Xây dựng người phụ nữ Thủ đô trong thời đại mới

Bài cuối: Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội

Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát huy bài học kinh nghiệm của các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô triển khai trong nửa nhiệm kỳ đầu đã đáp ứng với yêu cầu công tác phụ nữ trong tình hình mới, nửa cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội Phụ nữ đề xuất nhiều giải pháp phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”.

Bài cuối: Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội - ảnh 1
Các đại biểu tham gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô năm 2023. Ảnh: Thực Nguyễn 

Chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay
Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo, góp phần xây dựng đô thị văn minh được Hội LHPN quận Thanh Xuân xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp.

 Bà Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cho biết: Tỷ lệ phụ nữ tại quận chiếm 51% dân số và 50% lực lượng lao động xã hội. Hội Phụ nữ xác định muốn thu hút phụ nữ vào “ngôi nhà chung” của tổ chức Hội và giúp họ gắn bó với công tác Hội, trước tiên phải làm sao để cán bộ hội viên có cuộc sống ổn định, kinh tế bền vững, tạo vị thế trong gia đình, xã hội. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội Phụ nữ đã xây dựng chỉ tiêu 100% hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ các điều kiện kinh tế thoát cận nghèo. Mỗi năm giúp ít nhất 55 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thoát cận nghèo và nâng cao mức sống; hỗ trợ và giúp đỡ ít nhất 10 phụ nữ khởi sự kinh doanh. 

Từ đó, Hội đã cử cán bộ thường xuyên quan tâm, gần gũi rà soát nắm rõ từng hoàn cảnh cụ thể của chị em để áp dụng biện pháp, hình thức giúp đỡ kịp thời, phù hợp như: Hỗ trợ vốn vay không lấy lãi, giới thiệu học nghề, tư vấn kiến thức, kỹ năng kinh doanh… Kết quả có 9/11phường không còn hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời Hội còn chú trọng vào 2 tiêu chí “Sáng tạo - Đảm đang” (của phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch” để hướng dẫn cơ sở tổ chức thành lập các mô hình Hợp tác xã. Các cơ sở của các nữ chủ doanh nghiệp trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật với mức thu nhập ổn định. 

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: “Nửa cuối nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng tác động đến phong trào và hoạt động của Hội như Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030; bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi, bổ sung)… đòi hỏi tổ chức Hội phải luôn không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, có những giải pháp phù hợp mang lại lợi ích thiết thực hơn, có sức hấp dẫn, lôi cuốn phụ nữ, tạo niềm tin và sự gắn bó của hội viên, phụ nữ với Hội. Do đó, kiến nghị đề xuất đối với TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân, cán bộ Hội có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào phụ nữ và công tác Hội; quan tâm đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thuộc Hội”.

Phát huy vai trò phụ nữ trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, với nhiều ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, nhiều chị em đã nhanh chóng tiếp cận, mạnh dạn ứng dụng công nghệ và làm chủ quy trình sản xuất, kinh doanh; có nhiều chị là chủ các công ty, doanh nghiệp, có sản phẩm uy tín được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn điển hình như bà Nguyễn Thị Đông -Giám đốc Công ty Hóa Mỹ phẩm Hoa Lan với sự say mê nghiên cứu khoa học để biến những ý tưởng, sáng tạo của mình vào ứng dụng thực tiễn. 

Tại huyện Ba Vì, bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hội đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội triển khai có hiệu quả công tác ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác. Đến nay, 100% các tổ Tiết kiệm vay vốn của Hội đã được thành lập theo địa bàn dân cư. Hội triển khai hoạt động ủy thác vay vốn Ngân hành chính sách xã hội với 12 chương trình vay vốn, số dư nợ là 496.554 triệu đồng cho 11.777 thành viên vay tại 203 tổ Tiết kiệm vay vốn. Nhiều hộ nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách đã thoát nghèo. Có được kết quả trên đó là Hội đẩy mạnh truyên truyền chủ trương chính sách, văn bản của các cấp đến các đối tượng được thụ hưởng; phối hợp với Ban giảm nghèo các cơ sở để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tín dụng và công tác giám sát tại địa phương, giúp đồng vốn tín dụng chính sách đến với đúng đối tượng và sử dụng vốn hiệu quả. 
Kiến nghị, đề xuất thực hiện thắng lợi nửa cuối nhiệm kỳ
Để thực hiện tốt khâu đột phá trong nhiệm kỳ, bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm kiến nghị Thành phố cùng cấp ủy Đảng chính quyền các quận, huyện, thị xã và cơ sở quan tâm, tạo điều kiện để từ nay đến cuối năm 2024, 100% Hội Phụ nữ cơ sở trên địa bàn Thủ đô được trang bị máy tính riêng, có kết nối internet, từ đó hỗ trợ Hội Phụ nữ cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đến đội ngũ Chi hội trưởng, tổ trưởng tổ phụ nữ, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng xử lý những tình huống cụ thể khi tập hợp phụ nữ trên không gian mạng…

Bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình đề xuất, để tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, Hội cần nhân rộng nhiều hơn nữa những công trình kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng các gia đình hạnh phúc với mô hình truyền thống nhiều thế hệ, do đó cần sự chung tay đồng bộ trong lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các cấp Hội cần tập trung thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Hội viên, phụ nữ…

PGS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết: Hội luôn hướng tới mục tiêu “Xây dựng đội ngũ Nữ trí thức Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, trong thời gian tới, đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm tới đội ngũ nữ trí thức, tổng kết, đánh giá để có một Nghị quyết mới về công tác phụ nữ trong thời đại 4.0, trong đó có đội ngũ nữ trí thức. Đề nghị Thành Hội quan tâm và phân công mảng công việc cụ thể mà Hội Nữ trí thức Thủ đô có thế mạnh, có điều kiện được tham gia với tư cách tập thể Hội Nữ trí thức.

Đối với Thành ủy Hà Nội, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục quan tâm chỉ đạo cấp ủy các cấp triển khai có hiệu quả Chỉ thị 21- CT/TƯ của Ban Bí thư, Chỉ thị 22- CT/TU của Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của TP Hà Nội trong tình hình mới”; quan tâm công tác cán bộ nữ, cán bộ Hội, nhất là tại một số địa phương (cấp xã, cấp huyện) có tỷ lệ cán bộ nữ thấp. HĐND-UBND Thành phố chỉ đạo các cấp ủy chính quyền hỗ trợ các điều kiện, phương tiện làm việc của tổ chức Hội theo quy định Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó có hỗ trợ máy tính nối mạng cho Hội LHPN cấp xã); đảm bảo thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong các cơ quan hệ thống chính trị Thành phố; có cơ chế để tổ chức Hội Phụ nữ chủ động phát huy vai trò phản biện xã hội đối với dự thảo các chương trình, kế hoạch của Thành phố liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới…

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đề nghị Hội LHPN Hà Nội tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Hội, trong đó cần quan tâm hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tập hợp thu hút hội viên phụ nữ nhất là phụ nữ trên không gian mạng… Đồng thời đề nghị Hội Phụ nữ các cấp tập trung thực hiện tốt phong trào thi đua, 2 cuộc vận động, 2 khâu đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm và kịp thời nắm bắt những chỉ đạo của Đảng bộ, của HĐND, UBND TP Hà Nội để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Điểm tựa vững chắc để phụ nữ Thanh Trì khởi nghiệp

Điểm tựa vững chắc để phụ nữ Thanh Trì khởi nghiệp

(PNTĐ) - Sau 7 năm thực hiện, Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” đã khơi dậy tiềm năng của phụ nữ của phụ nữ huyện Thanh Trì và cộng đồng trong tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Gần 57.000 phụ nữ tại Hà Nội sẽ được khám miễn phí ung thư vú, cổ tử cung trong năm 2025

Gần 57.000 phụ nữ tại Hà Nội sẽ được khám miễn phí ung thư vú, cổ tử cung trong năm 2025

(PNTĐ) - Với mong muốn “không để phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau” trong hành trình bảo vệ sức khỏe, năm 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai chương trình khám, tầm soát và truyền thông phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn 18 huyện và thị xã của Thủ đô.
Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới không chỉ khơi dậy niềm tự hào về quá khứ mà còn là bước đi chiến lược để phụ nữ Thủ đô tự tin khẳng định vị trí của mình, đưa Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.