Chia sẻ, học tập kinh nghiệm công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ
(PNTĐ) -Những ngày cuối năm nhiều công việc bề bộn, song Đoàn công tác của Hội LHPN Thành phố Hà Nội vẫn dành thời gian đến với khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, nơi có nhiều bà con quê hương Thủ đô vào lập nghiệp sinh sống và đã xây dựng quê hương mới nơi đây thành mảnh đất trù phú. Trong chuyến công tác chia sẻ, học tập kinh nghiệm về bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ do bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội dẫn đầu còn có cuộc làm việc với Hội LHPN các tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng, thăm và làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Những nỗ lực của Hội Phụ nữ trong công tác bình đẳng giới
Tiếp đoàn tại trụ sở Hội, bà Phan Thị Hòa Bình - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa chia sẻ với đoàn công tác về các hoạt động của chị em phụ nữ Khánh Hòa trong việc chăm lo đời sống của hội viên, phụ nữ. Toàn tỉnh hiện có 4.791/5.636 hộ phụ nữ nghèo (chiếm 90,3% hộ nghèo toàn tỉnh), trong đó, hộ phụ nữ nghèo có khả năng thoát nghèo là 3.314 hộ (chiếm 66% hộ PN nghèo). Hiện tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.737 tỷ đồng cho 54.544 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 134,124 tỷ đồng cho 1.555 hộ vay. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”, các cấp Hội tỉnh đã chủ động, phối hợp ban ngành liên quan tổ chức 10 lớp tập huấn, tổ chức cho phụ nữ khởi nghiệp tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, các sản phẩm thủ công do phụ nữ khuyết tật làm ra... Các cấp Hội đã phối hợp các Trung tâm dạy nghề, Hội Khuyến nông ở địa phương đào tạo nghề may, nấu ăn, đan móc, trồng nấm cho 1.434 chị, giới thiệu 1.127 hội viên, phụ nữ làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cũng được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thông qua nhiều hình thức phong phú, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 225 lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình... cho 18.120 hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 480 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 26 mô hình “Phụ nữ với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý”...
Về công tác tham mưu tạo nguồn, đề xuất công tác cán bộ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội nắm tình hình cán bộ nữ và chủ động làm việc với các cấp ủy để thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nữ, rà soát, phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ và đề xuất cấp ủy quy hoạch, bố trí vào những vị trí phù hợp.
Làm việc với Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hội Phạm Thị Ánh Tuyết cho biết, Lâm Đồng là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 2 Thành phố, 10 huyện, 142 xã, phường, thị trấn với 47 dân tộc anh em. Địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, khu vực vùng sâu nhất cách Thành phố chừng 250km. Năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN Lâm Đồng đã ban hành 379 văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các chương trình phối hợp với các ngành. Triển khai kế hoạch thực hiện các Đề án 938, 939, 1893 và Dự án 8 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, 2 khâu đột phá và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Hội; công tác bình đẳng giới, phổ biến giáo dục pháp luật…đến cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết cũng cho biết: Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ: 2021-2025 với hợp phần Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh tham gia được triển khai thực hiện tại 72 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 32 xã của 7 huyện là Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương và Đơn Dương. Tỉnh Hội đã xây dựng các kế hoạch hoạt động năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 tập trung vào 4 nội dung tuyên truyền thay đổi “nếp nghĩ cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới.
Về công tác bình đẳng giới, bà Phạm Thị Ánh Tuyết cho biết: Các huyện, thành Hội tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về bình đẳng giới, về thực hiện các quy định của pháp luật như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề: “Phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới”; mất cân bằng giới tính khi sinh,...; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và công tác phụ nữ cho trên 55.263 lượt cán bộ, hội viên; về việc đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Tỉnh Hội Phụ nữ Lâm Đồng thường xuyên chú trọng giới thiệu phụ nữ ưu tú, tạo nguồn cán bộ nữ, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; đề xuất, tham mưu cấp ủy các cấp quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp hiện vẫn còn khiêm tốn.
Hà Nội: Tỷ lệ nữ trúng cử cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ qua
Trên tinh thần chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm công tác Hội giữa các địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Trưởng đoàn Công tác cho biết: Xác định năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, ngay từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Thành phố đã chủ động tham mưu trình UBND TP ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn Thành phố.
Năm 2022, trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN TP, UBND Thành phố đã ban hành 6 chương trình, kế hoạch giai đoạn về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ; đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”; “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”...
Đặc biệt trong công tác cán bộ nữ, Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 30/12/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ”.
Kết quả, tỷ lệ nữ thành ủy viên nhiệm kỳ khóa XVII đạt 19,7%, cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ qua. Cấp huyện 24,1% (tăng 8,03%). Trong cơ quan dân cử, nữ đại biểu HĐND cấp Thành phố đạt 25,26% (tăng 1,5%), cấp huyện 33,37% (tăng 3,28%).
Tỷ lệ nữ đại biểu trúng cử HĐND Thành phố: 24/95 = 25.26% (tăng 1.46% so với nhiệm kỳ 2016-2021: 25/105); đại biểu HĐND cấp huyện: 347/1075 = 32,28% (tăng 2.3% so với nhiệm kỳ trước 356/1.183 = 30%); đại biểu HĐND cấp xã: 26,27%.
Tính đến nay, số lượng nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền cấp địa phương tại các cơ quan, tổ chức hành chính: Cấp TP: 20/104, đạt tỉ lệ 19,2%; Cấp huyện: 406/1.370, đạt tỉ lệ 29,6%, có 12/30 UBND cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Cấp xã: 322/2.019, đạt tỉ lệ 15,9%, có 58/579 UBND cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ.