Bệ đỡ cho phụ nữ khởi nghiệp từ nghề truyền thống

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khởi nghiệp từ chính nghề truyền thống của gia đình, tưởng dễ mà khó. Dễ là bởi “bệ đỡ” truyền thống và dấu ấn ông cha để lại, nhưng cái khó là làm sao để giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại, nét truyền thống ấy vẫn không phai nhạt, được khơi nguồn đổi mới và sáng tạo. Càng khó hơn nữa, khi “đầu tàu” cho những chuyến hành trình đổi mới - sáng tạo và làm giàu ấy, là những nữ nghệ nhân.

Bệ đỡ cho phụ nữ khởi nghiệp từ nghề truyền thống - ảnh 1
Sản xuất gốm tại làng Bát Tràng.     Ảnh: Nguyễn Thực

Vừa giữ gìn mạch sống
Thành phố Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng có nghề nhiều nhất cả nước. Trong số gần 5.400 làng có nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề. Đến nay, Hà Nội có 318 làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Để giữ nghề truyền thống không ít phụ nữ Thủ đô miệt mài tìm cách nối nghiệp cha ông, khởi nghiệp từ làng nghề nơi họ sinh ra. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội LHPN Hà Nội, nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công tại các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
 Làng gốm Bát Tràng đã trở thành trung tâm sản xuất gốm sứ có quy mô chuyên nghiệp, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Với đa dạng chủng loại sản phẩm, gốm Bát Tràng được áp dụng công nghệ tiên tiến trong quy trình sản xuất vừa giữ được nét văn hóa truyền thống và giá trị nghệ thuật độc đáo. Thành công ấy có đóng góp lớn lao của những nữ nghệ nhân ở đây. 

Nữ Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh (SN1986), Giám đốc Công ty TNHH MTV Gốm sứ Vạn An Lộc tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là một trong số đó. Bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ như hoa mẫu đơn, đào, chim công, rồng chầu mặt nguyệt… bảo tồn nước men rạn ở các bình gốm cổ xưa nhưng mang hơi thở đương đại. Bằng cách đó, nữ nghệ nhân trẻ vừa có thể giữ gìn được văn hóa, bản sắc gốm Việt mà vẫn đáp ứng được sự đòi hỏi cao của thị trường. Chị Quỳnh còn nghĩ đến việc tạo ra các khối sáng tối đậm nhạt khác nhau trên họa tiết để có hiệu ứng thị giác 3D cho họa tiết đắp nổi. Ba năm âm thầm thử nghiệm đắp nổi hoa văn cổ, hàng nghìn sản phẩm bị đập bỏ vì chưa ưng ý. Sau muôn vàn khó khăn, Vạn An Lộc khi mới khởi điểm chỉ có 3 người thì đến nay đã có 20 đại lý lớn trên cả nước, đưa sản phẩm gốm sứ đắp nổi 3D ra giới thiệu nhiều hơn với khách hàng trong nước và ra thế giới.

Ngày 7/3, Hội LHPN Hà Nội phối hợp Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống tổ chức sự kiện “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống” thành phố Hà Nội năm 2023. Đây là hoạt động thực hiện kế hoạch của Hội LHPN Hà Nội về tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp năm 2023, kế hoạch thực hiện “Đề án về đẩy mạnh vai trò của các cấp Hội Phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Tinh hoa văn hóa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), với nhiều hoạt động được diễn ra như: Giao lưu, trình diễn tay nghề, thiết kế các sản phẩm sáng tạo làng nghề của các nữ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề truyền thống; vinh danh những nữ nghệ nhân có nhiều đóng góp cho phát triển sản phẩm sáng tạo làng nghề và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua của Thành phố.

Ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, không ai là không biết đến chị Tạ Thu Hương – một nghệ nhân biết làm nón từ năm bảy tuổi và rất say nghề. Đến nay, những chiếc nón của chị không chỉ được bày bán rộng rãi tại Việt Nam, mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tết Quý Mão 2023 vừa rồi, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã đưa vào thị trường những mẫu mã mới để khách hàng có nhiều lựa chọn đa dạng, phong phú hơn, như nón lá trên lụa, nón lá sen, nón bộ... được đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút tỉ mỉ từ hình thức cho đến chất liệu.

 Hiện nay, cơ sở sản xuất nón của chị tại xã Phương Trung có rất nhiều người được chị giúp đỡ tạo công ăn việc làm. Đó là những người trẻ từng sa cơ, lầm lỡ, cũng có những em học sinh, sinh viên vì yêu mến văn hóa truyền thống mà tự tìm đến chị để xin học về nghề làm nón... 

Bệ đỡ để phụ nữ khởi nghiệp tiếp nối, vươn xa
Hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh doanh và khởi nghiệp luôn được Hội LHPN Hà Nội chú trọng. Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp do Hội LHPN Hà Nội chủ trì thực hiện, hơn 4 năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Hà Nội chia sẻ, rất nhiều chị em là phụ nữ, nữ nghệ nhân làng nghề đã thành công trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại các làng nghề. “Tuy nhiên, để khởi nghiệp từ chính làng nghề, họ gặp khá nhiều rào cản, từ đầu tư trang thiết bị, đầu ra cho sản phẩm cho đến sự bất bình đẳng giới khiến phụ nữ khó cáng đáng đều cả hai vai: công việc và gia đình. Không thể một mình gỡ khó, họ rất cần sự hỗ trợ từ các cấp hội, ngành và chính quyền. Đó sẽ là cú hích để vừa động viên, vừa khẳng định vai trò và vị thế của phụ nữ, là bước đệm đưa các doanh nghiệp do nữ làm chủ lên một tầm cao mới”, bà Hảo cho hay. 

Đồng hành với phụ nữ làng nghề, các cấp Hội LHPN Hà Nội luôn tích cực vào cuộc hỗ trợ, khuyến khích chị em phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại làng nghề. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, trước nỗ lực gìn giữ và tạo dựng thương hiệu cho nghề truyền thống của hội viên, các cấp Hội Phụ nữ đều tích cực vào cuộc hỗ trợ, khuyến khích chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Các hoạt động hỗ trợ tập trung nâng cao hiệu quả, giúp phụ nữ khởi nghiệp bền vững. Hội sẽ triển khai nhiều giải pháp giúp đỡ chị em có ý tưởng khởi nghiệp từ làng nghề tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; tập huấn kiến thức về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Các cấp Hội cũng tập trung hướng dẫn xây dựng các mô hình hoặc tổ phụ nữ liên kết mở rộng để tìm đầu ra cho sản phẩm chứ không phải sản xuất nhỏ lẻ trong từng gia đình, góp phần hỗ trợ chị em hiệu quả hơn…

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống, chưa bao giờ như bây giờ, các nữ nghệ nhân lại có sự bứt phá mạnh mẽ để đổi mới và sáng tạo đến vậy. Bằng tình yêu, niềm tự hào về nghề truyền thống, rất nhiều chị em phụ nữ Thủ đô đã làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, giữ lửa nghề. Để tăng cường sự sáng tạo và vai trò của nữ nghệ nhân trong phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống, rất cần sự chung tay tiếp sức, khơi nguồn của chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH như tổ chức Hội LHPN, các hiệp hội làng nghề…, để từ đó, nữ nghệ nhân nói riêng và phụ nữ làng nghề nói chung có thêm cơ hội được đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin trong khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ và sản xuất sản phẩm; giới thiệu, kết nối để tìm đầu ra ổn định…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Đại lễ Phật đản 2025

Hội LHPN Hà Nội chúc mừng Đại lễ Phật đản 2025

(PNTĐ) - Nhân dịp lễ Phật đản năm 2025, ngày 9/5/2025, Đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội do bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản năm 2025 tại Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm và Ni sư trụ trì tại chùa Kim Liên, quận Tây Hồ.
Điểm tựa vững chắc để phụ nữ Thanh Trì khởi nghiệp

Điểm tựa vững chắc để phụ nữ Thanh Trì khởi nghiệp

(PNTĐ) - Sau 7 năm thực hiện, Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” đã khơi dậy tiềm năng của phụ nữ của phụ nữ huyện Thanh Trì và cộng đồng trong tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Hội LHPN quận Nam Từ Liêm tổng kết Đề án 939 giai đoạn 2018 - 2025

Hội LHPN quận Nam Từ Liêm tổng kết Đề án 939 giai đoạn 2018 - 2025

(PNTĐ) - Chiều ngày 22/4, Hội LHPN quận Nam Từ Liêm tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018-2025 và sơ kết Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2023-2025; Sơ kết quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025.
Truyền thông hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Truyền thông hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

(PNTĐ) - Sáng ngày 23/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức chương trình Truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền do phụ nữ Hà Nội sản xuất, kinh doanh. Chương trình sẽ diễn ra đến hết ngày 27/4, nhằm truyền thông tới cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển Kỷ nguyên mới. Đồng thời, đây cũng là dịp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu hàng ngàn sản phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tới người tiêu dùng.