Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Bài và ảnh Thanh thanh - Nhung Quỳnh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện việc thu gom, phân loại, tích cực tham gia phong trào“Chống rác thải nhựa”, đồng thời triển khai nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực giúp môi trường thêm xanh - sạch - đẹp.

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 1
Hội LHPN phường Phú Lương ra mắt “Ngôi nhà xanh thân thiện với môi trường” tại Tổ dân phố 16 và tặng 50 làn nhựa bằng dây nhựa tái chế cho cán bộ, hội viên

Biến rác thành tiền
Chị Vũ Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Quang, huyện Ba Vì cho biết: “Từ ngày được Hội Phụ nữ các cấp và các chuyên gia về môi trường tuyên truyền kiến thức về rác thải nhựa, hội viên phụ nữ tại các chi hội đã thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, tích cực sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa”. Nhiều hội viên đã thay đổi thói quen đi chợ sử dụng túi nilon bằng làn nhựa. Một số hội viên khác đã sử dụng túi thân thiện với môi trường trong bảo quản thực phẩm hàng ngày… 

Tại huyện Ba Vì, Hội Phụ nữ huyện đã và đang triển khai rất nhiều mô hình hay như: “Phụ nữ sống xanh”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt”; “Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường”…

Theo bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân, đầu năm 2022, Quận Hội đã ban hành Kế hoạch số 05 triển khai thực hiện mô hình “Phụ nữ Thanh Xuân thu gom rác thải nhựa, phế liệu, làm sạch môi trường, góp 5.000 phần quà hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”. Mô hình đã thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật và Công nghệ, Tổng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết: Hàng ngày, khối lượng rác phát sinh tại Thủ đô Hà Nội lên đến 6.500 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nhựa chiếm 17,14%. Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội, mới chỉ có 2% nhựa được tái chế, còn lại rác thải nhựa đều bị thải ra môi trường. Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng cho thấy, số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên chóng mặt, từ 3,8 kg/người/năm lên đến 41 kg/người/năm. Đáng báo động, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Song, chỉ có khoảng 11-12% lượng chất thải được xử lý, tái chế. Số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra môi trường. Việc thu gom và phân loại được xem là vấn đề then chốt để giúp tăng tỷ lệ tái chế, ứng dụng công nghệ để có thể tái chế nhiều loại rác thải hơn cũng như tăng năng suất tái chế. Với sự chung tay vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và của mỗi hội viên phụ nữ, nhân dân và cộng đồng đã và đang góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp hơn.

Từ mô hình này, các cấp Hội Phụ nữ đã phát huy vai trò tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt, hạn chế mức độ gia tăng của rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, biến rác thành tiền, tạo nguồn kinh phí từ phân loại và thu gom phế liệu gây quỹ ủng hộ Chương trình “Đồng hành cùng con”, “Mẹ đỡ đầu” để tặng quà cho phụ nữ, trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Sau 9 tháng triển khai mô hình, đến nay các cấp Hội PN đã thu gom được trên 200 tấn phế liệu, “Biến rác thành tiền”, và từ các nguồn xã hội hóa tặng 5.733 suất quà cho phụ nữ, trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận, với tổng trị giá hơn 700 triệu đồng.  
Từ tháng 8/2021, Hội LHPN phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã triển khai mô hình thu gom và phân loại rác thải tại nguồn. Đây là mô hình được thành lập dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN quận Nam Từ Liêm, đơn vị tài trợ là Trung tâm bảo tồn Đại Dương và Trung tâm môi trường và phát triển cộng đồng. Hội LHPN phường Mễ Trì đã thành lập tổ nòng cốt gồm các chi hội trưởng, chi hội phó Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ và các hội viên tiêu biểu, triển khai mô hình điểm là Chi hội 8 và Chi hội 11. Vào cuối tuần, các chị trong tổ - cũng làm nghề ve chai trên địa bàn phường đến thu gom để đưa đến điểm tập kết. Đến nay, Hội đã thu gom được 8.000kg vỏ hộp sữa và túi nilon. Công ty Lagom hỗ trợ thu gom phế liệu tại nơi tập kết, với giá 1,5 nghìn đồng/kg vỏ hộp sữa, và 3 nghìn đồng/kg túi nilon.

Để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ trong bảo vệ môi trường Thủ đô, năm 2022, Hội PN quận Đống Đa đã phát động tới gần 3,9 vạn hội viên phụ nữ hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, thu gom rác thải nhựa đổi lấy cây xanh với thông điệp tuyên truyền sâu rộng Luật Bảo vệ môi trường năm 2022; tác hại của rác thải nhựa với sức khỏe con người và sự phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện nền nếp tổng vệ sinh môi trường vào sáng thứ 7 hàng tuần, cam kết đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng; tích cực thu gom rác thải nhựa, sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường thay thế sử dụng túi nilon..., hướng đến không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày. Hội Phụ nữ 21 phường chủ động tham mưu, cấp ủy chỉ đạo hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc vận động toàn dân tích cực, tự giác thu gom rác thải, xóa điểm đen, chân rác, phân loại rác thải tại nhà... 
Mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện” cũng được các cấp Hội Phụ nữ triển khai tại các quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thường Tín, Gia Lâm, Quốc Oai, Đông Anh... Trung bình mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng để giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

Bà Lê Kim Anh, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: “Những mô hình trên của các chị em phụ nữ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường”. 

Lan tỏa mô hình “Ngôi nhà xanh”
Nhiều năm nay, cán bộ, hội viên phụ nữ phường Phú Lãm, quận Hà Đông mỗi khi có dịp đi đám cưới, hay dự hội nghị, liên hoan nào đó, các bà, các chị toàn ở lại sau cùng, là để thu gom vỏ chai nhựa, lon bia, gom góp từng chút một để đổi phế liệu lấy kinh phí cho các phong trào Hội. Bà Đỗ Thị Xuyên, Chi hội phụ nữ số 7 phường Phú Lãm hào hứng cho biết các con rất hưởng ứng, giúp mẹ thu gom rác thải, phế liệu có thể tái chế mà mẹ đang làm. 

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 2
Mô hình “Ngôi nhà xanh” của phụ nữ phường Gia Thụy, quận Long Biên

Làm công việc sạch đường, sạch phố, sạch Thủ đô chính là sạch cho gia đình mình. Ý thức đó, không phải ngày một, ngày hai mà có được. Ở Phú Lãm, các cô đã duy trì việc thu gom phế liệu gây quỹ được một thời gian dài, đều đặn gần như 100% hội viên tham gia, sáng thứ 7 nào cũng từ 7h-8h sẽ tập trung tại nhà văn hóa của TDP để tham gia thu gom. Đầu năm nay, Hội LHPN phường Phú Lãm mạnh dạn chọn Chi hội 2 và Chi hội 8 “xung phong” thực hiện mô hình “Ngôi nhà xanh” - vừa nâng cao vai trò của việc phân loại rác thải, tái chế rác thải nhựa, vừa tiện cho cán bộ, hội viên có nơi lưu trữ phế liệu đảm bảo, thay vì trước đây để tạm tại nhà văn hóa tổ dân phố.

“Ngôi nhà xanh” được đặt tại nhà văn hóa tổ dân phố số 8 phường Phú Lãm. Ngôi nhà được thiết kế đảm bảo phù hợp, gọn nhẹ, thuận tiện cho chị em phụ nữ sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt; chị em thu gom các loại rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, giấy vụn, vỏ lon, giấy bìa... thả vào “Ngôi nhà xanh”.

Theo Chủ tịch Hội LHPN phường, chị Nguyễn Phương Thảo, từ ngày có “Ngôi nhà xanh” - giống như một địa chỉ tập kết quen thuộc, không chỉ hội viên phụ nữ mà người dân cũng rất hăng hái tham gia đóng góp. “Trước đây khi chưa có mô hình, mỗi tuần đều đặn có 1-2 lần thu gom phế liệu, cần có người giám sát, đứng phân loại, hỗ trợ, thì nay bất kỳ lúc nào người dân, cán bộ, hội viên phụ nữ cũng có thể đóng góp rác thải nhựa một cách dễ dàng”. “Ngôi nhà xanh” sẽ tổng kết và bán phế liệu vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần. Số tiền thu được (từ 300-500 nghìn đồng/lần) sử dụng cho các hoạt động Hội, thăm hỏi hội viên khó khăn và một số công tác từ thiện, nhân đạo khác.

Tiếp theo Phú Lãm, Hội LHPN phường Phú Lương cũng cho ra mắt “Ngôi nhà xanh thân thiện với môi trường” tại Tổ dân phố 16. Tương tự, tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, từ ngày mô hình “Ngôi nhà xanh, thu gom rác thải nhựa gây quỹ từ thiện” do Hội PN triển khai được đặt tại các địa điểm dễ nhìn, dễ thấy, đảm bảo mỹ quan đô thị. Từ đó, ý thức, thói quen phân loại rác thải, bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân cũng đi lên. Nhiều thói quen tốt được hình thành như: Phân loại rác tại gia đình, giữ lại và xử lý sạch rác thải nhựa; sử dụng bình nước cá nhân thay vì dùng cốc sử dụng một lần; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần… Việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” nhận được sự hưởng tích cực của người dân, giúp thay thói quen sinh hoạt thân thiện với môi trường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể

(PNTĐ) -Sáng ngày 25/4/2024, được sự chỉ đạo và hỗ trợ của Đoàn Chủ tịch TW Hội và Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.