Quản lý cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập:

Vẫn nhiều khoảng trống

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong bối cảnh Hà Nội đang quá tải trường học, đặc biệt với cấp mầm non thì hệ thống cơ sở giáo dục mầm non độc lập và tư thục có vai trò rất lớn trong việc giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập, đáp ứng nhu cầu của các gia đình có trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc quản lý, nâng cao chất lượng cùng các chính sách hỗ trợ các cơ sở mầm non tư thục và nhóm trẻ độc lập này lại cho thấy còn nhiều bất cập.

Vẫn nhiều khoảng trống - ảnh 1
Công an làm việc với cô giáo P.T.G. tại nhóm trẻ tư thục mầm non Elm School (Đà Nẵng) để xác minh hành vi bỏ đói, bạo hành trẻ tại đây bị đưa ra công luận ngày 3/10
Ảnh: NLD

Nhu cầu cấp thiết
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến, anh Lê Đình Quân đều là công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, có hai con đang ở tuổi đi trẻ và học mầm non (con gái 4 tuổi, con trai 1 tuổi). Hai vợ chồng thuê trọ tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, do không có hộ khẩu Hà Nội nên khó khăn trong việc gửi con vào các cơ sở mầm non công lập, anh chị phải gửi con vào cơ sở mầm non tư thục. Chị Yến cho biết, nhà neo người, ông bà nội ngoại sống xa, chẳng thể lên phố đỡ đần các con trông cháu. Do vậy, cả hai đứa con hết thời gian mẹ ở cữ đi làm trở lại là được mẹ gửi đến nhóm trẻ tư thục của một người quen. Nhóm trẻ này có hai người trông 4 cháu. Chị Yến gửi con từ lúc 7 tháng tuổi cho tới 2 tuổi thì chuyển sang một cơ sở mầm non tư thục khác để con được “dạy dỗ” theo trường lớp hơn. 

Khác với chị Yến, dù có hộ khẩu ở Hà Nội, con cái thuộc đối tượng được vào học trường công lập đúng tuyến, thế nhưng chị Nguyễn Thị Trà (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) vẫn phải đưa con đến gửi tại nhóm trẻ mầm non tư thục. Chị Trà là một trong những bậc phụ huynh nằm trong diện bốc thăm trượt suất học mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt vừa qua. Trường công không đủ đáp ứng thì phải vào cơ sở tư thục, đây là nhu cầu tất yếu và không còn sự lựa chọn nào khác đối với gia đình chị khi con đã đến tuổi đi học. Cũng may, ở nơi chị sinh sống có rất nhiều cơ sở mầm non tư thục để gửi con. Chỉ có điều, chi phí cho con học tư thục “đắt đỏ” gấp nhiều lần so với trường công lập. 

Với chị Trà, chị Yến và nhiều lao động tại các khu công nghiệp, sự tồn tại của các nhóm trẻ gia đình độc lập và cơ sở mầm non tư thục là một giải pháp thiết thực trong việc giải quyết vấn đề gửi con để đi làm. Thực tế cho thấy, sự tồn tại và phát triển của hệ thống nhóm trẻ gia đình độc lập và nhóm trẻ mầm non tư thục dưới 7 trẻ đang giải quyết nhu cầu cho cả bên cung lẫn bên cầu. Bên cung xem việc trông giữ trẻ như một “nghề” để kiếm thêm thu nhập, còn bên cầu thì giải quyết được vấn đề gửi con để đi làm. 

Ông Lê Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) thừa nhận thực trạng này trên địa bàn thị trấn đang có khu công nghiệp hoạt động. Theo ông Hưng, hiện có một bộ phận ông, bà vẫn còn sức khỏe để trông giữ cháu mình và họ nhận trông thêm 1, 2 cháu là con của công nhân làm ở khu công nghiệp Quang Minh để tạo thêm thu nhập. Đa số trẻ được gửi trong các nhóm trẻ gia đình từ 6-24 tháng tuổi. 

Bất cập trong quản lý và hỗ trợ chính sách
Hà Nội là một trong những đô thị lớn chịu áp lực về tốc độ gia tăng dân số trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 525.000 trẻ theo học; trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%. Với sự quá tải hệ thống giáo dục công lập đang trở thành bài toán khó đối với các cấp chính quyền. Đây cũng là điều kiện để hệ thống mầm non tư thục phát triển, giải quyết nhu cầu cấp thiết về trông giữ, giáo dục trẻ mầm non của xã hội. 

Bà Đinh Thị Bích Thủy, Phó trưởng Phòng Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn 8 quận, huyện (gồm: Quận Long Biên, Bắc Từ Liêm, huyện Sóc Sơn, Mê Linh; Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất) với khoảng 165 nghìn lao động. Khoảng trên 50% số lao động là người ở các tỉnh khác về làm việc và tạm trú tại Hà Nội. Số lượng cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn 8 quận, huyện có KCN, KCX là: 336 trường mầm non, trong đó có 242 trường công lập, 94 trường tư thục và 676 cơ sở giáo dục độc lập với số lượng trẻ đi học là: 139.221 trẻ. Số lượng cơ sở GDMN trên địa bàn xã có KCN, KCX có 103 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Nhìn vào thực tế, hệ thống mầm non tư thục và nhóm trẻ độc lập đang có vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết nhu cầu quá tải trường lớp mầm non hiện nay của Hà Nội. Tuy nhiên việc quản lý cũng như các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở này lại còn nhiều hạn chế, bất cập. 

Chị Bùi Thị Quyên, chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Ngôi nhà của Gấu bông (Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) cho biết, cơ sở của chị thành lập vào năm 2011, hiện có 6 cô và 50 trẻ. Trong quá trình hoạt động, những nhóm trẻ tư thục gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như vừa qua. Giáo viên ở các cơ sở tư thục không được hỗ trợ như giáo viên công lập. Việc tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cũng rất ít, không được đưa vào diện được hưởng những chính sách đào tạo như hệ thống công lập. Vấn đề vay vốn đầu tư cũng gặp khó khăn vì không có quyết định cấp phép từ cấp trên nên bị hạn chế vay. Đối với cơ sở vật chất, cấp quản lý yêu cầu phải đáp ứng điều kiện phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, do nhà đi thuê, chủ nhà không đồng ý cho cải tạo, sửa chữa theo yêu cầu của cơ sở mầm non nên không thể đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Theo chị Ngô Thị Thu Hường, chủ nhóm trẻ Gấu Misa (Mê Linh), hiện nay giáo viên và học sinh tại các cơ sở mầm non tư thục và nhóm trẻ độc lập vẫn còn “nằm ngoài” các chính sách của Nhà nước. Đó là giáo viên không được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, trẻ mầm non tư thục không được hỗ trợ học phí, hỗ trợ đồ dùng học tập, đồ chơi như trẻ học tại mầm non công lập. 

Về cấp độ quản lý Nhà nước đối với các nhóm trẻ tư thục, ông Đinh Quang Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết: Đối với các nhóm trẻ gia đình độc lập từ 2-3 trẻ hiện nay tồn tại nhiều nhưng chính quyền địa phương chưa có chế tài để quản lý vì không được cấp phép. Đây cũng là bất cập mà ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh băn khoăn về độ đảm bảo an toàn cho trẻ tại các nhóm trẻ này. Bởi theo ông Hưng, người trông giữ trẻ tại các nhóm trẻ đa số đều là người lớn tuổi, hoặc người không có chuyên môn, nghiệp vụ trông giữ trẻ. Đa số đều trông giữ trẻ theo “kinh nghiệm”, nếu xảy ra sự cố rất khó để giải quyết đảm bảo an toàn cho trẻ. Đó là chưa kể tình huống thiếu kỹ năng trông trẻ dẫn tới hành vi bạo hành trẻ.

Thực tế thời gian qua, những trường hợp trẻ bị bạo hành tại các nhóm trẻ tư thục, độc lập đã diễn ra không ít khiến dư luận bức xúc. Đây cũng là bất cập mà các cấp quản lý cần “với tới” để đảm bảo an toàn cho trẻ trong các nhóm trẻ từ 7 trẻ trở xuống. Đồng thời có những cơ chế chính sách để hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập, cơ sở mầm non tư thục đã và đang góp phần tham gia, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

Để không rơi vào cảnh đỗ thành trượt

(PNTĐ) - Thời điểm này, nhiều trường đại học đã bắt đầu triển khai thực hiện xét tuyển sớm đại học. Theo đó, nhiều học sinh dù chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã có đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ... Tuy nhiên, nếu không cẩn thận những học sinh này cũng có thể rơi vào cảnh đỗ thành trượt.
Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

Học sinh Hà Nội giành 2 giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia

(PNTĐ) - Trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024), tại tỉnh Bắc Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024. Kết quả tại cuộc thi này, học sinh thành phố Hà Nội đã xuất sắc giành 2 giải Nhất, 1 giải Ba.