Hội LHPN quận Thanh Xuân:
Tập huấn nâng cao kỹ năng an toàn giao thông cho hội viên
(PNTĐ) - Chiều 15/11, tại UBND phường Thanh Xuân Bắc, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã phối hợp cùng Sở giao thông vận tải thành phố Hà Nội tổ chức "Hội nghị tập huấn kỹ năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, tham gia điều tiết giao thông năm 2022".
Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức pháp luật về giao thông, cũng như các kỹ năng trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và tham gia điều tiết giao thông cho các lực lượng tự quản, thanh niên tình nguyện, các đồng chí trưởng phó ban các đoàn thể chính trị và cán bộ hội viên phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc.
Tham dự có các đồng chí Đinh Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân; Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thanh Xuân Bắc; Phạm Thị Cúc Tú, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Xuân Bắc cùng các đồng chí là trưởng phó ban các đoàn thể chính trị phường và gần 200 cán bộ hội viên phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc.
Tại Hội nghị, Thạc sỹ Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố - báo cáo viên đã thông tin về tình hình an toàn giao thông trong những tháng đầu năm. Theo đó, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 4.733 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.761 người, bị thương 3.078 người. So với 5 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 800 vụ (tương đương 14,46%), giảm 30 người người chết (tương đương 1,07%) và giảm 875 người bị thương (tương đương 22,14%).
Chia sẻ về những nỗi đau khủng khiếp mà tai nạn giao thông gây ra, Thạc sỹ Tạ Đức Giang cho rằng, thiệt hại do tai nạn giao thông tại Việt Nam không gì có thể bù đắp được. Phía sau những vụ tai nạn giao thông là hàng vạn mái ấm gia đình bị tổn thương, hàng ngàn cháu nhỏ vĩnh viễn mất đi cha mẹ, các bậc phụ lão mất đi chốn nương tựa cho những năm tháng cuối đời. Ông nhấn mạnh, những nỗi đau này là lời nhắc nhở mạnh mẽ nhất cho tất cả mọi người về sự trân quý không gì so sánh được của sự sống, do đó, mỗi người hãy tự có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng khi tham gia giao thông.
Thạc sỹ Giang cũng nêu một số nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn thảm khốc như vượt đèn đỏ, không chú ý quan sát, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng điện thoại di động, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, không thắt dây an toàn khi lái ô tô, đặc biệt, lái xe sau khi sử dụng rượu bia.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), so với người không có nồng độ cồn trong máu, người điều khiển phương tiện giao thông mà nồng độ cồn trong máu ở mức 80mg/100ml máu có xác suất gây tai nạn giao thông gấp 27 lần; con số này là 30 lần đối với mức 160mg/100ml máu và xác suất gây tai nạn giao thông lên tới 150 lần khi nồng độ cồn trong máu đạt mức 240mg/100ml máu.
Tại Hội nghị, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố cũng nêu một số mức xử phạt hành chính về một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ căn cứ theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. Trong đó có các mức xử phạt hành chính về một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: không chấp hành hiệu lệnh, không đi đúng phần đường, làn đường quy định; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không tham gia cấp cứu người bị nạn; các hành vi vi phạm trên đường cao tốc; các mức xử phạt về nồng độ cồn, chất ma túy đối với người tham gia giao thông đường bộ và mức xử phạt đối với người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô, xe máy điện vi phạm khi tham gia giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, những tình huống thực tế gây ra tai nạn giao thông cũng được trình chiếu nhằm tăng cường nhận thức cho các đại biểu về sự nguy hiểm của tai nạn giao thông luôn rình rập bất cứ ai, bất cứ gia đình nào.
Qua Hội nghị, các đại biểu đã được cung cấp thêm những kiến thức bổ ích, cũng như các con số đáng lo ngại về tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn để từ đó, mỗi đại biểu sẽ trở thành một báo cáo viên tuyên truyền đến bạn bè, người thân, gia đình về những tác hại khôn lường của tai nạn giao thông và các mức xử phạt, cũng như những biện pháp để phòng tránh tai nạn giao thông. Từ đó kéo giảm số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông, góp phần tạo ra một môi trường tham gia giao thông lành mạnh, an toàn hơn trong xã hội.