Thu học phí dạy online: Mong mạnh tình và lý

Chia sẻ

Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hình thức dạy học trực tuyến đã trở nên phổ biến. Nhưng đây cũng là lúc xảy ra hàng loạt xung đột giữa nhà trường và cha mẹ học sinh liên quan đến mức thu học phí bao nhiêu là đủ. Trong khi đó, vẫn chưa có một văn bản nào làm “trọng tài” để phân định đúng, sai trong mức thu này.

Hiện nay, mức thu học phí online vẫn dựa trên thỏa thuận của nhà trường và cha mẹ học sinhHiện nay, mức thu học phí online vẫn dựa trên thỏa thuận của nhà trường và cha mẹ học sinh (Ảnh: ảnh minh họa)

Khi phụ huynh “tố” trường

Ngay trước thềm năm học mới 2021-2022, mới đây, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT FPT đã gửi đơn kêu cứu vì cách trường tính học phí trực tuyến được cho là không thỏa đáng. Cụ thể, theo thông báo của nhà trường về việc hoàn các khoản phí do dịch Covid-19 cuối năm học 2020-2021, trường đã ghép học phí và phí hoạt động ngoại khóa vào 1 mục để hoàn trả trong khi theo các phụ huynh học sinh, 2 mục này có tính chất hoàn toàn khác nhau nên phải hoàn trả theo các tỷ lệ khác nhau. Phụ huynh trường THPT FPT đề nghị nhà trường phải hoàn trả phần học phí 30% học online và 100% phí thời gian không học. Bên cạnh đó, việc nhà trường tính thời gian để hoàn trả các dịch vụ như ô tô buýt, phòng ở ký túc xá trong thời gian học sinh học online 2 tháng cũng là chưa đúng vì thực tế học sinh đã nghỉ ở nhà 2 tháng rưỡi.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh xung quanh việc tính các khoản phí dạy trực tuyến. Tháng 5 năm 2020, hơn 200 gia đình học sinh trường quốc tế Việt Úc đã tới trường của con em mình, giăng biểu ngữ để phản đối mức thu học 30% phí dạy online (20-40 triệu đồng). Theo các phụ huynh học sinh, họ đồng ý chia sẽ khó khăn với nhà trường, nhưng mức thu này là không hợp lý.

Bước sang năm học 2021-2022, nhiều trường ngoài công lập đã đưa ra các mức giảm học dạy trực tuyến. Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh phát đi thông báo trong thời gian học trực tuyến (bắt đầu từ tháng 7) sẽ thu học phí trực tuyến bằng 75% so với học trực tiếp. Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội đã thông báo mức học phí học trực tuyến bằng 75% mức học phí học trực tiếp. Theo đó, thời gian học trực tuyến, nhà trường thu 75% học phí, áp dụng theo từng tuần, tháng.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh cho rằng, dạy học trực tuyến nhà trường không mất tiền cơ sở vật chất, điện, nước, tiền vệ sinh, vận hành… nên mức thu này của nhiều trường vẫn cao.

Trong khi gia đình học sinh phản đối mức thu phí online thì nhà trường cũng có lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Hiệu trưởng một trường ngoài công lập để có thể dạy học trực tuyến, trường vẫn phải đầu tư một khoản tiền lớn cho dạy online, đầu tư phần mềm, nâng cao hệ thống mạng giáo viên phải bỏ công thiết kế bài giảng còn các học sinh vẫn được học đúng, đủ chương trình như học trực tiếp. Vì vậy, nếu nói chi phí dạy online thấp, nhà trường không phải đầu tư so với dạy trực tiếp là không đúng.

Không có quy định mức thu

Theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh; Thực hiện việc thu học phí đối với tháng đi học bù, đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm; Đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm. Đối với các trường quốc tế và trường tư thục, việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.

Tuy nhiên, các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa. Vì vậy việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu thêm học phí. Đồng thời, các trường phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh, sinh viên trước khi triển khai.

Mới đây, trước thềm năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, Bộ đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh HS trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.

Như vậy có thể thấy, đến nay, vẫn không có một văn bản nào quy định mức thu học phí trực tuyến. Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, những tranh cãi về mức thu học phí dạy trực tuyến chủ yếu xảy ra tại các trường ngoài công lập. Do không có quy định cụ thể nên các khoản thu chỉ có thể dựa trên sự thỏa thuận của cha mẹ học sinh và nhà trường. Vì vậy, nhà trường và cha mẹ học sinh cần tìm ra tiếng nói chung trên tinh thần chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau. Để tránh xung đột giữa trường và phụ huynh học sinh, nhà trường nên công khai phương án dạy học online, công khai rõ ràng cánh tính "học phí online" tới phụ huynh học sinh.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.