Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống

Nguyễn NGA - HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chương trình “Giao lưu, tôn vinh nữ nghệ nhân làng nghề và quảng bá sản phẩm sáng tạo làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2023” do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề thành phố Hà Nội tổ chức trong dịp kỷ niệm ngày 8/3 vừa qua, không chỉ nhằm tôn vinh tài năng, đóng góp của các nữ nghệ nhân mà còn là cơ hội để 52 nghệ nhân tiếp lửa đam mê, cùng nhau giữ nghề truyền thống.

Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống - ảnh 1
Nghệ nhân Phan Thị Thuận, làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức giới thiệu sản phẩm khăn dệt từ tơ sen. Ảnh: H.L

Xúc động những câu chuyện giữ lửa nghề
Chương trình được tổ chức ngày 7/3 tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt với nhiều hoạt động ý nghĩa như trình diễn nghề của 17 nghệ nhân, thợ giỏi đại diện cho các làng nghề của Thủ đô; giao lưu với các nghệ nhân tiêu biểu, vinh danh 10 nữ nghệ nhân tiêu biểu vì những nỗ lực phát triển làng nghề, tích cực tham gia phong trào phụ nữ Thành phố và địa phương; tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống…

Cả đời gắn bó với nghề dệt lụa, đôi tay bà Phan Thị Thuận, làng dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức đã dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm từ lụa nhưng mỗi sản phẩm, dù là nhỏ như chiếc khăn tay với bà cũng đều quý giá. Đến với chương trình, bà có một gian trưng bày các sản phẩm và tham gia giao lưu. Bà chia sẻ: Lúc nào, tôi cũng thấy trong mình đầy ắp tình yêu lụa và nghề dệt lụa. Rồi tôi tự hỏi, mình cần làm gì đây để giữ gìn và phát huy nghề dệt lụa của ông cha. Cách mà bà chọn là tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Bà cũng luôn sáng tạo trong nghề, tìm tòi cách dệt lụa từ tơ sen đa dạng hóa sản phẩm để lụa đến gần hơn với công chúng. “Lụa không chỉ là khăn quàng cổ, mà còn có thể là áo ấm, là tấm chăn, chiếc gối mọi người dùng hàng ngày. Có như vậy thì lụa mới có sức sống lâu bền”, bà nói trên sân khấu tại buổi giao lưu. Đúng như bà mong đợi, hiện nay, sản phẩm lụa của làng dệt Phùng Xá đang ngày một đi xa, được đông đảo khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhiều người đã tìm mua tấm vỏ áo gối, khăn tay… dệt từ tơ sen của bà Thuận để sử dụng mỗi ngày. 

Cũng sinh ra và lớn lên trong nôi gấm lụa hơn nghìn năm, Nghệ nhân Nghiêm Thị Thu Hương (làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông) không chỉ có đôi tay khéo dệt lụa mà còn được vinh danh vì những thiết kế, sáng tạo từ lụa. Là 1 trong 3 nữ nghệ nhân được mời giao lưu tại chương trình, những lời kể không cần hoa mỹ của bà vẫn giúp cho người nghe cảm nhận được bà yêu nghề lụa như thế nào. Để nghề lụa có thể phát triển rực rỡ hơn nữa, bà cho rằng, cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp quy trình sản xuất lụa hiện đại và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm lụa rộng rãi ở thị trường trong nước, quốc tế. 

Với lòng yêu nghề, sức trẻ, dám nghĩ, dám làm, nữ Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh không chỉ nối nghiệp nghề làm gốm sứ của gia đình mà còn đưa nghề phát triển lên một bước mới. Quỳnh đã bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ của đời xưa bằng cách làm mới lại rồi đưa vào các sản phẩm gốm đương đại. Không những thế, chị còn dát vàng lên họa tiết trên sản phẩm khiến giá trị sản phẩm nâng lên nhiều lần. Giao lưu tại chương trình, chị Quỳnh bày tỏ, trong tương lai muốn đưa sản phẩm gốm sứ đắp nổi 3D ra thế giới để bạn bè quốc tế thấy rằng, những người thợ Việt hoàn toàn có thể làm ra những chiếc bình gốm sứ tinh xảo, điêu luyện. 

Với chương trình giao lưu và tôn vinh nữ nghệ nhân, Hội LHPN Hà Nội mong muốn góp phần quảng bá, lan tỏa tinh hoa làng nghề Hà Nội, trách nhiệm của mỗi người và cả cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị nghề và làng nghề truyền thống, phát triển du lịch làng nghề của Thủ đô.
Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống - ảnh 2
Nghệ nhân Tạ Thu Hương  được vinh danh tại Chương trình

Nghệ nhân Tạ Thu Hương -người con của làng nón Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai đã mang tới chương trình một gian trưng bày với những sản phẩm nón đẹp mắt. Đôi bàn tay tài hoa của chị trình diễn làm nón ngay tại gian hàng khiến khách tham quan phải trầm trồ khen ngợi. 

Chị Hương chia sẻ, phía sau một chiếc nón lá đẹp là cả sự kỳ công của người thợ làm nón. Những búp lá cọ tươi mua từ vùng nguyên liệu như Hương Sơn, Hà Tĩnh được vò với cát để làm bông. Sau đó, lá được phơi qua 3 nắng, nếu không có nắng thì phải qua sấy bằng than rồi là dưới lưỡi cày nóng bọc giẻ. Sau khi khâu nón với kim, cước lần lượt từ các vòng nón trên đỉnh xuống đến vòng cạp là công đoạn nức nón. Một người thợ lành nghề, trong một ngày, chỉ có thể làm ra 1 chiếc nón lá tốt tính từ công đoạn rẽ lá, là lá, bứt vòng, quay nón, khâu, nức nón. Ngay cả trong thời đại công nghệ này, các công đoạn làm nón này gần như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn theo phương pháp thủ công mà không máy móc nào có thể thay thế. Bao năm gắn bó với nghề làm nón, thăng có, trầm có, nhưng tình yêu với nón lá của chị Hương chưa bao giờ cạn mà ngày càng nhiều thêm lên. 

Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống - ảnh 3
Các đại biểu tại gian biểu diễn làm chuồn chuồn tre
Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống - ảnh 4
Các nghệ nhân biểu diễn tài nghệ tại chương trình

Và còn rất nhiều những câu chuyện của các nữ nghệ nhân đem tới chương trình. Mỗi nghệ nhân có thể làm một nghề truyền thống khác nhau như người làm gốm, người đan lát, người khắc gỗ, người là nghệ nhân làm chuồn chuồn tre, quạt giấy... nhưng tất cả đều giống nhau ở sự khổ luyện thành tài, lòng nhiệt huyết, óc sáng tạo và khát khao muốn góp sức mình để giữ sức sống trường tồn cho nghề truyền thống của dân tộc.

Cuối cùng, họ đã thành công để có mặt trong chương trình hôm nay. Các chị xúc động cho biết: Đây sẽ là động lực để họ nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong hành trình giữ gìn, nối tiếp nghề cha ông. 

Hội LHPN Hà Nội đồng hành cùng các nữ nghệ nhân
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô ngàn năm Văn hiến - Anh hùng, tự hào là nơi hội tụ, kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, nơi chiếm 1/3 số làng nghề của cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Sản phẩm làng nghề nổi tiếng của Thủ đô như: Gốm sứ Bát Tràng, dát vàng Kiêu Kỵ, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu ren Quất Động, lụa Hà Đông, áo dài Trạch Xá, nón lá làng Chuông, xôi Phú Thượng... không chỉ mang lại giá trị kinh tế, phát triển du lịch mà còn kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa, con người Hà Nội và Việt Nam với thế giới.

Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống - ảnh 5
Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại Chương trình

Phụ nữ chiếm 65% trong tổng số lao động tại các làng nghề, với khoảng 10% lực lượng nghệ nhân làng nghề, bằng tâm huyết, tình yêu nghề, tinh thần cần cù, chịu khó và bàn tay tài hoa, chị em đang ngày đêm cùng cộng đồng nghệ nhân, thợ giỏi “giữ lửa” nghề truyền thống.

Nữ nghệ nhân tiếp lửa đam mê, giữ nghề truyền thống - ảnh 6
Các nghệ nhân giao lưu tại chương trình. Ảnh: H.L

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, ba năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Hội làng nghề các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về nghề truyền thống và sản phẩm OCOP gắn với thương mại, du lịch, dịch vụ. Đến nay, có 1.870 lao động nữ làng nghề được bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề; 12 dự án, ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ khởi nghiệp từ làng nghề được Hội LHPN Hà Nội công nhận trong các cuộc thi ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô; 422 chủ thể tại làng nghề được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP và kết nối xúc tiến thương mại.

Hội LHPN Hà Nội cũng nỗ lực triển khai các đề án: “Phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp”. Tín chấp ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ 153.084 phụ nữ được vay tổng số vốn 7.605 tỷ đồng để phát triển kinh tế, trong đó có 38.250 phụ nữ tại các làng nghề.

Các hoạt động của tổ chức Hội đã góp phần giúp phụ nữ trong các làng nghề thêm tự tin, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, nâng cao tay nghề, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc, tinh tế, có uy tín tại thị trường trong nước và quốc tế, nhiều chị trở thành nghệ nhân ưu tú, tích cực truyền nghề, nhân cấy nghề, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.