Sinh viên thế hệ Gen Z chọn nơi làm việc

TRANG MINH ANH - LONG NGÂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự chọn lựa địa phương làm việc không chỉ đơn giản là quyết định cá nhân mà còn phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố xã hội, kinh tế và cá nhân. Đặc biệt, với sinh viên thế hệ Gen Z.

Thế hệ Gen Z- nhóm người trẻ tuổi được biết đến với tính cách sáng tạo, năng động và mong muốn xây dựng dấu ấn cá nhân trong sự nghiệp càng sớm càng tốt, quyết định chọn nơi làm việc đang trở thành một trong những quyết định quan trọng đối với tương lai của họ.

Sinh viên Gen Z về quê hương hay ở Hà Nội?

Theo báo cáo của VietnamWorks, gần 40% lao động hiện đang không có việc làm ổn định, trong đó 20% là người đã thôi việc, đang tìm kiếm việc làm mới. Một trong những nguyên nhân chính là môi trường làm việc không phù hợp, không có cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp. 

Điều này cho thấy sự bất đồng giữa nhu cầu và cung cấp lao động trong khối ngành kinh tế. Một khía cạnh quan trọng của vấn đề là chất lượng đào tạo của ngành kinh tế.

Cũng theo khảo sát của VietnamWorks, 27% nhà tuyển dụng cho rằng kỹ năng chuyên môn là yếu tố quan trọng nhất khi tuyển dụng, nhưng chỉ có 16% người lao động tự tin về kỹ năng này.

Sinh viên thế hệ Gen Z chọn nơi làm việc - ảnh 1
Quang cảnh buổi tư vấn ngành học cho sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tại Hà Nội, có 42 trường đại học có ngành kinh tế. Trên thực tế, các yếu tố tác động đến quyết định chọn địa phương làm việc của sinh viên các trường đại học kinh tế trên địa bàn Hà Nội luôn là một đề tài hấp dẫn, có ý nghĩa thực tiễn cao. 

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển kinh tế ở các địa phương đang có nhiều biến động và thách thức. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề này trong bối cảnh của các trường kinh tế tại Hà Nội - một trong những trung tâm học vấn và kinh tế hàng đầu của Việt Nam, việc nghiên cứu và tìm hiểu về những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn địa phương làm việc của sinh viên thế hệ Gen Z vẫn còn nhiều hạn chế và chưa được đào sâu. 

Vấn đề này cũng đang rất được quan tâm trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua giai đoạn suy thoái sau đại dịch Covid-19, khiến người lao động nói chung và các bạn trẻ Gen Z nói riêng gặp khó khăn trong vấn đề tìm việc. 

Đây cũng là thách thức đối với việc phát triển chiến lược tuyển dụng và giữ chân nhân tài trẻ cho các tổ chức và doanh nghiệp trong ngành kinh tế, cũng như đưa ra các chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Việc nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn địa phương làm việc của sinh viên thế hệ Gen Z tại các trường kinh tế trên địa bàn Hà Nội sẽ giúp các tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mong muốn và nhu cầu của thế hệ trẻ. Từ đó xây dựng các chiến lược tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả và phù hợp với môi trường làm việc cục bộ.

Sinh viên thế hệ Gen Z chọn nơi làm việc - ảnh 2
Sơ đồ mô hình nghiên cứu khả năng quyết định lựa chọn địa phương làm việc của sinh viên Gen Z.

Thông qua thu thập dữ liệu từ 475 sinh viên đang học tại các trường đại học kinh tế trên địa bàn Hà Nội bằng hình thức phiếu khảo sát trực tiếp, online, về khả năng lựa chọn nơi làm việc của họ sau khi tốt nghiệp đại học của họ bằng mô hình phân tích khả năng Multinomial Logistic. 

Trong số 475 sinh viên được phỏng vấn, nam chiếm 56,63%, nữ 47,37%, sinh viên năm thứ tư chiếm 40,97%... Các biến quan sát được sử dụng thang đo Likert 5 mức độ (từ hoàn toàn không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý) để đo lường, dữ liệu được phân tích. 

Trả lời phỏng vấn về ý định chọn địa phương làm việc sau khi tốt nghiệp, sinh viên Vũ Thị Huyền Trang, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết: "Sau khi tốt nghiệp, em có dự định làm việc tại Hà Nội. Vì Hà Nội là nơi có nhiều cơ hội để sinh viên tìm được việc làm tốt và phù hợp với định hướng nghề nghiệp".

Sinh viên thế hệ Gen Z chọn nơi làm việc - ảnh 3
 Phỏng vấn sinh viên về lựa chọn địa phương làm việc sau khi tốt nghiệp đại học.

Trong khi đó, sinh viên Hoàng Tuấn Minh, cũng học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lại khẳng định: "Sau khi tốt nghiệp, em có dự định làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc, vì đây là quê hương của em. Em thấy Vĩnh Phúc là một tỉnh đang rất phát triển, có nhiều cơ hội việc làm tốt cho các sinh viên mới ra trường".

Các địa phương "hút" nhân tài trở về

Thông qua việc phân tích, đánh giá, khảo sát thực trạng cho thấy các yếu tố như: Kinh tế, môi trường sống, động lực phát triển bản thân và tâm lý sẽ tác động đến quyết định chọn địa phương làm việc của sinh viên các trường kinh tế trên địa bàn Hà Nội. Với yêu cầu tăng các động cơ kinh tế để phát triển bản thân, sinh viên ưa thích chọn làm viêc tại Hà Nội hơn là ở nơi khác.

Ngược lại, khi sinh viên quan tâm tới động cơ về tâm lý hay môi trường xã hội, thì sẽ yêu thích về quê, hoặc sẽ đến một địa phương khác làm việc. Điều này cho thấy các nhân tố về kinh tế ảnh hưởng nhiều đến quyết định lựa chọn địa phương làm việc của các sinh viên sau tốt nghiệp. 

Đáng chú ý, sinh viên Gen Z thường có xu hướng cạnh tranh cho những công việc có mức lương, thưởng và phúc lợi tốt sau khi tốt nghiệp đại học, trong khi Hà Nội là khu vực kinh tế đầu não của miền Bắc, là nơi phù hợp để đạt được mong muốn của họ. 

Hà Nội cũng là nơi có cơ sở vật chất hiện đại, trình độ cạnh tranh việc làm ở mức hàng đầu cả nước, phù hợp để các bạn sinh viên trau dồi kĩ năng, xây dựng hình ảnh và phát triển nghề nghiệp.

Từ kết quả phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng quyết định lựa chọn nơi làm việc của sinh viên thế hệ Gen Z tại các trường kinh tế trên địa bàn Hà Nội, có những giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích sinh viên chọn địa phương làm việc phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của họ.

Cụ thể như: Về mặt kinh tế, đây là nhóm yếu tố tác động rất lớn, nên giải pháp quan trọng nhất là tăng cường và mở rộng cơ hội việc làm cho mỗi sinh viên. 

Để làm được điều này, mỗi sinh viên cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, luôn có khả năng nắm bắt cơ hội việc làm, không phải khó khăn vất vả tìm kiếm công việc, mà để công việc tự tìm đến mình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại các địa phương không chỉ cần trả mức lương cạnh tranh, công bằng, còn cần có chế độ phúc lợi xã hội tốt, tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo, đề cao tinh thần đồng đội và quan tâm đến đời sống tinh thần cho nhân viên; có lộ trình thăng tiến rõ ràng, cung cấp các cơ hội đào tạo, phát triển kỹ năng và khuyến khích sáng tạo, đổi mới trong công việc. 

Đồng thời, các địa phương cũng cần có chính sách lương thưởng hợp lý, để giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh và an toàn với mục đích thu hút nguồn lao động từ các thành phố lớn đổ về.

Các địa phương cần khuyến khích các doanh nghiệp làm việc tại địa phương có chính sách tuyển dụng và làm việc hợp lý, từ đó làm tiền đề để thu hút nguồn lao động trẻ đầy tài năng và khát vọng tới với các địa phương phát triển sự nghiệp.

Ngoài ra, về mặt tâm lý, ý kiến của gia đình và xã hội là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định làm việc của sinh viên lựa chọn làm việc tại Hà Nội, hay về quê vì muốn gần gũi gia đình. 

Vì vậy, gia đình, bạn bè và xã hội là những cấu thành quan trọng để một cá nhân đưa ra quyết định nơi làm việc, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục