Việt Nam góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức thăm Vương quốc Campuchia từ ngày 8 - 9/11/2022 và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan từ ngày 10 - 13/11/2022.

Việt Nam góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN - ảnh 1
Việt Nam góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung Ảnh: Int

Đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Campuchia trong “Năm Hữu nghị Việt Nam và Campuchia 2022”. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam - Campuchia tiếp tục phát triển ổn định. Hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1967 - 2022). Kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cùng Thủ tướng Hun Sen tham dự, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - Campuchia; hội kiến Quốc vương Norodom Shihamoni, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và gặp một số lãnh đạo Cấp cao của Campuchia.

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự trực tiếp các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Các Hội nghị Cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn hai năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia cũng như các thành viên khác của ASEAN không chỉ nhằm đảm bảo các Hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, mà còn góp phần đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác cũng như xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề mà ASEAN phải đối diện. Từ đó đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Liên quan đến tình hình Myanmar, là nước láng giềng trong khu vực và cũng là thành viên ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar và tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh.

 Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: “Với tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực của ASEAN nhằm hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là thông qua thực hiện hiệu quả Đồng thuận 5 điểm, với ưu tiên chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa các bên liên quan vì lợi ích của người dân Myanmar, vì đoàn kết, toàn vẹn ASEAN và hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực”. 

Bà Lê Thị Thu Hằng thông tin, việc hỗ trợ Myanmar cần được ASEAN triển khai theo từng bước cụ thể, thực hiện đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần phải là lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều phối các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho Myanmar.

Trước đó, tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) và các hội nghị liên quan tại khách sạn Sokha Siem Reap (tỉnh Siem Reap, Campuchia), Thủ tướng Hun Sen lưu ý, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển, ASEAN cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như hệ thống thương mại trên cơ sở luật lệ, nguyên tắc toàn cầu hóa, cơ chế đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, vấn đề chống bảo hộ và nâng cao khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, việc kết nối hậu cần, xây dựng kinh tế số, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch, phát triển bền vững, an ninh lương thực và đoàn kết.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.