31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn
(PNTĐ) - Ngày 30/3, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo về giải pháp tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em nông thôn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân, tuy nhiên chất lượng/điều kiện vệ sinh ở các hộ gia đình khu vực nông thôn vẫn là vấn đề cần được quan tâm.

Hơn 10 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác trong nước, tổ chức quốc tế, các cấp Hội đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia về vệ sinh và nước sạch giúp hàng triệu hộ gia đình phụ nữ cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhằm đóng góp có hiệu quả vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt tiêu chí 17.8: tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chí 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ theo nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia định 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN phát động, TW Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện 3 sạch, với mục tiêu đóng góp ít nhất 10% vào mục tiêu chung của cả nước.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở phát huy vai trò của các cấp Hội thông qua việc thực hiện thí điểm hỗ trợ kỹ thuật tại 4 tỉnh (Sóc Trăng, Cà Mau, Thái Nguyên, Gia Lai), với sự hỗ trợ kỹ thuật rất tích cực, chuyên sâu của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef. Đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt đề án do Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đề xuất và phân bổ kinh phí năm 2023 với số tiền trên 2 tỷ đồng, trong đó có Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng; đề án của Hội LHPN tỉnh Cà Mau cũng được các ban ngành thảo luận và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ủng hộ; kế hoạch của Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên được thảo luận và lãnh đạo sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, văn phòng điều phối nông thôn mới ủng hộ.
Hiện nay, còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh (khoảng gần 14 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn), 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em.
Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 20 nghìn ca tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm.Vệ sinh môi trường yếu kém sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây nên.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tiếp cận với nước và vệ sinh ở khu vực nông thôn một cách hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Các ý kiến của các đại biểu đề cập đến giải pháp như: Cần tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng, cung cấp thông tin, kiến thức cho hội viên, phụ nữ về nhà tiêu hợp vệ sinh, lợi ích của việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; cần xây dựng được mô hình mới, sáng tạo, thực hành tốt phù hợp với đặc điểm văn hóa người dân ở từng vùng miền.
Hỗ trợ các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo thuộc các xã dự kiến đạt tiêu chí nông thôn mới tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các quỹ hỗ trợ nước sạch, vệ sinh tại địa phương để xây dựng nhà tiêu, nhà tắm và thiết bị chứa nước hợp lý về sinh theo tiêu chuẩn của Bộ y tế, đảm bảo các tiêu chí "3 sạch" của Hội LHPN VIệt Nam và tiêu chí 17.8 trong chương trình Quốc gia về xã Nông thôn mới; tổ chức các mô hình tiết kiệm, xoay vòng vốn phù hợp để tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh trong gia đình….