất 23,5 điểm. Điểm sàn của Đại học Thương mại dao động trong khoảng từ 13 điểm (tính điểm hai bài thi) đến trên 20 điểm (tính điểm 3 môn thi). Đại học Hoa Sen thông báo ngưỡng điểm sàn xét tuyển dành cho 33 ngành trong khoảng từ 15-18 điểm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh điểm thi tốt nghiệp THPT đạt mức khá giỏi tăng những năm gần đây, điểm trúng tuyển vào các trường sẽ cao hơn nhiều mức điểm sàn. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa, điểm chuẩn năm 2021 của ngành Khoa học máy tính xấp xỉ 29 điểm (thí sinh phải đạt trên 9 và 10 điểm/môn, năm 2020, ngành này có điểm chuẩn 29,04 điểm). Các ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo có mức điểm chuẩn cũng luôn dao động từ 26,85-27 điểm (trung bình 9 điểm/môn). 

Công bố điểm trúng tuyển vào ngày 17/9
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 21/8/2022 đến ngày 17h ngày 28/8/2022, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. 
Từ ngày 4/9 đến 17h ngày 15/9, Bộ GD ĐT thực hiện lọc ảo trên Hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo xác nhận điểm trúng tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
 

Với trường Đại học Ngoại thương, điểm chuẩn luôn cao hơn so với điểm sàn. Năm 2021, điểm chuẩn vào các ngành/chuyên ngành đào tạo dao động từ 24-28,8 điểm (cao hơn điểm sàn từ 1-5,5 điểm). Năm 2020, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành của đại học này rơi vào khoảng từ 27-27,65 điểm.

Năm 2022, xét với phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn, nhất là với trường đại học top đầu điểm chuẩn một số ngành phải từ trên 8 điểm trở lên/môn.

Chẳng hạn như ở khối A, năm 2022 có gần 9.000 thí sinh đạt điểm từ 26-27 điểm, nhiều hơn khoảng 2.000 thí sinh so với năm 2021; có gần 3.000 thí sinh có điểm thi trong ngưỡng từ 27-28 điểm (năm 2021 chỉ có 1.608 thí sinh). Ở mốc điểm gần tuyệt đối và tuyệt đối (29-30 điểm), năm 2022 có tới 58 thí sinh trong khi năm 2021 chỉ có 12 thí sinh.

Ở khối A00, mức điểm phổ biến nằm ở ngưỡng 22,5; với mức điểm khá cũng có khoảng 20.000 thí sinh đạt mức từ khoảng 22-23 điểm.

Tương tự, ở khối C, điểm trung bình khối C00 tăng 1,13 điểm, từ 18,4 điểm năm 2021 lên 19,53 điểm năm 2022. Mức điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 21 điểm, cao hơn năm 2021 là 3 điểm; số điểm bài thi ở mức giỏi từ trên 24 điểm cũng nhiều hơn năm 2021.  

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, do mức điểm năm nay cao, nhất là khối C có môn Lịch sử có điểm thi tốt nên dự báo điểm chuẩn sẽ tăng. 

TS. Lê Đình Nam, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội dự báo, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có thể tăng hơn so với năm 2021 do số thí sinh đạt điểm cao tăng. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lại giảm nên thí sinh sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn.

Vì vậy, lời khuyên cho các thí sinh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là cần cân nhắc số điểm, tham khảo thêm mức điểm chuẩn của các trường các năm trước để điều chỉnh nguyện vọng, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thông thường, với các trường top, ngành hot thí sinh cần đạt cao hơn điểm sàn mà trường công bố từ 4-5 điểm mới có cơ hội trúng tuyển.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới, đồng thời lược bỏ các quy định không còn phù hợp như: Phân loại trường theo định hướng, điều kiện thành lập trường thành viên, quy định bắt buộc hội đồng trường với trường thuộc lực lượng vũ trang, thủ tục mở ngành, phân hiệu, kiểm định… nhằm chuẩn hóa hệ thống, giảm thủ tục và thống nhất quản lí.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.