Vừa dạy, vừa “vượt chướng ngại vật” Kỳ 2: Tăng tốc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Chia sẻ

Cùng với giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng là yếu tố quan trọng, không thể thiếu nếu muốn triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại nhiều địa bàn, tình trạng trường xuống cấp, thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy học vẫn còn tồn tại, đòi hỏi tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.

Học sinh trường THCS Liệp Tuyết, Quốc Oai trong giờ học tin họcHọc sinh trường THCS Liệp Tuyết, Quốc Oai trong giờ học tin học

Thiếu phòng học, trang thiết bị lạc hậu

Là một trong 5 huyện được đánh giá là có nhiều khó khăn nhất của Hà Nội, thời gian qua, Mỹ Đức đã được Thành phố (TP) dành nhiều sự quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, sự đầu tư này vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Theo ông Lê Văn Thăng, Phó phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức, đến nay, huyện mới có 50/79 trường đạt chuẩn quốc gia, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Do được xây dựng từ nhiều năm trước nên chiểu theo quy định mới đây của Bộ GD-ĐT, phòng học bộ môn của các trường này không đáp ứng tiêu chí về diện tích. Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học tới, phòng GD-ĐT Mỹ Đức đã yêu cầu các trường khảo sát, đề xuất danh mục thiết bị cần trang bị mới. Kết quả cho thấy, khoảng 90% số thiết bị dạy học hiện có ở các trường đã lạc hậu, hỏng hóc, chỉ còn khoảng 10% có thể tận dụng được.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với khối lớp 1. Qua tìm hiểu của phóng viên, vì một số lý do mà đến nay, khi năm học đã gần kết thúc, các trường tiểu học ở Mỹ Đức vẫn chưa được nhận thiết bị dạy học mới. Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, việc xúc tiến trang bị thiết bị dạy học mới cho khối lớp 2, lớp 6 đang được tiến hành khẩn trương.

Thuộc huyện khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục của Ba Vì còn hạn hẹp, trong khi số lượng trường học trên địa bàn lên tới 110 trường ở cả 3 cấp học. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở Ba Vì mới đạt khoảng 70%, một số trường vẫn còn thiếu phòng học bộ môn. Theo ông Nguyễn Danh Cường, Phó phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, trong hoàn cảnh “con nhà khó”, Phòng đã chỉ đạo các trường tập trung tối đa nguồn kinh phí hiện có, ưu tiên đầu tư cho các khối lớp triển khai chương trình mới.

Tại trường THCS Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, hiện nhiều thiết bị dạy học của trường đều rơi vào tình trạng cũ và lạc hậu. Trường chỉ có 1 phòng tin học với khoảng 15 máy nhưng một số máy từ lâu đã không còn sử dụng được, số còn lại hoạt động chậm do cấu hình thấp. Do thiếu thiết bị, 3 học sinh phải dùng chung một máy tính. Các phòng chức năng khác như Lý - Hóa - Sinh, tuy được trang bị một số thiết bị dạy học nhưng sơ sài, lạc hậu. Giờ học Ngoại ngữ của học sinh cũng không có thiết bị chuyên dụng.

Trong khi các trường ngoại thành có đất để xây trường nhưng thiếu kinh phí, thì các trường trong nội thành Hà Nội lại thiếu quỹ đất để mở rộng quy mô trường.

Tại quận Hà Đông, THCS Mỗ Lao với diện tích rộng 9.000m2 tạm thời đáp ứng đủ số phòng học cho học sinh. Tuy nhiên, nếu chiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường vẫn đang thiếu một số phòng học bộ môn, hoặc có phòng bộ môn nhưng trang thiết bị không đáp ứng nhu cầu… Đơn cử với phòng học âm nhạc, 2 học sinh phải có 1 đàn nhưng trường mới chỉ có đàn cho giáo viên giảng dạy.

Thiếu phòng học, phòng bộ môn, thiết bị dạy học cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khi triển khai chương trình phổ thông mới. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số gần 600.000 phòng học trên cả nước, vẫn còn khoảng 150.000 phòng học chưa đạt chất lượng. Tỷ lệ phòng học/lớp ở các cấp học đều thiếu, trung bình khoảng gần 0,9 phòng/lớp, trong khi yêu cầu của chương trình mới phải đạt 1 phòng/lớp.

Tăng tốc “lấp chỗ trống”

Tại quận Tây Hồ, THCS Xuân La nhiều năm qua ở trong tình trạng quá tải trường lớp. Chỉ riêng việc đáp ứng đủ phòng học cho học sinh cũng đã là bài toán khó với trường. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Mỹ Lâm, hiện nay, trường có 30 lớp học nhưng chỉ có 12 phòng học nên học sinh vẫn đang phải học 2 ca/ngày. Các phòng học bộ môn như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật… trường đều thiếu. Song, khó khăn này của THCS Xuân La sẽ không còn kéo dài, trong năm 2021, THCS Xuân La sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí trên 200 tỷ đồng. Đây cũng là ngôi trường cuối cùng trên địa bàn quận Tây Hồ được đầu tư cải tạo, mở rộng, xây mới.

Theo ông Lê Hồng Vũ, trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ tính từ năm 2016 đến nay, hệ thống trường lớp trên địa bàn quận đã được mở rộng, tăng 122 phòng học và các phòng chức năng. Năm 2020, quy mô trường học, phòng học trên địa bàn đã tăng 30% so với năm 2016.

Tại quận Hà Đông, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT, trong 5 năm qua, mỗi năm Quận đều xây dựng từ 3-7 trường mới và xây thêm các đơn nguyên ở một số trường không còn diện tích mở trường như Phú La, Văn Yên, Biên Giang, Vạn Phúc… Năm học 2019-2020, Quận đã xây 5 trường mới, mỗi trường 30 phòng học và các phòng chức năng. Năm học 2020-2021, Hà Đông có thêm trường tiểu học La Khê với diện tích hơn 45 nghìn m2, quy mô 28 phòng học, 8 phòng chức năng, đầy đủ hệ thống nhà giáo dục thể chất, bếp ăn, sân chơi, sân tập…

Tại huyện Mỹ Đức, ông Lê Văn Thăng, Phó phòng GD-ĐT huyện thông tin, huyện phấn đấu trong năm 2021 này sẽ có thêm 5 trường chuẩn quốc gia, đưa tổng số trường chuẩn trên toàn huyện đạt 55 trường. Đặc biệt, với những trường tới đây được mở rộng, xây mới sẽ phải đảm bảo tiêu chí theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT cả về diện tích, số phòng học, phòng bộ môn. Mỹ Đức phấn đấu đến năm 2021, 100% trường sẽ đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là thời điểm Bộ GD-ĐT triển khai đồng loạt chương trình giáo dục phổ thông mới trên tất cả các cấp học nên ông Thăng hy vọng đây sẽ là một trong những tiền đề để Mỹ Đức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thành công.

Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025 đã được Chính phủ ban hành cho thấy, trong giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ cần tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đầu tư xây dựng số phòng học thay thế các phòng học tạm thời; phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, phấn đấu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.