Liên kết đào tạo nhà trường - doanh nghiệp:

Tránh tình trạng “đường ai nấy đi”

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trường đại học và doanh nghiệp rất cần có sự hợp tác trong đào tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã chỉ ra hiện nay, trường đại học và doanh nghiệp vẫn đang “đường ai nấy đi”. Trường cứ đào tạo, còn doanh nghiệp cho rằng đằng nào cũng có đầu ra để tuyển dụng nên không cần hợp tác với trường.

Tránh tình trạng “đường ai nấy đi” - ảnh 1
Sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam Ảnh: HV

Số ít trường làm tốt công tác liên kết đào tạo
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh việc hợp tác đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp là rất quan trọng. Theo đó, trường Đại học Nông Lâm TP. HCM hiện có quan hệ hợp tác chặt chẽ với hầu hết các trường, viện và công ty hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp như: Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, Viện Nghiên cứu cao su, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam… Từ năm 2007 đến nay, Trường đã nhận được 593 cá nhân và doanh nghiệp tài trợ học bổng với tổng số tiền 45 tỷ đồng cho 10.600 sinh viên, 150 doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập, 336 doanh nghiệp tham gia chương trình ngày hội việc làm và 240 đơn vị tham gia chia sẻ trong các chương trình giao lưu, tập huấn kỹ năng, tổ chức hơn 670 đợt hội thảo giao lưu doanh nghiệp và tập huấn kỹ năng… 
TS Lý dẫn chứng một điển hình hợp tác thành công giữa trường và doanh nghiệp Cỏ May. Ngoài việc bỏ kinh phí 43 tỷ đồng để xây ký túc xá cho sinh viên trên đất của nhà trường, mỗi năm Cỏ May còn chi thêm 15 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho sinh viên nghèo. Hiện nay đã có khoảng 400 sinh viên nghèo trên địa bàn TP Hồ Chí

Minh được nhận khoản trợ giúp này. 
Tuy nhiên, TS Trần Đình Lý cũng chỉ ra những mặt còn chưa được trong hợp tác với doanh nghiệp như nhà trường và doanh nghiệp mới chỉ tham gia quản lý sinh viên thực tập, tuyển dụng sinh viên ra trường hoặc một số ít doanh nghiệp, có một số chương trình đào tạo ngắn hạn tại trường. Một số nội dung hợp tác khác như doanh nghiệp phối hợp với trường xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo hoặc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; doanh nghiệp phối hợp với trường xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng sinh viên… vẫn chưa được hai bên chú trọng. 

Theo ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, hiện nay, đã có khoảng 90% trường đại học có hoạt động liên kết với các doanh nghiệp. Tuy nhiên số làm tốt công tác hợp tác này còn chiếm tỷ lệ nhỏ như hai Đại học Quốc gia, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và một số đại học tư thục Cần Thơ, Duy Tân… Ông Nghệ cho biết, nhiều doanh  nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn có tâm lý tập trung giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trước, còn việc hợp tác thì “để sau cũng được”. 

Đồng quan điểm theo TS Lê Trường Tùng, trường Đại học FPT, hiện nay, có trường làm rất tốt mối quan hệ với doanh nghiệp, nhưng có trường thì vẫn cố thủ trong “tháp ngà”. Doanh nghiệp ở ngoài tháp thì cho rằng, đằng nào cũng có đầu ra để tuyển dụng nên liên kết với trường cũng được, mà không liên kết cũng chẳng sao.

Phải có cơ chế bắt buộc liên kết đào tạo
Là trường đại học nằm trong doanh nghiệp nên FPT khá thuận lợi trong việc liên kết đào tạo. TS Lê Trường Tùng chia sẻ, FPT đang triển khai quy định sau 5 học kỳ học tại trường, sinh viên sẽ có 1 học kỳ doanh nghiệp. Vì vậy, ngành nào cũng phải bắt buộc tìm kiếm doanh nghiệp để gửi sinh viên tới thực tập. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng “giảng viên nói được nhưng không làm được” và “doanh nghiệp làm được nhưng không dạy được”, các giáo viên ở Đại học FPT cũng phải về doanh nghiệp làm việc và doanh nghiệp cũng phải tham gia giảng dạy ở Đại học FPT. Từ thực tiễn triển khai đó, TS Lê Trường Tùng cho rằng, nên chăng, phải có chính sách “ép buộc” liên kết đào tạo để cả trường và doanh nghiệp phải thực hiện. 

Một bất cập khác là trong  khi Luật Giáo dục Đại học hiện đã có quy định là “đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp…” thì Luật Doanh nghiệp lại quy định giảng viên không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Quang Linh, nguyên Giám đốc Đại học Huế, thầy không có doanh nghiệp mà vẫn giảng dạy kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng “chỉ nghe thầy nói, đừng nhìn thầy làm”. “Thầy dạy về nông nghiệp nhưng nuôi heo heo chết, nuôi cua cua chết thì dạy được cho ai?”- ông Linh đặt câu hỏi. Theo ông Linh, chúng ta cần đồng bộ cả về chính sách để thúc đẩy việc hợp tác liên kết đào tạo.

Theo TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần xây dựng mô hình ba nhà (tức là mô hình trong đó nhà nước xây dựng cơ chế chính sách để nhà trường và doanh nghiệp vừa vẫn phát huy sứ mệnh vừa có thêm chức năng mới là sản xuất và kinh doanh đối với nhà trường, giáo dục và đào tạo đối với doanh nghiệp). Khi đó, mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trở nên bên chặt, đôi bên cùng có lợi. 

Theo TS Tiến, Nhà nước phải đóng vai trò bà đỡ cho sự gắn kết, hợp tác và cộng tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tiềm lực khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều yếu kém nên sự hợp tác này cho đến nay mới chỉ mang tính một chiều, không bền vững, chủ yếu là nhà trường tìm đến doanh nghiệp trong nỗ lực gắn đào tạo với sử dụng. Để tiến tới sự hợp tác hai chiều và bền vũng, việc phát triển từ đại học nghiên cứu lên đại học sáng nghiệp là cần thiết.

 Theo hướng này, từ hơn 10 năm nay, mô hình vườn ươm doanh nghiệp đã được chú trọng xây dựng tại một số cơ sở giáo dục đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, FPT… Tuy nhiên tốc độ triển khai xây dựng các vườn ươm này thường chậm so với kế hoạch vì chưa có đủ mạng lưới chuyên gia, dịch vụ chuyên nghiệp cùng hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác ươm tạo; hiệu quả hoạt động vì thế còn rất hạn chế. Vì thế, cần hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của đại học sáng nghiệp. 

TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng hiện nay, sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm phù hợp, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng cần phải đào tạo bổ sung, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, sự mất cân đối về nhân lực ở các lĩnh vực ngành nghề… dẫn đến thực trạng doanh nghiệp không tuyển đủ ứng viên có năng lực phù hợp, đáp ứng với văn hóa và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của trường, thì các doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ hơn nữa về vai trò, trách nhiệm đóng góp của mình trong việc đào tạo. Bên cạnh đó, nhà nước cần có các chính sách miễn giảm thuế theo lộ trình, theo cấp độ hoặc những ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp có sự gắn kết, phối hợp đào tạo với trường đại học.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.