Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội:

Quyết liệt xử lý các thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử

NGỌC ÁNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 4/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025 với sự tham gia của 201 điểm trưởng điểm thi, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo 30 quận, huyện, thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông tại Hà Nội năm học 2024-2025 sẽ diễn ra từ ngày 8-10/6, với hơn 117.000 học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 công lập, trường chuyên chuyên, hệ song bằng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng; huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ.

Tại hội nghị, cán bộ coi thi được hướng dẫn cách nhận diện và ngăn chặn việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận; hướng dẫn phương án xử lý các tình huống bất thường trong quá trình coi thi như thí sinh bị ốm, thí sinh đến muộn.

Các thiết bị điện tử được sử dụng trong gian lận

Tại Hội nghị, Thượng tá Hà Thị Hằng cho biết, đặc điểm chung của các thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận thi cử đều có hình dạng rất nhỏ gọn và tinh vi, có hình dạng bên ngoài giống như đồ vật thông dụng hoặc được thiết kế nhỏ gọn để gắn vào đồ vật thông thường.  

Chẳng hạn, tai nghe được thiết kế siêu nhỏ (chỉ bằng hạt đậu) và sử dụng kết nối không dây đến thiết bị thu phát để nghe được âm, hay thiết bị thu hình được ngụy trang trong thẻ ATM, cầm lên sẽ dày hơn…

Đặc biệt, máy tính cầm tay là vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi; đồng thời cũng chính là phương tiện mà thí sinh có thể dễ dàng dùng để ngụy trang các thiết bị tinh vi như lỗ mic, lỗ cắm nguồn sạc pin…

Đối với thí sinh, trong phòng thi, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử thường được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử tinh vi như: tai nghe siêu nhỏ liên kết với thiết bị có gắn sim điện thoại hỗ trợ cuộc gọi; hoặc thiết bị được thiết kế ngụy trang dưới nhiều dạng vật dụng (trong thẻ ATM, kính mắt, bút viết, cúc áo…).

Quyết liệt xử lý các thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử - ảnh 1
Một số thiết bị điện tử tinh vi được thí sinh mang vào phòng thi

Những thiết bị này thí sinh cố ý mang vào phòng thi để chụp ảnh, thu âm gửi đề ra ngoài. Khi đó, các đối tượng ở bên ngoài sẽ tiếp nhận, giải đề và gửi vào bên trong phòng thi cho thí sinh gian lận.

Ngoài phòng thi, đối với giáo viên và phụ huynh, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ có thể được sử dụng ở tất cả các khâu của kỳ thi nhằm cố ý can thiệp bất hợp pháp vào hệ thống máy tính; thu thập thông tin về đề thi từ khâu làm đề thi, in sao đề thi, quá trình vận chuyển đề thi, bài thi; đánh tráo bài thi, sửa đổi thông tin, số liệu, điểm thi trong quá trình chấm thi...

Quyết liệt xử lý các thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử - ảnh 2
Thiết bị thu phát được ngụy trang trong máy tính cầm tay.

Những dấu hiệu nhận biết hành vi gian lận

Trước cách thức gian lận thi cử tinh vi, Phó trưởng phòng PA06, CATP Hà Nội đã chỉ ra phương pháp để nhận biết, phát hiện các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật điện tử để gian lận.

Trước hết, là nhận biết, phát hiện thông qua quan sát các đặc điểm của vật dụng. Cán bộ coi thi cần quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của vật dụng để xác định các dấu hiệu bất thường; đảm bảo không có loa, tai nghe, màn hình hiển thị hình anh hay các bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi…)

Thứ hai, những thí sinh gian lận sẽ có những đặc điểm, hành vi khác thường như: Lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên, hay quan sát cán bộ coi thi, mặc áo dài tay, áo nhiều lớp… Đồng thời, những thí sinh này đều có những biểu hiện như lẩm bẩm đọc đề, hay để tay lên mặc, có dấu hiệu chờ đợi đáp án từ bên ngoài, mắt liên tục nhìn vào đồng hồ, nhìn vào tay…

Cán bộ coi thi tại các phòng thi cần đặc biệt chú ý trong việc phát hiện hoạt động, sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi tiêu cực gian lận thi cử.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục