Mỗi ngày một hành động đẹp

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề

Nhóm Phóng viên
Chia sẻ

(PNTĐ) -Họ là những nữ nghệ nhân không chỉ mang trong mình ước mơ “giữ lửa” nghề truyền thống, mà còn mang khát vọng đưa những sản phẩm làng nghề vươn cao, vươn xa ra khu vực và thế giới. Dưới đây là một số gương nghệ nhân tiêu biểu được Hội LHPN Hà Nội vinh danh trong chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống” thành phố Hà Nội năm 2023.

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 1
Nghệ nhân Hoàng Thị Anh say mê với nghề dát vàng. Ảnh: M.T

1. Nghệ nhân Hoàng Thị Anh:
Giữ gìn nghề dát vàng truyền thống của quê hương
Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm nổi tiếng với làng nghề dát vàng, bạc quỳ. Đầu năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chính thức công nhận nghề thủ công truyền thống quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năng động, sáng tạo và say mê nghề truyền thống của làng, Nghệ nhân trẻ Hoàng Thị Anh, chủ cơ sở dát vàng Phương Nam đã và đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống. 

Vốn yêu thích làm đẹp đồ nội thất, nhất là những đồ trong chùa chiền từ bé, nên khi về làm dâu ở làng Kiêu Kỵ, được bố mẹ chồng dạy nghề truyền thống, Nghệ nhân Hoàng Thị Anh đã theo học và gắn bó với nghề dát vàng, bạc quỳ. Nữ Nghệ nhân cho biết: Yếu tố quan trọng để thành công trong nghề phải kể đến là sự đam mê, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn và tìm cách giải quyết. Từ bé tôi đã theo mẹ đi thăm viếng nhiều chùa nên khi lớn lên cũng mong muốn góp sức phụng sự Phật pháp, muốn được khôi phục lại các nét cổ của các tượng Phật, giữ được những nét mà ngày xưa các cụ từng để lại, hoặc lấy lại các dấu tích. 

“Nghề làm vàng, bạc quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ kiên trì, cẩn thận, tinh tế từ việc xây lò kín, làm mực “lướt” quỳ, đánh quỳ, quỳ vàng, bạc. Để tạo ra được một sản phẩm chất lượng như dát một pho tượng, người thợ ngoài sự cẩn thận, tỉ mỉ thì trước khi làm phải cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình sẽ làm để từ đó có phương án làm tốt nhất. Ví dụ để chạm vàng cho một bức tượng Phật, tôi phải dành rất nhiều thời gian đi tìm hiểu về các hình tượng, chân dung bức tượng. Thông thường để làm ra một mẫu mất rất nhiều thời gian, có khi là một vài tuần, có khi cả mấy tháng mới ra được sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, không phải cứ thích là theo được nghề, gắn bó được với nghề - Nghệ nhân Hoàng Thị Anh chia sẻ. 

Từ sự đam mê nghề truyền thống, Nghệ nhân Hoàng Thị Anh luôn tự tìm tòi, học hỏi những người thợ đi trước, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế các sản phẩm, công trình. Với việc xây dựng được đội ngũ thiết kế hỗ trợ từ khâu lên ý tưởng, đồ họa và thi công lành nghề, cơ sở của Nghệ nhân Hoàng Thị Anh ngày càng phát triển. Cùng với đó, nghệ nhân còn truyền dạy nghề cho hơn 100 người cùng có chung niềm yêu nghề truyền thống. Với sự nỗ lực của mình, năm 2018, Nghệ nhân Hoàng Thị Anh được Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á, Việt Nam trao tặng Bằng chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam; năm 2021, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.  

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 2
Nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thị Hồi (thứ 2 từ trái qua) giới thiệu sản phẩm truyền thống làm từ sơn mài tới đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội. Ảnh: NVCC

2. Nghệ nhân sơn mài Nguyễn Thị Hồi:
50 năm bền bỉ “giữ lửa” nghề sơn mài
Tới làng tranh sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), không khó để tìm đến cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi (SN 1958). Không chỉ thường xuyên đón khách đến mua hàng, nơi đây còn là một trong những điểm hẹn tham quan của không ít đoàn khách du lịch nước ngoài.

Gần 50 năm gắn bó với nghề sơn mài, đến nay, nhiệt huyết, tình yêu nghề ở Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi chưa khi nào vơi bớt. Bà kể: “Tôi sinh ra trong gia đình theo nghề sơn mài truyền thống nên ngay từ nhỏ đã có cơ hội tiếp xúc với các kỹ thuật, cách làm tranh sơn mài. Năm 16 tuổi, tôi vào hợp tác xã học làm tranh và theo nghề một cách bài bản. Tới năm 1991, hợp tác xã giải thể, tôi phải trở về làm ruộng vì gia đình không có xưởng, mình lại không có vốn. Trong suốt những ngày đó, không lúc nào tôi thôi nghĩ về nghề. Sau 2 năm ngắt quãng, tôi tìm đến các xưởng trong làng xin làm thuê, để được tiếp tục gắn bó với tranh sơn mài, tiết kiệm dần dần, lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học, vừa mày mò làm sản phẩm riêng của mình. Cho đến năm 2003, khi tích lũy được một chút kinh nghiệm, mối quan hệ và vốn liếng, tôi quyết định mở xưởng riêng, tự mình làm chủ. Chặng đường “khởi nghiệp” ấy không hề dễ dàng, nhiều lần lao đao, khó khăn. Có hôm hai vợ chồng phải đạp xe từ Thường Tín vào phố Hàng Khay để giới thiệu, giao hàng”.

Bây giờ nhắm mắt lại Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi cũng có thể hình dung, miêu tả sinh động quy trình sản xuất tranh sơn mài với hơn 20 công đoạn rất tỉ mỉ, kỳ công: Từ lựa chọn, xử lý cốt gỗ; sơn và mài nhiều lớp, nhiều lần; trang trí bạc, vỏ trứng… Bà chia sẻ: Với một bức tranh đơn giản, để hoàn thành tối thiểu cũng phải mất 15-30 ngày. Bức tranh phức tạp hơn thậm chí mất cả năm trời mới xong.

Cũng vì đem cả tâm huyết và tình yêu vào tranh nên mỗi sản phẩm Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi làm ra đều rất tinh xảo, chi tiết, mang đậm dấu ấn cá nhân. Với những giá trị đem lại cho xã hội, năm 2006, bà trở thành 1 trong 4 người đầu tiên của làng nghề được công nhận danh hiệu nghệ nhân. Người dân trong làng vẫn ví von và gọi bà là “người giữ lửa nghề sơn mài Hạ Thái”. Năm 2020, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; được Bộ Công Thương trao tặng kỷ niệm chương (năm 2021); được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen (năm 2021), danh hiệu Người tốt - Việc tốt tiêu biểu (năm 2022) và nhiều khen thưởng khác của UBND huyện Thường Tín trong gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống… Bây giờ khi ở cương vị Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái, Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi không chỉ làm nghề, tiên phong áp dụng các kỹ thuật mới vào làm tranh sơn mài, mà còn tích cực phối hợp cùng địa phương đào tạo, truyền thụ tay nghề cho thế hệ trẻ, với ước muốn phát triển làng nghề quê hương. 

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 3
Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan giới thiệu sản phẩm lụa 
Lan Sơn. Ảnh: V.N

3. Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan: 
“Dệt” nên thương hiệu lụa cao cấp Vạn Phúc 
Dẫu chỉ là “con dâu” của làng nghề lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông song Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan đã bén duyên, yêu nghề, đam mê với sợi tơ, tấm lụa và có nhiều đóng góp gìn giữ và phát triển nghề trong suốt 17 năm nay. 

Năm 2006, chị Lan xây dựng tổ ấm với anh Nguyễn Anh Sơn là thợ thủ công của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Anh chị có duyên chồng vợ chính là từ cùng chí hướng với nghề dệt. Chị Lan nhớ như in những ngày đầu làm việc cùng bố mẹ chồng, bên những khung cửi, máy quay tơ, máy dệt… cứ như những “nghệ sĩ múa” đã hớp hồn chị, khiến chị ngạc nhiên, thích thú. Nhất là khi cầm sản phẩm lụa trên tay với bao họa tiết hoa văn, chị Lan đã nghẹn ngào, nhiều trăn trở, ước muốn mình cũng làm được những sản phẩm đẹp như vậy.

Năm 2008, anh chị được bố mẹ chồng cho 2 khung cửi để lập nghiệp, từ đây anh chị bước vào nghề dệt lụa. Để học nghề, chị Lan cùng chồng phải vào tận Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng học hỏi cách chọn tơ để dệt ra mảnh lụa óng đẹp, học các nghệ nhân trong làng cách guồng tơ, nhuộm lụa không phai màu… chị cũng học tại trường Trung cấp Tổng hợp khoa Thẩm mỹ màu. Sau nhiều lần làm và thất bại khi nhuộm, khi dệt, chị đã dần có được những thành công. Những sản phẩm làm ra đã sắc nét hơn, chất lượng vải lụa đẹp hơn, chị được thỏa sức sáng tạo mẫu mã, tạo ra hoa văn độc đáo và được người tiêu dùng yêu thích. Năm 2009, anh chị mở một xưởng sản xuất lụa, đến năm 2011 mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm “Lan Sơn Silk”.

Năm 2013, các sản phẩm của gia đình chị được trưng bày tại Hội nghị MeKong Silk Road của Học viện Mekong. Năm 2014, sản phẩm áo dài truyền thống Lan Sơn Silk được biểu diễn tại Fesivan Huế. Khăn và lụa của thương hiệu Lan Sơn Silk được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội nhân dịp ngày giải phóng Thủ Đô 10/10/2014. Năm 2016 chị Ngọc Lan được tặng bằng chứng nhận sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Chị Lan đã được ghi nhận bằng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề và nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, sản phẩm lụa Lan Sơn liên tục đạt danh hiệu hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 4
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hân. Ảnh: Q.A

4. Nghệ nhân Mây tre giang đan Nguyễn Thị Hân:
Khát khao làng nghề được cất cánh, vươn cao
Chỉ sau 8 năm theo nghề, người thợ Nguyễn Thị Hân thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được tặng danh hiệu Nghệ nhân mây tre đan và là một trong những nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề trẻ nhất ở làng Phú Vinh nhận được danh hiệu này. Bởi lẽ tuổi trẻ, sự ham học hỏi và sáng tạo đã giúp chị có được bước đi nhanh chóng, “uốn” những sợi mây, thanh tre vốn cứng cáp, chắc chắn thành sản phẩm trang sức, phụ kiện thời trang đẹp mắt và mềm mại. Chị nghĩ tới chuyện kết hợp mây và gốm và thuyết phục chồng bằng ý tưởng về một bình gốm sẽ được chế tác làm hai phần. Phần trên tráng lớp men màu nâu pha vàng, phần dưới để nguyên lớp đất nung và chìm vào trong. Đây sẽ là nơi mây và gốm hội tụ, tùy theo kiểu dáng của bình mà chế tác.

Chấp nhận không ít thất bại, phải bỏ đi một số mẫu mã không bảo đảm chất lượng, cuối cùng, họ gặt hái được trái ngọt khi “kết duyên” thành công giữa mây và gốm. Những chiếc bình gốm được đan mây bên ngoài trang trí mang lại vẻ đẹp mới, hội tụ tinh hoa của nghề truyền thống, được người tiêu dùng và các chuyên gia đánh giá cao, dành Huy chương Vàng tại Hội chợ làng nghề và thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Luôn nắm bắt nhu cầu thị trường để đầu tư công sức, sáng tạo ra sản phẩm mới, nữ nghệ nhân vẫn nhiều trăn trở với sự phát triển của làng nghề. Bởi để mỗi làng nghề được phát triển, chỉ phụ thuộc vào đôi bàn tay nghệ nhân thôi là chưa đủ. “Tôi mong muốn nghĩ tới làng nghề, là người ta nghĩ ngay tới một điểm hẹn, một nơi du lịch trải nghiệm. Ngày nay, điều đó không phải hữu xạ tự nhiên hương mà có. Hy vọng rằng, qua những chương trình tôn vinh làng nghề, tôn vinh nghệ nhân, sẽ có thêm nhiều sự chung tay vào cuộc giúp đỡ của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để đưa làng nghề lên một tầm cao mới, nơi mà mỗi nghệ nhân, mỗi người dân là 1 hướng dẫn viên du lịch, có như vậy làng nghề mới có thể cất cánh bay xa”- chị Hân nói.

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 5

5. Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào:
Người thổi hồn, lan tỏa tình yêu với nghề thêu tranh 
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm tranh thêu, từ khi 13 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào (SN 1976, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) đã thành thục 9 kỹ thuật thêu tay truyền thống. Đáng quý là thay vì giữ bí quyết riêng, chị đã chủ động dạy nghề, từ đó lan tỏa tình yêu nghệ thuật thêu tranh và tạo việc làm cho nhiều chị em khác. Lựa chọn gắn bó và khởi nghiệp từ nghề thêu tranh, theo chia sẻ của Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào lý do rất đơn giản bởi đây là nghề truyền thống của gia đình.

 “Khi làm nghề rồi tôi ý thức được rằng, làm nghề thôi chưa đủ mà phải truyền nghề, dạy nghề cho các thế hệ trẻ sau này. Nên tôi chủ động phối hợp với Hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên trên địa bàn để mở các lớp đào tạo. Đến bây giờ tôi cũng không nhớ hết được các lớp mình đã tham gia dạy. Nhưng ở bất cứ lớp học nào tôi đều truyền thụ tất cả kỹ năng, kiến thức học được từ bố mẹ cho từng học viên” - Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào bộc bạch.

Sau mỗi lớp học, những học viên có tay nghề cao sẽ được chị nhận vào làm trực tiếp ở cơ sở may, hoặc hướng dẫn các bạn mở cơ sở khác còn mình chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho học viên. Với Nghệ nhân Đào, đó cũng là cách để mở rộng, giữ gìn làng nghề thêu tay truyền thống, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Năm 1995, chị thành lập cơ sở thêu tay Nguyên Đào (sau này đổi tên thành cơ sở tranh thêu Phương Thảo). Suốt hơn 20 năm cố gắng, bền bỉ và không ngừng sáng tạo, thương hiệu tranh thêu của chị đã được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước đón nhận. Hiện, cơ sở tranh thêu Phương Thảo đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 người và việc làm thời vụ cho nhiều lao động khác, chủ yếu là phụ nữ, người khuyết tật với thu nhập từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/ tháng.
Khi đã quyết định gắn bó với nghề thêu tay, Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào luôn tự dặn mình phải giữ được tình yêu với nghề, quý từng sợi chỉ và đặc biệt là luôn phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, sáng tạo. Vì vậy, mỗi bức tranh chị thêu nên là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng cả tâm ý, tình yêu của người thợ. Năm 2010, trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh thêu tay “Tổ ấm” của chị đã được Ban tổ chức chương trình “Trí tuệ Thăng Long - Hà Nội” chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu, thể hiện ý nghĩa mong muốn đây luôn là nơi mọi người dân đất Việt trở về. Trước đó, cuối năm 2019, khi chương trình OCOP của TP Hà Nội phát động, chị đã tham gia đăng ký cho những sản phẩm tranh thêu tay của mình và được UBND TP công nhận là sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Với những đóng góp của mình, năm 2011, chị vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. 

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 6

6. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: 
Đưa tơ tằm, tơ sen Việt Nam vươn ra quốc tế
Nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong 9 Công dân Ưu tú của Thủ đô năm 2021. Với những cống hiến to lớn cho nghề dệt vải tơ tằm truyền thống, bà đã được vinh danh với rất nhiều danh hiệu như: “Nghệ nhân Ưu tú” do Chủ tịch Nước phong tặng; giải thưởng cho 100 phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước; giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2020 của Hội LHPN Việt Nam; giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc do Bộ Công Thương trao; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam...

6 tuổi, bà Thuận đã biết hái dâu nuôi tằm. Đau đáu những năm giá tằm rớt thê thảm, bán không ai mua, bà quyết đi tìm đầu ra cho tơ tằm. Thế là bà quyết định làm thành một quy trình sản xuất khép kín, ở đó, tự con tằm sẽ dệt tơ thành các thành phẩm rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngày đêm mày mò huấn luyện, điều khiển tằm dệt lụa, mất 1 năm với 8 lứa tằm thử nghiệm, rồi những tấm vải, tấm chăn do tằm tự dệt đầu tiên đã hoàn thành. Năm 2012, bà Thuận chính thức trình làng sản phẩm và phương pháp lần đầu tiên có: Chăn tơ do tằm tự dệt. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt giải Nhất với giải pháp sáng tạo mền bông tơ tằm do con tằm tự dệt năm 2015.

Từ sản phẩm này, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao, có mặt ở những thị trường như: Nhật, Thái, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út... Dạy tằm dệt cửi thành công, bà tiếp tục “bắt sen nhả tơ”. Từ đầu năm 2017, bà Thuận bắt tay vào nghiên cứu lụa tơ sen. Công đoạn tạo tơ sen còn khó khăn gấp bội. Năm 2019, bà Thuận đã hoàn toàn làm được chỉ thêu từ tơ sen, từ tơ sen đó đã thêu vào áo thành bông hoa sen hoặc thêu khăn quàng cổ. Lụa tơ sen ngay lập tức tạo được tiếng vang. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được Thủ tướng lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. 

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 7

7. Nghệ nhân Hà Nội Vũ Như Quỳnh:
Nữ nghệ nhân 8X đưa hơi thở đương đại vào gốm sứ tâm linh
Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh (SN 1986) hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Gốm sứ Vạn An Lộc tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Với tình yêu gốm mãnh liệt và sự chỉn chu, cẩn thận trong nghiên cứu thị trường, nữ nghệ nhân chọn cho mình một lối đi riêng, đó là chế tác sản phẩm gốm phong thủy, tâm linh, đưa gốm truyền thống đi vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt của người Việt bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ như hoa mẫu đơn, đào, chim công, rồng chầu mặt nguyệt… bảo tồn nước men rạn ở các bình gốm cổ xưa nhưng mang hơi thở đương đại. Bằng cách đó, nữ nghệ nhân trẻ vừa có thể giữ gìn được văn hóa, bản sắc gốm Việt mà vẫn đáp ứng được sự đòi hỏi cao của thị trường. 

Bên cạnh việc là người tiên phong trong việc khôi phục lại những nét tinh hoa của dòng gốm tâm linh, phong thủy, Nghệ nhân trẻ Vũ Như Quỳnh còn là người “truyền lửa”- lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, cho những chị em phụ nữ Bát Tràng, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 8

8. Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương: 
Đam mê sáng tạo, nâng tầm lụa Việt
Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương - nữ doanh nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Hương ở làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông đã dày công sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo từ lụa tơ tằm, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế, góp phần gìn giữ, nâng tầm giá trị sản phẩm lụa truyền thống của quê hương.

Chị Thu Hương vốn là “con nhà nòi”, sinh ra đã biết nghề bởi gia đình làm nghề dệt lụa. Thời trẻ, chị đã ham học hỏi, đã từng học thiết kế và làm việc tại nước Nga trong 4 năm (từ năm 1985 đến 1989). Vừa học vừa làm, không ngừng rèn luyện, sáng tạo, chị đã luôn được đánh giá cao về thái độ và chuyên môn, nhất là những mẫu thiết kế trên nhiều chất liệu vải khác nhau đã được nhiều người khen ngợi. 

Sau những trải nghiệm ở xứ người, chị Hương nghe theo tiếng lòng nhớ thoi đưa kẽo kẹt, nhớ những sợi tơ óng ả nên trở về quê hương và gắn bó với nghề truyền thống. Chị lập gia đình, cả nhà chồng cũng làm nghề dệt lụa, từ đây sự nghiệp của chị và gia đình thêm vững chắc. 

Từ đây, đôi tay tài hoa, khéo léo, khối óc không ngừng sáng tạo, chị Thu Hương đã thiết kế nhiều sản phẩm trên chất liệu vải lụa như: Khăn, áo, mũ, túi xách, gối hay chăn ga… Sản phẩm chị làm ra rất tinh xảo, từng đường kim mũi chỉ, từng họa tiết trên sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và cả một sự kỳ công. 

Sau nhiều năm gây dựng, hiện nay gia đình chị Hương đã có 3 gian hàng bán ở Vạn Phúc và 1 xưởng may có 20 công nhân, đặc biệt là sản phẩm quần áo, túi, khăn… đã được xuất khẩu đi các nước châu Âu.  

Để có được những thành công của ngày hôm nay, chị Hương cũng trải qua không ít khó khăn, cùng với sự thăng trầm của làng nghề. Nhớ lại thời còn hợp tác xã, làng nghề dệt lụa phát triển ổn định, không khí sản xuất trong làng nhộn nhịp, lụa được bà con dệt có đầu ra ổn định. Sau khi hợp tác xã giải thể, nhiều gia đình gặp khó khăn, nhiều người sang nghề khác. Bấy giờ chị Hương đã chuyển từ dệt lụa sang thiết kế và ứng dụng ngay trên vải lụa của làng để thiết kế lên những mẫu mã độc đáo, nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Từ đây, những mẫu sản phẩm chị thiết kế và may lên ngày một đa dạng. Chị liên tục học hỏi, tham khảo các xu hướng của thế giới và trong nước để sáng tạo trên lụa, làm ra những sản phẩm mới. 

Bằng niềm đam mê vói nghề, luôn trăn trở gìn giữ nghề truyền thống, chị Hương đã dạy nghề cho nhiều người, nhất là phụ nữ ở trong và ngoài địa phương. Sau mỗi khóa đào tạo, các học viên đều biết được những kĩ thuật cơ bản của nghề thiết kế và may từ lụa. Nhiều năm nay, chị Thu Hương đã có những đóng góp lớn trong việc gìn giữ và phát triển làng nghề. 

Với những đóng góp quý báu trong việc phát triển làng nghề lụa truyền thống, chị Thu Hương đã được tặng nhiều Bằng khen của UBND Thành phố, các Bộ, ban, sở, ngành Trung ương và Hà Nội.

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 9

9. Nghệ nhân Hà Nội Tạ Thị Thu Hương:
Sáng tạo để giữ nghề, giữ người làm nón 
Người dân làng Chuông gọi nghệ nhân Tạ Thị Thu Hương (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) với cái tên trìu mến là “Hương nón” và dành sự trân trọng cho người đã khơi dậy niềm đam mê với nghề truyền thống nón làng Chuông. Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm nón được truyền lại từ ông cha, chị Thu Hương thừa nhận rằng, nghề làm nón đến nay đã không còn hưng thịnh. Giới trẻ ít mặn mà, chỉ có người già còn gắn bó. “Nhưng tôi không hề muốn cho nghề bị mai một”- chị Hương nói. 

Bởi vậy, mỗi chiếc nón được chị Hương ví như một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều giá trị truyền thống, văn hóa. Chị và các nghệ nhân trong làng đã nghiên cứu nhiều cách để vừa hiện đại hóa chiếc nón, vừa kế thừa truyền thống, họ đã kết hợp nhiều chất liệu, nguyên liệu khác nhau để nâng tầm sản phẩm từ kiểu dáng, chất lượng, mẫu mã đến sự tiện dụng. Hiện nay, sản phẩm nón chị Hương có đến hàng chục loại như: Nón quai thao, nón lụa, nón đạo cụ… Nón vẽ các bức tranh phong cảnh con người, đất nước Việt Nam được khách nước ngoài rất ưa thích. Nón lá lụa là một trong những sản phẩm tâm đắc nhất của chị. Hiện tại, đã có 4 mặt hàng nón lá của cơ sở nón lá Thu Hương được công nhận sản phẩm OCOP.

Không chỉ lưu giữ những giá trị của nghề nón làng Chuông trước nguy cơ mai một của thời mở cửa thị trường, theo chị Hương, điều quan trọng là phải để mỗi người làm nón sống được với nghề, từ đó, tình yêu với sản phẩm truyền thống của dân tộc mới bền bỉ. Vì thế, chị thường khuyến khích người trẻ tại địa phương, con cháu trong nhà cố gắng học nghề, theo nghề, đồng thời tạo công ăn việc làm cho những thanh niên không may lầm lỡ. Ngoài ra, chị còn được mọi người yêu mến gọi là “Đại sứ nón”, vì luôn sẵn sàng mang chiếc nón quê hương đi quảng bá ở bất cứ chương trình, hội chợ nào phù hợp, kể cả trong và ngoài nước. 

Tại các hội chợ triển lãm như “Cây tre Việt Nam”, hội chợ du lịch làng nghề, triển lãm làng nghề Việt Nam tại Huế, các chương trình di sản văn hóa, làng nghề chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... sản phẩm nón của chị đều được mọi người ưa thích. Chị cũng từng đi biểu diễn làm nón nghệ thuật tại Malaysia, là đại diện làng nghề mang sản phẩm nón Chuông tới 3 thành phố của Nhật Bản. Mang chiếc nón vượt qua lãnh thổ Việt Nam, được bạn bè quốc tế biết đến, làng Chuông dần trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Năm 2019, chị Hương được vinh danh là Nghệ nhân Hà Nội. Hiện tại, đã có 4 mặt hàng nón lá của cơ sở nón lá Thu Hương được công nhận sản phẩm OCOP. Cơ sở sản xuất của chị Tạ Thị Thu Hương ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động trong làng.

Những nữ nghệ nhân “giữ lửa” làng nghề - ảnh 10

10. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến:
45 năm gìn giữ hương sắc xôi truyền thống
Làng Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng), quận Tây Hồ, Hà Nội lâu nay nổi tiếng với món xôi truyền thống. Góp công sức cùng người dân Phú Thượng làm nên thương hiệu xôi Phú Thượng nức tiếng gần xa ấy có Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến với thâm niên 45 năm “ăn ngủ” cùng xôi. 

Giữa một “thế giới” xôi hiện nay, những người sành ăn ở Thủ đô vẫn dễ dàng nhận ra hương vị của xôi truyền thống Phú Thượng bởi xôi ở đây có vị rất riêng không dễ bị pha tạp - đó là tâm sự của Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến. Nghệ nhân Nguyễn Thị đã gắn bó với nghề làm xôi 45 năm nay. “Từ năm 7 - 8 tuổi tôi đã được mẹ tôi lúc thì sai ngâm đỗ, ngâm lạc, lúc thì ngồi nhặt những hạt gạo lẫn bỏ đi. Nghề làm xôi đòi hỏi phải có sức khỏe và tỉ mẩn, chăm chỉ bởi từ sáng sớm đến đêm khuya, những người làm xôi phải luôn chân, luôn tay với các công đoạn làm xôi thủ công. Để có được những nắm xôi ngon dẻo, nóng hổi buổi sáng, tôi phải dậy từ lúc 2-3 giờ sáng để đồ. Khi bán hết hàng thì lại phải bắt tay vào ngâm gạo, đỗ, lạc, chiều lại xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ… chuẩn bị cho kịp làm hàng. Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa khi nấu, thậm chí vo gạo cũng cần kỹ thuật để gạo không bị vỡ. Những dụng cụ truyền thống để nấu xôi, ủ xôi cũng là bí quyết gia truyền” - Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ. 

Với kinh nghiệm làm xôi lâu năm và được sự tín nhiệm của các thành viên, hiện nay Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Từ ngày thành lập đến nay, Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các thành viên như chia sẻ kinh nghiệm làm xôi, bán xôi, hỗ trợ dùng điện một giá... Qua đó, giúp các thành viên gắn kết và cùng giữ nét truyền thống của làng. Hàng năm, các thành viên trong Hội còn tham dự các lớp tập huấn cho người nấu xôi về vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, Hội làng nghề xôi Phú thượng có gần 400 hội viên tham gia. Xôi Phú Thượng hiện đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của thành phố Hà Nội. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ mong muốn: “Nghề làm xôi truyền thống cũng là một nghề, tôi tự hào về nghề đó và mong muốn có sức khỏe tốt để cố gắng truyền dạy nghề, góp phần gìn giữ đặc sản ẩm thực Thủ đô, lan tỏa nét đẹp văn hóa Hà Nội đến muôn nơi”. 

 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

Nữ công an Hà Nội “năng khiếu” với nghề và đam mê với công tác phong trào

(PNTĐ) -Sinh năm 1983, là một người vừa có đam mê vừa có “năng khiếu” trong công tác tham mưu. 10 năm qua, Thiếu tá Trần Thị Minh, cán bộ Đội Tham mưu Cảnh sát, Phòng Tham mưu, CATP Hà Nội đã nỗ lực không ngừng để đạt được nhiều thành tích trong công tác cũng như các hoạt động phong trào của Hội Phụ nữ Công an TP Hà Nội.
Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

Nữ tổ trưởng Tổ phụ nữ 23 năm “vác tù và hàng tổng”

(PNTĐ) -Chị Nguyễn Thị Lan Hương, sinh năm 1965 đã có “thâm niên” 23 năm làm Tổ trưởng tổ phụ nữ số 13 kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. 23 năm “vác tù và hàng tổng” nhưng chị không thấy mỏi mệt mà ngược lại càng mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.