Vừa dạy, vừa “vượt chướng ngại vật”

Chia sẻ

Từ năm học 2021-2022, với tâm thế sẵn sàng đổi mới, các trường tiểu học, THCS bắt tay triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với khối lớp 2 và khối lớp 6. Tuy nhiên, năm học mới còn khoảng 4 tháng nữa tới khai giảng, bên cạnh mặt thuận lợi, quá trình triển khai vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô tại các trường trên nhiều địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Bài 1: Còn đó nỗi lo thiếu giáo viên

Giáo viên là lực lượng đóng vai trò then chốt, góp phần quyết định chất lượng giáo dục và sự thành bại của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Song, dù chưa tới thời điểm áp dụng chương trình - SGK mới, tại nhiều trường học ở Hà Nội, giáo viên vẫn đang phải dạy chéo môn do thiếu giáo viên. 

Một tiết dạy học tại trường THCS Văn Yên, Hà Đông, Hà NộiMột tiết dạy học tại trường THCS Văn Yên, Hà Đông, Hà Nội

Trường THCS Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai hiện cũng đang gặp khó khăn về giáo viênTrường THCS Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai hiện cũng đang gặp khó khăn về giáo viên

Thiếu trầm trọng giáo viên bộ môn

Năm học này, theo quy định, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường THCS Xuân La, quận Tây Hồ phải là 72 người, nhưng, hiện con số này mới chỉ đạt 56. Do nằm trên địa bàn đang phát triển, trong vòng 2-3 năm gần đây, số học sinh lớp 6 vào trường trung bình tăng khoảng 2-3 lớp. Quy mô học sinh tăng, dẫn tới số lớp cũng tăng theo. Tuy nhiên, số giáo viên lại vẫn “dậm chân tại chỗ”. 2, 3 năm trước, trường chỉ có 23 lớp thì nay đã tăng thêm 7 lớp nữa mà số giáo viên vẫn giữ nguyên (56 người). Giáo viên thiếu ngay từ đầu vào ở một số môn đặc thù như: Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Sinh học, Địa lý, Công nghệ… Hiện nay, một số giáo viên của trường đang phải dạy chéo môn như Công nghệ, Giáo dục công dân, nhưng sắp tới, đây lại là hai môn chính trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo cô giáo Trần Thị Mỹ Lâm, Hiệu trưởng trường, THCS Xuân La, số lượng giáo viên dạy chương trình cũ còn thiếu thì từ năm học tới, chương trình mới lại có thêm một số môn học bắt buộc như môn Tin học và hoạt động trải nghiệm. Hiện nhà trường mới có 1 giáo viên dạy tin học nhưng khi Tin học trở thành môn học bắt buộc, trường sẽ cần thêm 1 giáo viên nữa. Đối với hoạt động trải nghiệm, hiện trường không có giáo viên chuyên biệt. Việc tìm giáo viên có trình độ, phù hợp để giảng dạy môn học này cũng cần được tính toán phù hợp.

Cũng trên địa bàn Tây Hồ, trường THCS Đông Thái hiện có 38 giáo viên. Theo cô giáo Lê Thủy Trang, Hiệu trưởng nhà trường có một thuận lợi khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đã đủ giáo viên. Tuy nhiên, nếu xét giáo viên ở các phân môn như Giáo dục công dân, Kỹ thuật… thì trường vẫn thiếu. Hiện Tin học vẫn đang là môn tự chọn, tổng số giờ dạy của giáo viên tin học của trường đã đạt mức tối đa (theo quy định 19 tiết/tuần), nhưng khi Tin học trở thành môn chính thức, nếu không được tăng thêm giáo viên thì số giáo viên hiện có của trường sẽ phải dạy vượt khung quy định…

Tại huyện Quốc Oai, trường THCS Liệp Tuyết thuộc nhóm trường có số lượng học sinh ít nhất trên toàn huyện với 280 học sinh. Không như nhiều người nghĩ, THCS Liệp Tuyết hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn đặc thù, trong đó có vấn đề thiếu giáo viên. Theo đó, trường đang thiếu 2 giáo viên về các môn Vật lý, Hóa học mới đủ chỉ tiêu 20 giáo viên. Ngoài ra, nếu căn cứ theo đề án vị trí việc làm, trường còn cần thêm giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật… Theo thầy giáo Đỗ Danh Khanh, Hiệu trưởng, việc bố trí đủ giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc… sẽ dẫn tới bất cập là “lấn” vào chỉ tiêu giáo viên của các môn khác như Toán, Ngữ văn… Trong khi đó, thời lượng dạy của giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghệ lại không nhiều. Nếu không được tăng tỷ lệ giáo viên biên chế, nhà trường mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí để trường trả lương hợp đồng với giáo viên một số môn đặc thù, để tránh tình trạng lãng phí nhân lực, và không ảnh hưởng tới cơ cấu giáo viên các môn khác.

Tương tự, ghi nhận tại quận Hà Đông, trường THCS Văn Yên, chưa thực hiện theo chương trình mới nhưng đang thiếu khoảng hơn 10 giáo viên. Do thiếu giáo viên, trường đang bố trí giáo viên dạy chéo môn như giáo viên Ngữ văn dạy thêm môn Lịch sử, Giáo dục công dân… Bản thân cô Trịnh Thị Liên là hiệu trưởng, theo quy định chỉ cần dạy 2 tiết/tuần nhưng đang phải đảm nhiệm 5 tiết/tuần.

Khó ngay từ… nguồn tuyển

Hà Nội không chỉ là địa phương duy nhất gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Bộ GD-ĐT, từ năm học 2021-2022, khi thực hiện dạy chương trình phổ thông mới với lớp 2 và lớp 6, tổng số giáo viên thiếu hụt trên cả nước khoảng 70.000 người, trong đó, bậc tiểu học thiếu trên 20.000, bậc THCS thiếu trên 13.000 giáo viên. Với môn Ngoại ngữ và Tin học, các địa phương ước tính sẽ thiếu gần 40.000 người, trong đó khoảng 13.600 giáo viên tin học và hơn 27.000 giáo viên ngoại ngữ.

Hà Nội vừa qua đã hoàn thành kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2020 với khoảng 4.000 chỉ tiêu. Qua đó sẽ cung cấp thêm nguồn giáo viên hỗ trợ các nhà trường khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, có một thực tế, tình trạng thiếu giáo viên vẫn khó giải quyết dứt điểm ở một số môn học đặc thù do thiếu thí sinh dự tuyển từ đầu vào. Chẳng hạn như với quận Hà Đông, nhiều năm qua vẫn còn thiếu giáo viên ở các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục…Tại quận Tây Hồ, kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, một số môn như Giáo dục công dân, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc… có chỉ tiêu nhưng thí sinh cũng không mặn mà đăng ký dự tuyển.

Theo Hiệu trưởng trường THCS Văn Yên Trịnh Thị Liên, hiện nay, thu nhập của giáo viên mới ra trường chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, quá thấp so với mức sống ở Thủ đô. Vì vậy, ít ai ngờ rằng, nhiều trường ở nội thành như Văn Yên vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng. Thầy Đỗ Danh Khanh, Hiệu trưởng trường THCS Liệp Tuyết chia sẻ, lương giáo viên mới vào nghề quá thấp, trong khi đi làm cho các doanh nghiệp ngay trên địa bàn, người lao động đã có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng. Trong khi giáo viên chắc chắn sẽ phải đầu tư nhiều tâm huyết, liên tục đổi mới chương trình.

Nhiều hiệu trưởng cho rằng, nếu không có chế độ đãi ngộ xứng đáng thì sẽ khó khăn trong động viên thầy cô. Người giỏi không muốn chọn nghề sư phạm vì đã nhìn trước những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.

Một khó khăn nữa, theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Ghi nhận tại một số trường cả nội thành, ngoại thành Hà Nội cho thấy lực lượng giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Nằm ở vùng khó khăn, nhưng trường THCS Liệp Tuyết cũng đã có 100% giáo viên có trình độ đại học, 1 người đạt trình độ cao học. Tuy nhiên, tại nhiều địa bàn, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn còn nhiều. Chẳng hạn, theo Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai Nguyễn Ngọc Nam, Quốc Oai hiện vẫn còn 87 giáo viên trình độ cao đẳng trên tổng số 712 cán bộ quản lý và giáo viên toàn huyện. Những giáo viên này sẽ phải được đào tạo để nâng cao trình độ. Quốc Oai phấn đấu đến năm 2025, 100% giáo viên toàn huyện sẽ đạt chuẩn. Đây cũng là thời điểm chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đồng loạt ở tất cả các cấp học.

Làm thế nào để có một đội ngũ giáo viên đủ về lượng, và tăng về chất là bài toán không dễ giải ngay “một sớm một chiều”.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.