Xây dựng người phụ nữ Thủ đô trong thời đại mới

Bài 3: Lan tỏa văn hóa ứng xử của phụ nữ Thủ đô

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nửa nhiệm kỳ qua, thực hiện 2 cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các cấp Hội Phụ nữ đã có nhiều cách làm sáng tạo và nhân rộng nhiều mô hình hay, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được ghi nhận, đánh giá cao, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bài 3: Lan tỏa văn hóa ứng xử của phụ nữ Thủ đô - ảnh 1
Hội LHPN huyện Thanh Trì ra mắt mô hình Danh lam thắng cảnh/Di tích kiểu mẫu tại khu Văn chỉ xã Yên Mỹ.

Cán bộ Hội kiêm “hướng dẫn viên du lịch”  

“Huyện Gia Lâm hiện có trên 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và tại xã Dương Xá có di tích đền thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1996. Nơi đây hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia cổ và quý hiếm mang ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc là tượng đôi sư tử điêu khắc bằng đá và khám thờ sơn son thiếp vàng có niên đại từ thời nhà Mạc”, đây là lời giới thiệu, quảng bá hình ảnh về di tích lịch sử tại quê hương của chị Phùng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Xá, huyện Gia Lâm kiêm “hướng dẫn viên du lịch” khi có các đoàn đại biểu và người dân tới tham quan, chiêm bái. 

Chị Yến chia sẻ, cái “duyên” khiến chị trở thành “hướng dẫn viên du lịch”, đó là khi Hội LHPN Hà Nội triển khai thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” trong các cấp Hội. Đặc biệt, năm 2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm đã vinh dự là một trong 2 tổ chức Hội Phụ nữ được Hội LHPN Hà Nội lựa chọn thực hiện điểm mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” của Thành phố tại xã Dương Xá với không gian thực hiện chính là Khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan gồm: Chùa Linh Nhân Tư Phúc, Đền thờ Bà Tấm, Điện Sơn Trang và Khu vực tượng đài Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Từ ngày ra mắt mô hình đến nay, Khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan hàng năm đón tiếp hàng nghìn lượt đoàn khách tới tham quan. Trong đó có vai trò, sự đóng góp bền bỉ, trách nhiệm của tổ chức Hội và cán bộ Hội viên phụ nữ tại cơ sở. 

Nửa nhiệm kỳ, các cấp Hội Phụ nữ triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với thực hiện chương trình 04 -CTr/TU và Chương trình 08- CTr/TU của Thành ủy khóa XVII, tập trung thí điểm xây dựng mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại 63 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Kết quả, 579/579 xã, phường, thị trấn đã giúp đỡ 6.516 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, Hội Phụ nữ tổ chức nhiều sự kiện lớn cấp thành phố tạo điểm nhấn và sức lan tỏa, tôn vinh nét đẹp của phụ nữ Thủ đô như: Hội thi Chủ tịch Hội cơ sở giỏi Thành phố năm 2023; Chương trình đồng diễn áo dài với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển” trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội; Festival “Phụ nữ Thủ đô hội nhập, phát triển”; Giải đi bộ Phụ nữ Thủ đô khỏe - đẹp…

Nhắc về “bí quyết” tạo nên thành công khi thực hiện mô hình điểm để nhân diện rộng, chị Yến cho biết: “Đây là mô hình hoàn toàn mới, khi triển khai tại cơ sở, chị em chúng tôi đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy - UBND huyện Gia Lâm và Đảng ủy - UBND xã, sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành. Chúng tôi đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền cán bộ, hội viên và người dân thực hiện tốt các tiêu chí của cuộc vận động và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, cùng nhau xây dựng khu di tích lịch sử, điểm du lịch kiểu mẫu“.

 Trước đó, bằng nguồn xã hội hóa, Hội LHPN xã cùng chính quyền và người dân tại 2 thôn Thuận Tiến, Dương Xá đã triển khai vẽ tranh bích họa với các chủ đề về bảo vệ môi trường, về phong cảnh quê hương, đất nước… trên các bức tường bao quanh khu di tích, tạo điểm nhấn để du khách “check in” mỗi dịp đến tham quan. Cùng với đó, Hội Phụ nữ cũng thường xuyên tổ chức các buổi lao động, tổng vệ sinh, làm cỏ theo lịch phân công đến từng chi hội trong xã, mỗi tháng 2 lần các chi hội thay nhau tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên khu di tích. Tổ chức in và treo biển quy tắc ứng xử nơi công cộng ở phía trước cổng vào và trong khuôn viên di tích…

 Để quảng bá hình ảnh Khu di tích, vào các năm 2022, 2023 và 2024, Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức một số hoạt động nổi bật tại Khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan như: Triển lãm ảnh “Hoa đất Việt”, Lễ hội Áo dài - Sắc xuân xuống phố; Chương trình đồng diễn dân vũ, diễu hành tôn vinh nét đẹp áo dài… thực hiện Chương trình giới thiệu về Khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan trong chuyên mục “Gia Lâm - Hành trình Di sản” do Huyện Hội thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội…

 “Đặc biệt hơn, chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm là cán bộ, hội viên phụ nữ, số lượng hiện tại là 5 người. Tôi và các chị em áo dài truyền thống (hoặc áo xanh nhận diện của Hội) luân phiên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn viên cho các đoàn khách khi đến tham quan, chiêm bái khu di tích. Việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chính là những người cán bộ Hội trên địa bàn để các chị thể hiện bản lĩnh, sự tự tin và tuyên truyền về truyền thống quê hương rất đáng tự hào. Việc này đã để lại nhiều ấn tượng với du khách và được các cấp Hội, chính quyền đánh giá cao, nhân rộng trong thời gian tới”- bà Phùng Thị Yến cho biết.
Nhiều mô hình mang dấu ấn của Phụ nữ Thủ đô
Xã Yên Mỹ là một làng cổ nằm bên ven đê Sông Hồng. Năm 2023, xã Yên Mỹ đã được thành phố công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu, điểm đến du lịch. Thiết thực các hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô 10/10/2024, Hội LHPN xã Thanh Trì đã phối hợp với xã Yên Mỹ ra mắt mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại Khu Văn chỉ xã Yên Mỹ.

 Bà Phạm Nguyên Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì cho biết:  Khu Văn chỉ ở Yên Mỹ đã có từ lâu đời, là nơi thờ phụng và tế lễ Đức Khổng Tử, các bậc hiền tài và các vị khoa bảng ở làng, nhưng do chiến tranh công trình lịch sử bị tàn phá. Năm 2023, công trình di tích Văn chỉ được các cấp ngành trùng tu, tôn tạo, tháng 1/2024 được khánh thành và đưa vào hoạt động. Với mong muốn mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, xây dựng mô hình Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu trên địa bàn xã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với mọi người dân. Từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã tổ chức ra mắt 10 mô hình thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các xã trên địa bàn huyện; trong đó có 3 mô hình “Khu di tích lịch sử kiểu mẫu” tại các xã Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Đại hội Đại biểu Phụ nữ TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục phát động hội viên, phụ nữ toàn thành phố thực hiện 2 cuộc vận động. Ngay sau đại hội, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Chỉ thị 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với 5 nội dung: Thanh lịch, văn minh trong nói năng, giao tiếp; Văn hoá ứng xử trong gia đình; Thực hiện văn hoá ứng xử tại cơ quan, đơn vị; Thực hiện văn hoá ứng xử nơi công cộng; Thực hiện văn hoá ứng xử trên mạng xã hội.

Đến nay, các mô hình phụ nữ tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng được nhân rộng. Hiện, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã đã thực hiện được 20 mô hình Chợ văn minh an toàn hiệu quả, 30 Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu, 51 “Tổ dân phố/Thôn văn hóa kiểu mẫu”.  

Bên cạnh đó, các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ Thủ đô thực hiện văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực đã được Hội Phụ nữ đẩy mạnh thông qua thành lập các mô hình điểm như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gia đình 5 có, 3 sạch, CLB “Mẹ chồng mẫu mực, nàng dâu thảo hiền”, “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”, “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, các mô hình phụ nữ rèn luyện sức khỏe, các mô hình xây dựng thành phố an toàn… Cùng với đó, các mô hình đường hoa phụ nữ tự quản góp phần tại cảnh quan xanh, sạch, đẹp của cán bộ hội viên phụ nữ đã được nhân dân tích cực hưởng ứng góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hiện toàn thành phố có 8.293 đoạn đường phụ nữ tự quản với gần 4.000 đoạn đường xanh - sạch- đẹp, 841 đoạn đường nở hoa.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN phường Kim Liên, quận Đống Đa: Nỗ lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội năm 2025

Hội LHPN phường Kim Liên, quận Đống Đa: Nỗ lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Hội năm 2025

(PNTĐ) - Năm 2024, Hội LHPN phường Kim Liên, quận Đống Đa  vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác Hội năm 2024. Bà Lê Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Kim Liên được nhận Bằng khen của Hội LHPN Hà Nội đạt danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi" giữa nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội LHPN quận Đống Đa: Năm 2024 tiếp tục phát hành Báo Hội cao nhất toàn Thành phố

Hội LHPN quận Đống Đa: Năm 2024 tiếp tục phát hành Báo Hội cao nhất toàn Thành phố

(PNTĐ) - Ngày 15/1/2024, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “ Hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào phụ nữ quận năm 2024 và phát động phong trào thi đua năm 2025”; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thi đua năm 2024. Trong đó, 1 trong 10 dấu ấn hoạt động Hội của các cấp Hội LHPN quận là có số lượng phát hành báo Phụ nữ Thủ đô, phụ san Đời sống gia đình cao nhất toàn Thành phố.
Hội LHPN quận Long Biên: Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước

Hội LHPN quận Long Biên: Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước

(PNTĐ) - Năm 2024, Các cấp Hội Phụ nữ quận Long Biên đã tích cực, chủ động triển khai chủ đề công tác năm 2024 của Quận với 34 công trình chỉnh trang đô thị và sân chơi an toàn cho trẻ em; nhiều mô hình thu gom, phân loại, tái chế rác, chuyển đổi số đạt được hiệu quả thiết thực và có ý nghĩa lan toả cao.