Mùa nhập học:

Sinh viên lao đao trước “bão giá” phòng trọ

Nguyễn Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời điểm đầu năm học mới, giá nhà trọ quanh các trường đại học ở Hà Nội đồng loạt tăng cao đã chất thêm lên vai phụ huynh và sinh viên gánh nặng chi phí học đại học. Khi mà giá cả 3 triệu/phòng được xem là giá… “bình dân”.

Sinh viên lao đao trước “bão giá” phòng trọ - ảnh 1
Sinh viên đăng ký ở tại ký túc xá Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội Ảnh: VNU

Vào đầu năm học mới, khi sinh viên nhập học, giá nhà trọ bắt đầu tăng chóng mặt. Đặc biệt, những khu vực gần các trường đại học (ĐH), giá phòng trọ tăng cao cũng hiếm, không thuê được, khiến sinh viên tìm “mướt mồ hôi”. Theo khảo sát của PV, một số khu vực “hot”, nơi tập trung nhiều trường ĐH như: Cầu Giấy, Xuân Thủy, Trần Thái Tông, Thanh Xuân… giá nhà trọ dao động từ khoảng 3-4 triệu đồng/phòng khép kín. Với những căn đã trang bị đủ nội thất như giường, tủ, quần áo, bếp… giá cao hơn, khoảng từ 4-5 triệu đồng. Giá thuê chung cư mini khoảng 5-7 triệu đồng/căn. Với những phòng trọ có giá rẻ hơn thì ẩm thấp, không đủ tiện nghi, tiện nghi chất lượng kém hoặc xa trường. Thậm chí, xa trên 10km.
Chị Hồng, chủ một nhà trọ cho sinh viên thuê trên đường Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, chị có 3 phòng trọ cho thuê, mỗi phòng 18m2, khép kín, giá là 3 triệu đồng/phòng. Điện nước tính theo giá công tơ hộ gia đình, mỗi tháng tổng hết bao nhiêu 3 phòng chia nhau trả. Theo chị Hồng, giá như nhà chị thuộc loại rẻ bình dân. 

 Anh Nguyễn Văn Hưng, chuyên môi giới nhà (ở Hà Nội) cho biết: Hiện tại, những khu vực sát trường học như khu vực quận Cầu Giấy, Thanh Xuân… giá nhà trọ tăng từ 20-25%. Giá nhà tăng cao, nhưng hầu như các nhà trọ đều kín phòng từ cuối tháng 8. Giá phòng trọ tăng đột biến là do thời điểm đầu năm học mới, sinh viên nhập học, nhu cầu nhà trọ cao, nhất là với những khu vực gần trường
Anh Nguyễn Văn Tiến (Thanh Hóa) đưa con ra nhập học trường ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ, khi con đậu đại học, tiền phòng trọ đã nằm trong kế hoạch chi tiêu của anh dành cho việc học tập của con. Thế nhưng, khi đưa con lên Hà Nội nhập học, anh vẫn bị “choáng” trước giá nhà trọ. Vì số tiền đó với người lao động ở quê như anh là quá lớn.

Nguyễn Hoàng Ngân, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền cho hay, cách đây gần 1 tháng em đã biết mình trúng tuyển theo diện tuyển thẳng. Dù chưa đến thời điểm nhập học, bố và em đã ra Hà Nội tìm phòng trọ vì sợ đầu năm sẽ khó tìm. Tuy nhiên mấy ngày liền hai bố con đi tìm nhưng vẫn không thuê được phòng vì giá cả cao, vượt quá khả năng tài chính. Cuối cùng em phải lựa chọn ở ghép với 3 người bạn để giảm tiền phòng. 

Với những sinh viên eo hẹp về tài chính, ký túc xá (KTX) là một lựa chọn. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có cơ hội được ở ký túc xá bởi những tiêu chí xét ưu tiên. Hầu như ở các trường đại học, đối tượng sinh viên được xét ở KTX thuộc diện chính sách xã hội, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người có công; học sinh, sinh viên khuyết tật; có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; có hộ khẩu thường trú tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha và mẹ; là con hộ nghèo, cận nghèo… 
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài việc sinh viên phải thuộc các đối tượng ưu tiên, thì phải là sinh viên khóa mới mới được đăng ký ở KTX, sinh viên khóa cũ không được xét duyệt do chỗ KTX có hạn, không đủ để đáp ứng hết mọi yêu cầu của sinh viên. KTX trường ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội) cũng chỉ đáp ứng được khoảng 25% chỗ ở cho sinh viên so với quy mô đào tạo. ĐH Quốc gia Hà Nội có 3 KTX gồm Mễ Trì, ĐH Ngoại ngữ, Mỹ Đình 2. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Quốc gia là 13.150. Chỗ ở KTX đáp ứng được gần 13% sinh viên năm thứ nhất.

Ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng ban KTX Mễ Trì cho biết, năm nay, tổng số chỗ ở trong KTX là 1.826 chỗ, dành cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học. Thứ tự xét vào KTX là theo chế độ chính sách, khi hết chế độ chính sách sẽ tới các đối tượng không thuộc ưu tiên. Những sinh viên không thuộc đối tượng ưu tiên, dự đoán trước sẽ khó có cơ hội được xét nên thường đi tìm phòng trọ ngoài. Về giá phòng ở KTX, ông Thắng cho biết, học kỳ này sẽ giữ nguyên, nhưng học kỳ sau có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, hiện đang chờ sự phê duyệt của ĐH Quốc gia Hà Nội.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.