Dự thảo Thông tư mới về chọn sách giáo khoa:
Trao quyền cho giáo viên và nhà trường
(PNTĐ) - Quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) sẽ được giao cho giáo viên và nhà trường thay vì thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh/thành như trước đây. Đó là điểm mới tại dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 20/12/2023.
Nguyên tắc, quy trình lựa chọn SGK
Theo dự thảo thông tư mới, việc lựa chọn SGK sẽ dựa trên 3 nguyên tắc. Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông GDPT. Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục (gọi chung là môn học) ở mỗi lớp lựa chọn 1 SGK. Thứ ba, việc lựa chọn SGK đảm bảo thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Cùng với đó, tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT).
Một trong những điểm mới của dự thảo thông tư lần này là Hội đồng lựa chọn SGK sẽ là ở các cơ sở GDPT do Hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi chung là người đứng đầu cơ sở GDPT) thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.
Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn); đại diện giáo viên; đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Người đã tham gia biên soạn SGK, hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK, và người làm việc ở các NXB, các tổ chức có SGK không được tham gia Hội đồng.
Quy trình lựa chọn SGK như sau: Bước 1, Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SGK của cơ sở GDPT, phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng. Bước 2, tổ chức lựa chọn SGK, căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn SGK, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn SKG cho từng môn học được cơ cấu trong tổ, báo cáo người đứng đầu cơ sở GDPT trước khi thực hiện; tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở GDPT tham gia lựa chọn SGK của môn học đó. Sau đó, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp các giáo viên để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 SGK cho môn học; tổng hợp kết quả, lập danh mục SGK do tổ chuyên môn lựa chọn.
Bước 3, Hội đồng họp thảo luận, đánh giá việc tổ chức lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn, tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn thành biên bản… Bước 4, Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở GDPT danh mục SGK đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định tại Thông tư này. Bước 5, cơ sở GDPT lập hồ sơ lựa chọn SGK gửi về phòng GD-ĐT (đối với cấp tiểu học và THCS), sở GD-ĐT (đối với cấp THPT).
Căn cứ vào kết quả lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT do Sở GD-ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT tại địa phương.
Trao đổi với báo chí về lý do sửa đổi quy định lựa chọn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, qua theo dõi cũng như phản ánh của các địa phương và nhà trường, khi các giáo viên, tổ trưởng tổ chuyên môn, nhà trường đề xuất lên Hội đồng cấp tỉnh, và khi Hội đồng cấp tỉnh thảo luận bỏ phiếu có một số cuốn SGK do các cơ sở GDPT trong địa bàn đó đã đề xuất lựa chọn nhưng lại không được Hội đồng bỏ phiếu lựa chọn. Việc này dẫn tới cơ sở giáo dục đó sẽ phải lựa chọn lại trên danh sách mà UBND các tỉnh đã phê duyệt. Chính vì vậy, quyền lựa chọn của giáo viên ở trong các nhà trường chưa được đảm bảo. Để đảm bảo đúng tinh thần chuyên môn, trao quyền lựa chọn SGK cho chính các thầy cô, những người trực tiếp giảng dạy, Bộ đã dự thảo sửa đổi Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 25).
Tăng trách nhiệm lựa chọn sách cho giáo viên
Với chủ trương một chương trình, nhiều SGK, bỏ độc quyền xuất bản, chương trình GDPT năm 2018 hiện có 3 bộ sách là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Các giáo viên, nhà trường có thể chỉ chọn 1 bộ, hoặc có thể chọn sách từ cả 3 bộ để dạy cho học sinh.
Với quy định mới tại dự thảo Thông tư đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, theo ông Thành sẽ tăng trách nhiệm và quyền hạn cho giáo viên, bản thân các thầy cô trong tổ chuyên môn đó sẽ quyết định lựa chọn SGK nào cho môn học. Bản thân nhà trường thành lập Hội đồng lựa chọn SGK thì vai trò của Hội đồng cũng chỉ đóng vai trò thẩm định lại quy trình tổ chức lựa chọn của tổ chuyên môn, chứ không phải quyền lựa chọn của Hội đồng cấp trường. Tương tự lên tới các phòng GD-ĐT, các sở GD-ĐT chỉ có vai trò rà soát quy trình lựa chọn SGK từ tổ chuyên môn, đến các nhà trường. Nếu đúng quy định theo thông tư thì sẽ phê duyệt. Và thẩm quyền phê duyệt cuối là Hội đồng cấp tỉnh.
Nhiều giáo viên cho biết họ ủng hộ quy định trao quyền cho giáo viên và nhà trường trong việc lựa chọn SGK. Vì như thế sẽ sát với thực tiễn dạy và học hơn. Cô giáo Cao Hương Giang - Trường THPT Trương Định, Tân Mai, Hà Nội cho biết, việc trao quyền cho giáo viên và nhà trường được lựa chọn SGK là rất tốt, vì sẽ sát sao và thực tế hơn. Theo đó, giáo viên được chủ động hơn, sách được chọn cũng phù hợp cho học sinh của mình.
Cùng quan điểm, cô giáo Lê Thanh Minh - Trường THCS Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết rất ủng hộ, bởi việc trao quyền chọn SGK cho các nhà trường là cần thiết, phù hợp và thuận lợi. Vì nhà trường, tổ nhóm chuyên môn sát nhất với chương trình và hiểu học sinh của mình để có thể nhìn ra điểm mạnh, yếu, tính phù hợp của từng loại sách với mong muốn thuận lợi cho cả người dạy và người học.
Hiện nay, tại Hà Nội, quy định chọn sách đã thực hiện theo Thông tư 25, theo đó, giáo viên và phụ huynh cũng được lấy ý kiến. Do đó, việc trao quyền lựa chọn SGK theo dự thảo thông tư mới thực chất là không mới. Nó chỉ cụ thể hóa và trao quyền hạn lớn hơn cho nhà trường và giáo viên.
Bà Trần Thị Thanh Từng, đại diện Phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: Thực ra, việc lựa chọn SGK vẫn đang trao quyền lựa chọn cho các nhà trường. Vì từ trước đến nay, thực hiện văn bản chỉ đạo các cấp thì các nhà trường vẫn làm theo quy trình này khi lựa chọn SGK. Ví dụ ở quận Ba Đình, các trường sẽ xây dựng kế hoạch, sau đó thành lập Hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường để lựa chọn bộ SGK (thành phần có cả Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường). Giao các tổ/nhóm chuyên môn sẽ nghiên cứu các bộ sách (3 bộ sách theo chương trình mới).
Trên cơ sở nghiên cứu, các tổ/nhóm chuyên môn sẽ đưa ra kết luận, đề xuất lựa chọn bộ sách nào cho phù hợp. Cùng với đó, nhà trường cũng sẽ công khai sự lựa chọn bộ sách đó tới phụ huynh học sinh. Sau đó, các nhà trường sẽ gửi đề xuất về phương án lựa chọn SGK về phòng GD-ĐT báo cáo sở GD-ĐT. Như vậy, về bản chất, việc trao quyền cho các nhà trường, giáo viên lựa chọn SGK để dạy không có gì mới. Dự thảo lần này chỉ làm rõ hơn sự trao quyền đó. Những bộ sách không được lựa chọn, vẫn có thể làm kênh tham khảo, tài liệu dạy, học cho giáo viên và học sinh. Nhà trường trang bị đầy đủ các bộ SGK tại thư viện để tiện cho giáo viên, học sinh nghiên cứu, học tập chứ không hẳn không chọn là không sử dụng đến.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khăn trước việc lựa chọn nhiều bộ GSK hiện nay sẽ có nhiều bộ sách, và rất bất cập khi học sinh chuyển trường; các nội dung trong các chương trình không đồng bộ rất khó cho cả người dạy và người học. Cùng với đó, tuy quyền lựa chọn đưa về các nhà trường, nhưng cũng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát để đảm bảo không xảy ra tiêu cực khi chọn sách.