Giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2017-2022:

Những hy sinh tô thắm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam

Hoàng Lan - Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhân dịp 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức chương trình ý nghĩa “Giao lưu, biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2017-2022”. Chương trình đã đưa mọi người trở về một giai đoạn lịch sử hào hùng thông qua lời kể sống động của những nhân chứng đã xả thân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những hy sinh tô thắm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam - ảnh 1
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (bên phải) và bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội (bên trái) tặng hoa tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng Ảnh: Thanh Thanh

Những “huyền thoại” về tinh thần vượt khó, hy sinh vô bờ bến
Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng bà Bùi Thị Thịnh nữ cựu tù chính trị, Phó Ban liên lạc Nhà tù Hà Đông - Sơn Tây, Trưởng Ban liên lạc Căng 41-42 vẫn nhớ như in từng tháng ngày tuổi trẻ bà tham gia kháng chiến. Trong vai là nhân viên đánh máy của công an Hải Phòng, bà đã bí mật làm liên lạc viên cho cách mạng. Một lần, bà bị địch bắt do chúng phát hiện trong nhà bà chứa hai giỏ thuốc mà gia đình bà cất giấu để đợi thời cơ chuyển cho cách mạng. Kẻ địch đã dùng mọi đòn thù tra tấn dã man với bà như bỏ rắn vào quần, chích điện vào hai đầu vú khiến bà sống đi chết lại nhưng vẫn không thể khai thác được thông tin từ bà. Cuối cùng, chúng đành đưa bà vào nhà lao để tiếp tục áp chế.

 “Nhưng ở trong nhà lao, thấy nhiều chị em nữ tù không biết chữ, tôi lại dạy học cho các chị em nữ tù”- bà Thịnh chia sẻ

Sau 10 năm bị địch bắt giam, bà Thịnh đã trốn ra vùng tự do, tham gia ngành Giao thông Vận tải Liên khu III. Năm 1953, 1954 bà tham gia mở đường Vạn Mai, Suối Rút, cùng 3,4 nghìn dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi bà lập gia đình với một thương binh, cả hai cùng thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”. 

Những hy sinh tô thắm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội tặng Bằng khen cho các tập thể tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giai đoạn 2017-2022
Ảnh: Công Ngọc

Bà Lê Thị Vọng Hương, nữ thương binh hạng 4/4, Trung đoàn 963, Tổng cục Hậu cần cũng là minh chứng sống động cho sự tiếp nối tinh thần quả cảm của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Sinh năm 1951, 15 tuổi, bà Hương đã tình nguyện viết đơn xin vào quân ngũ dù biết mình chưa đủ tuổi. Tháng 12/1967, bà được điều động vào đất lửa Quảng Bình, làm nhiệm vụ cứu chữa thương bệnh binh và chăm sóc sức khỏe cho bà con Vân Kiều. Sau đó, bà lại sang thực hiện nhiệm vụ ở đất bạn Lào. Trong một chuyến hành quân vất vả, kéo dài, cơm vắt nằm rừng, bà mắc sốt rét ác tính và được cấp trên cho chuyển ra tuyến sau cùng với một số thương, bệnh binh. Không may, trên đường đi, xe bị trúng đạn. Dù sức khỏe đang yếu, lại bị thương vào đầu nhưng bà không màng an nguy của bản thân mà dành hết tâm sức cứu chữa cho các thương binh cho tới khi kiệt sức, ngất đi.  

Bà Nguyễn Thị Hà, vợ liệt sĩ, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Chương Mỹ lại khiến người nghe rưng rưng, hơn bao giờ hết thêm thấm thía về những đau thương, mất mát của chiến tranh đã làm bao nhiêu bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha… 

“Khi mang thai con được 3 tháng, tôi nhận được tin chồng mình hy sinh” - bà nghẹn ngào kể lại. Khi con lên 5 tháng tuổi, chính quyền tổ chức lễ báo tử cho chồng bà. Lễ báo tử chồng chưa xong, bà lại nhận tin mẹ mất. Vậy là từ năm 1979 đến nay, một ngày bà có hai cái giỗ mẹ đẻ và giỗ chồng. 

Ngày đó, gia đình nhà chồng bà có bà ngoại, bố mẹ chồng và có 4 em trong đó có 3 em vẫn còn đang đi học. Cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả, bà đã thay chồng vừa đảm đương việc nhà, vừa làm tốt công tác xã hội. Có thời gian bà công tác ở Hội LHPN huyện, sau đó chuyển sang Liên đoàn Lao động huyện và Ban Dân vận Huyện ủy.

Đó còn là nỗi nhớ và cả niềm tự hào về cha mẹ mình của chị Vương Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, con của liệt sĩ Vương Đình Khang hy sinh năm 1972 ở mặt trận Quảng Bình. Từ nhỏ, chị đã được chứng kiến những vất vả, tần tảo lam lũ của mẹ để thay chồng chăm lo cho đàn con thơ. Chị tự hỏi, không biết mẹ lấy đâu ra nhiều sức lực để vừa làm mẹ, vừa đảm đương các công việc ở địa phương. Và câu trả lời chính là mẹ chị cũng như nhiều bà mẹ Việt Nam khác đã làm nên “huyền thoại” về tinh thần vượt khó, sự hy sinh vô bờ bến cho gia đình, đất nước cả trong thời chiến cũng như trong thời bình. 

Tiếp nối truyền thống ấy, nhiều năm qua, từ khi tham gia hoạt động Hội, chị Hương đã cùng chị em hội viên phụ nữ tích cực triển khai các hoạt động gây quỹ, thăm hỏi, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các vợ liệt sĩ trên địa bàn. 
Và còn nhiều chia sẻ của các điển hình tiêu biểu khác đã giúp Chương trình hóa thành trường học giáo dục truyền thống sống động. Các bà, các chị đều có chung một tình yêu lớn dành cho Đảng, Bác Hồ, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Phấn khởi khi nhìn thấy cơ đồ của đất nước hôm nay, các bà, các chị  gửi lời nhắn tới các thế hệ trẻ hãy nỗ lực hơn nữa, luôn trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ để tiếp tục giữ gìn và phát triển đất nước.

Tri ân đóng góp của cha anh bằng những việc làm thiết thực
Xúc động và tự hào kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú đã cống hiến tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho đất nước. Các anh, các chị đã góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc, cho đất nước ngày hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. 

Những hy sinh tô thắm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam - ảnh 3
Các gương điển hình giao lưu tại chương trình Ảnh: Công Ngọc

 “Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ, các cô, các chị đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang và phẩm giá sáng ngời của phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, là những tấm gương sáng góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ phụ nữ Thủ đô hôm nay”- bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.

5 năm qua, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp Hội đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng 28 Mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ các vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh; gặp mặt, thăm hỏi tặng quà động viên 10.953 gia đình chính sách, mẹ, vợ liệt sĩ, thương binh; đỡ đầu chăm sóc 58 con liệt sĩ, thương binh; tặng 1.163 sổ tiết kiệm… trị giá gần 24 tỷ đồng. Vận động các nguồn lực hỗ trợ xây, sửa 81 nhà tình nghĩa trị giá 3 tỷ 421 triệu đồng; tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, “Vì Trường Sa”.

Tiêu biểu như các đơn vị Hội LHPN quận Ba Đình vận động sửa chữa 8 nhà tình nghĩa; quận Hoàng Mai tặng 1.149 suất quà cho các gia đình chính sách, 2 nhà tình nghĩa; quận Hà Đông hỗ trợ xây, sửa 3 nhà tình nghĩa, trên 3.500 suất quà, 220 sổ tiết kiệm. Huyện Chương Mỹ tặng 625 sổ tiết kiệm, trên 3.700 suất quà tặng gia đình chính sách, Hội Phụ nữ xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức)…

Bên cạnh đó các cấp Hội phát huy vai trò của đoàn thể chính trị-xã hội trong giám sát việc thực hiện chính sách đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ; tín chấp hỗ trợ các gia đình chính sách vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống; chủ động phối hợp với ngành y tế và các ngành chức năng tổ chức khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho hội viên thuộc gia đình chính sách.

Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội và mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh đề nghị các cấp Hội tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thành phố đối với người có công và công tác hậu phương quân đội. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của cán bộ, hội viên phụ nữ và con cháu trong gia đình. Tổ chức các hoạt động thiết thực làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Duy trì việc phụng dưỡng chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nữ cựu tù chính trị, mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh cô đơn, hoàn cảnh khó khăn. Vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia đóng góp xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.