Chào mừng 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3:
Khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước
(PNTĐ) -Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Báo Phụ nữ Thủ đô đã phỏng vấn bà Lê Kim Anh, Ủy viên ĐCT Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội về việc xây dựng các tiêu chí của người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thủ đô nói riêng đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của thời đại, từ đó khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của phụ nữ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.


* Nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, lời đầu tiên, xin kính chúc bà nhiều sức khỏe, hạnh phúc. Thưa bà, nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Bà có thể đánh giá về ý nghĩa và sự cần thiết của phong trào này?
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới trong quá trình xây dựng và phát triển con người nói chung, phụ nữ nói riêng. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một mặt khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người phụ nữ. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và sự phát triển của phụ nữ như: Biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự gia tăng các loại tội phạm mới, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh, bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới…
Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” với bốn tiêu chí: Có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Các nội dung của phong trào hướng tới xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, bám sát quan điểm trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển con người toàn diện, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới “gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”, cả về đạo đức, tâm hồn, thể chất đến trí tuệ, năng lực. Đây cũng là sự kế thừa các nội dung phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã được các cấp Hội triển khai thực hiện qua 4 nhiệm kỳ (Trung ương Hội phát động năm 2002). Phong trào tạo động lực để mỗi người phụ nữ cũng như các tầng lớp phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống, tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên, khẳng định tiềm năng, sức sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.


* Thực hiện phong trào của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội xác định người phụ nữ Thủ đô trong thời đại mới sẽ có những tiêu chí cốt lõi nào mang nét văn hóa riêng của mảnh đất ngàn năm văn hiến?
Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được triển khai thực hiện trong các cấp Hội Phụ nữ cả nước trong đó có thành phố Hà Nội. Với vị trí đặc biệt là Thủ đô, trái tim của cả nước; nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, linh thiêng và hào hoa; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (tháng 10/2020) đã xác định chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển”.
Cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2026”, Đại hội Đại biểu Phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã phát động phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu-Sáng tạo-Đảm đang-Thanh lịch” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước.
* Vậy, phong trào “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu -Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch?” đã và đang được các cấp Hội LHPN Hà Nội triển khai như thế nào, thưa bà?
Cụ thể hóa thực hiện Hướng dẫn số 06/HD-ĐCT ngày 07/9/2022 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, chỉ đạo các cấp Hội cụ thể hóa các nội dung thực hiện 4 tiêu chí phù hợp với phụ nữ trên các lĩnh vực, các nhóm đặc thù như nữ công chức, viên chức, lao động; nữ trí thức, nữ doanh nhân, nữ tiểu thương, phụ nữ hưu trí, nội trợ, lao động nữ nhập cư… Gắn việc triển khai phong trào thi đua với thực hiện cuộc vận động ‘Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không-3 sạch”.
Các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện như: Đa dạng các hình thức tuyên truyền giáo dục truyền thống, hoạt động về nguồn, tôn vinh Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam; động viên, khích lệ phụ nữ tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực, trau dồi kỹ năng công việc đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận nền kinh tế số. Phát huy vai trò của Hội trong hỗ trợ phụ nữ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện thể chất, sức khỏe, kỹ năng sống; nhân rộng các mô hình thể dục, thể thao quần chúng như Câu lạc bộ (CLB) dân vũ thể thao, CLB bóng chuyền hơi... tại các cơ sở Hội. Tổ chức một số sự kiện thường niên để tôn vinh tài năng, sự sáng tạo, vẻ đẹp của phụ nữ Thủ đô như chương trình Ngày hội sáng tạo phụ nữ Thủ đô; lễ hội Áo dài; hội khỏe phụ nữ Thủ đô; Tết trồng cây “Phụ nữ vun trồng tương lai”; chương trình biểu dương, tôn vinh Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu; giao lưu “Phụ nữ Thủ đô tự tin, hội nhập, kết nối thành công”... Đặc biệt quan tâm các hoạt động hỗ trợ nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương vươn lên, phát triển toàn diện.
Từ sau Đại hội Phụ nữ thành phố lần thứ XVI đến nay, Hội LHPN Thành phố đã chủ động tham mưu với UBND Thành phố phê duyệt, ban hành một số đề án, kế hoạch phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, đồng thời chăm lo thiết thực cho phụ nữ như Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”, Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2026”, Kế hoạch “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026” và Kế hoạch “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025”, Kế hoạch Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Tiếp tục triển khai đề án 938 của Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đến năm 2025; thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030...”.
Để phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, các cấp Hội cũng đã tích cực tuyên truyền, biểu dương gương điển hình tiên tiến, mô hình cách làm hay trên các lĩnh vực, lan tỏa, nhân lên những hành động đẹp, việc làm tốt, qua đó động viên khích lệ để có thêm nhiều gương phụ nữ Thủ đô “Trung hậu- Sáng tạo- Đảm đang-Thanh lịch” được biểu dương, tôn vinh, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch.