Hỗ trợ doanh nghiệp nữ thích ứng với chuyển đổi số

Bài và ảnh: Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) -“Trong quá trình triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. Nhiệm vụ của chúng tôi là gỡ rào cản và giúp chị em ngày một tiệm cận dần với quá trình này”.

Hỗ trợ doanh nghiệp nữ thích ứng với chuyển đổi số - ảnh 1
Người xem nô nức mua sắm tại gian hàng trong khuôn khổ Hội thảo Ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng mô hình kết nối quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền

Đó là những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội, tại Hội thảo Ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng mô hình kết nối quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền được tổ chức tại quận Hoàng Mai từ ngày 16-18/12.

Mang sản phẩm đến bày bán tại chương trình, chị Trần Thị Minh Đức, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã thương mại và xuất nhập khẩu Đức Anh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) nhớ lại, trước khi thành lập hợp tác xã, các chị em đều kinh doanh nhỏ lẻ, có một lượng khách hàng ít ỏi, chủ yếu là khách quen và rất bối rối trong việc tìm đầu ra. Lại gặp ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến khó càng thêm khó. Khi đó, được sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN, các chị đã thành lập được hợp tác xã do phụ nữ làm chủ với 20 thành viên, kinh doanh ngành nghề may mặc, đặt trụ sở tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và có xưởng dệt may ở Nam Định.

“Sau khi thành lập hợp tác xã, chúng tôi được Hội Phụ nữ, nhất là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu nhiều kênh bán hàng, cả trực tiếp (qua các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm và các ban, ngành của thành phố tổ chức) và trực tuyến. Ngoài ra, các chị em còn tham gia học bán hàng livestream, cách tiếp thị sản phẩm do các chuyên gia được Trung tâm mời về dạy. Từ đó, chị em thêm mạnh dạn đưa sản phẩm của mình “lên sàn”. Đến nay, chúng tôi đã có những đơn hàng sang Lào, Campuchia, một số chị em có thể có thu nhập lên đến 20 triệu đồng/ tháng”- chị Trần Thị Minh Đức nói.

Trên cương vị là Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Hà Nội, bà Hảo cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số như: Sự chuyển dịch, thay đổi thói quen của người tiêu dùng, sự sẵn sàng của công nghệ và của các nhà cung cấp chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số như hạn chế về tài chính, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm triển khai, thiếu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số. 

Chia sẻ kinh nghiệm “hòa nhập” vào quá trình chuyển đổi số thế nào để thành công, bà Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc HTX Liên minh Nữ Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ tâm, đơn vị có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cho rằng, nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức uy tín như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ phát triển phụ nữ để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm là rất đáng quý, nhưng điều tiên quyết vẫn là chất lượng sản phẩm mình làm ra “níu” được chân khách hàng.

Trong 5 năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã giao cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội tham mưu triển khai nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ 3.279 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hỗ trợ trên 130.700 phụ nữ tiếp cận nguồn vốn tín chấp hơn 7.000 tỷ đồng. Hàng ngàn phụ nữ khởi nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ được hỗ trợ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tiếp và trực tuyến. Trên 200 chủ thể nữ đã có 324 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; 275 doanh nghiệp nữ được kết nối xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.