Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn

Bài và ảnh: Thanh - Nhung - Quỳnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng không ngừng tăng lên cho thấy việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn có ý nghĩa rất cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cấp Hội Phụ nữ vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể nhằm đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 1
Hội LHPN huyện Gia Lâm triển khai mô hình thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn

Khó mấy cũng phải làm 
Tháng 6/2022, Hội LHPN phường Việt Hưng, quận Long Biên ra mắt mô hình “Xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình”, chị Trần Thị Việt Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: “Cán bộ, hội viên nòng cốt đã tích cực trực tiếp vừa làm vừa đến từng hộ gia đình hướng dẫn chị em phân loại rác, rác vô cơ mang đổi quà lấy cây xanh, còn với rác hữu cơ cán bộ Hội đã hướng dẫn chị em cách ủ men vi sinh để làm phân bón cho cây. Nhờ có những cán bộ Hội, mô hình mới này đã được các gia đình đón nhận, thu về những kết quả tích cực giúp giảm đáng kể lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, bớt đi gánh nặng cho công nhân vệ sinh. “Tuy nhiên, thuận lợi ấy cũng chính là khó khăn. Bởi việc phân loại rác vẫn mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động. Nhà nào không đồng ý làm, chúng tôi cũng đành chịu”, chị Việt Hà trăn trở.

Hiện nay, rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh. Tuy nhiên, đầu ra cho phân bón vi sinh thiếu ổn định, sản phẩm rất khó tiêu thụ trên thị trường. Nhiều nơi, rác được phân loại tại nguồn nhưng sau đó lại đem đổ chung vào xe gom rác mang đi chôn, do đó, quy trình xử lý hậu kiểm vẫn còn những vấn đề đáng bàn. Ngược lại, có địa phương cần phân bón vi sinh để bón cây trong nhà đến chăm sóc các vườn hoa thì lại không biết tìm ở đâu bán loại men vi sinh phù hợp. Ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng - địa phương đang nỗ lực tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Thị Phương than thở: “Nhân dân, hội viên phụ nữ rất muốn nhân rộng mô hình, nhưng khi hết số lượng men được cấp để thí điểm thì bà con, chị em không biết mua tiếp ở đâu, hỏi các cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng đều… lắc đầu!”. Thực tế, việc phân loại rác tại nguồn còn mang tính riêng lẻ, không đồng bộ và khó được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Ngoài ra, các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn.

Để việc tái chế rác thải hữu cơ sử dụng hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững , ThS. Bùi Thị Hồng Hà - Giám đốc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) nhớ lại lần chị cùng đoàn công tác tập huấn cho bà con ở huyện Đông Anh ủ rác thành phân bón. “Vì mô hình còn mới nên có khi nhiều đội nòng cốt dù đã được tập huấn kỹ vẫn chưa nắm được kỹ thuật. Chúng tôi ngoài đào tạo ra lúc họ đi tập huấn cho dân vẫn phải đi cùng để giải đáp thỏa đáng cho bà con. Như ở thôn Nghĩa Vũ huyện Đông Anh, khi bà con phản ánh rác ủ có mùi, có giòi, chúng tôi hỏi kỹ, quan sát cách họ làm rồi kết luận luôn hộ đó làm sai ở đâu, cách khắc phục. Mỗi lần đi tập huấn ở xã mới, chúng tôi thường mời cả cán bộ nòng cốt ở các thôn cũ đã thành công để họ truyền cho nhau kinh nghiệm. Có như vậy, người dân mới đủ kiên trì và tin tưởng vào mô hình để làm đến nơi đến chốn, đến khi có hiệu quả thực sự thì thôi”, bà Hà cho hay. Với nỗ lực bền bỉ của cán bộ Hội và sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương thì lợi ích mà phân loại rác tại nguồn đem lại đã rõ ràng. Đó là, từ sau khi triển khai mô hình thí điểm, lượng rác thải phải chôn lấp giảm từ 50-70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ gia đình tham gia tích cực mô hình.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội: Thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ đã và đang nỗ lực duy trì hiệu quả các mô hình hay như “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường”; “Tiết kiệm đồ tái chế, trồng cây xanh”; “Sử dụng túi thân thiện với môi trường để đi chợ thay thế túi nilon”, Mô hình “Sạch đồng ruộng”… Đặc biệt năm 2022 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1843/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”. Trong đó với mục tiêu cụ thể đó là, TP Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”, mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch”… 

Cần giải pháp đồng bộ
Thạc sỹ Đỗ Thị Huyền, chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu cho biết, trung bình mỗi ngày, rác thải sinh hoạt ở Hà Nội là khoảng 7.000 tấn/ngày. Mỗi ngày, lượng rác thải nhựa của Hà Nội là khoảng 490-560 tấn. Tính trung bình, mỗi hộ gia đình, lượng rác thải nhựa là 0,4-0,5 kg/ngày, trung bình 5 túi nilon/ngày… Để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, cần phát huy vai trò của phụ nữ trong giảm ô nhiễm rác thải nhựa thông qua phân loại, thu gom và tái chế rác thải. 

Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn - ảnh 2
Cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tích cực tham gia phân loại rác thải tái chế

Thực tế tại các quận, huyện trên địa bàn TP, nhiều hộ gia đình đã có ý thức phân loại rác và phân loại đúng, tích cực tuyên truyền các hộ khác cùng thực hiện để giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do việc thực hiện phân loại rác tốn diện tích trừ những gia đình thực hiện thí điểm trong các mô hình phân loại rác thì người dân phải tự trang bị dụng cụ chứa 2 loại rác thải trong khi chờ xe đến thu gom nên kết quả chưa được như mong đợi. Hơn nữa, hoạt động thu gom chất thải sau phân loại vẫn chưa được thực hiện thống nhất và triệt để. 

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, để thực hiện thành công việc phân loại rác tại nguồn cần có sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP, các cơ quan chuyên môn của Nhà nước để người dân đồng tình tham gia. PGS.TS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh vai trò của các công ty thu gom rác thải. Bản thân những người công nhân thu gom sẽ là những người giám sát trực tiếp việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. 

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng tham gia và có những hình thức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, sinh động để người dân xác định rõ từng loại rác tránh nhầm lẫn giữa rác hữu cơ, vô cơ, rác không thể xử lý mà chỉ có thể chôn lấp. Không chỉ vậy, vai trò hạt nhân của mỗi gia đình cũng rất quan trọng. 

Theo ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực thu gom xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn TP chưa thể đáp ứng hết được yêu cầu. Thiết nghĩ để tháo gỡ khó khăn này, cần có sự đồng bộ cả về hạ tầng thu gom và xử lý rác thải sau khi phân loại tại nguồn. 
Theo luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đây là quy định mới, còn quy định hiện hành không quy định xử phạt về hành vi này. Tuy nhiên, những quy định mới này thời gian đầu sẽ khó có thể áp dụng vào thực tiễn đặc biệt là quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không phân loại rác. Bởi hiện nay, khi các cá nhân, hộ gia đình có ý thức thực hiện phân loại rác tại nguồn, song lại chưa đồng bộ với khâu thu gom, xử lý dẫn tới tình trạng chất thải được phân loại tại nguồn, nhưng không được thu gom, xử lý đúng quy định, khiến việc phân loại chất thải trở nên vô nghĩa. 

Bà Dương Thị Tơ, Giám đốc Trung tâm môi trường và phát triển cộng đồng, Hội Bảo vệ môi trường Việt Nam cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu về lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn, bởi theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đến 31/12/2024, bắt buộc các hộ gia đình phải thực hiện phân loại tại nhà để giảm thiểu rác phát sinh ra môi trường và giảm việc chôn lấp trực tiếp. Ở các gia đình nông thôn có diện tích vườn lớn, có thể xử lý rác thải hữu cơ tại nhà như chôn lấp, làm phân bón hữu cơ, phối hợp lao động ve chai để bán các sản phẩm rác tái chế….

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những giọt nước mắt đậm ân tình

Những giọt nước mắt đậm ân tình

(PNTĐ) - Chiều ngày 13/4,  Hội LHPN quận Cầu Giấy tổ chức nghiệm thu công trình Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường Mai Dịch. Xen lẫn những tiếng cười vui vì diện mạo mới của căn nhà là những giọt nước mắt xúc động, chan chứa tình cảm của lãnh đạo, người dân và các hội viên phụ nữ.